Đụng vào đất đai, tốt nhất là thân ai nấy lo
Bạn thân cũng có lúc lừa mình…
Chị Thương hiện đang định cư và làm việc bên Đức, nghe họ hàng kể quê nhà sốt đất, nhiều người mua bán đất giàu nhanh nên chị quyết định đầu tư một mảnh ở Việt Nam. Chị nhờ bạn thân của mình đi xem đất, gửi hình và Facetime (gọi điện video) thì thấy mảnh đất rất ổn. Khi chốt giá 3,3 tỷ, chị Thương lập tức gửi tiền về.
Sau này nhờ bán, thì được gửi bảng quy hoạch, chị mới biết lô đất dính quy hoạch hết 3 phần, còn 1 phần. Chị Thương không ngờ tới vì người bạn đó có kinh nghiệm địa chính lại không phát hiện ra lô đất bị quy hoạch giao thông, nhưng cũng thôi vì do bản thân đã quá tin tưởng, thiếu kiến thức nên mới ra nông nỗi.
Đáng nói là khi người nhà chị Thương biết chuyện và nhờ mối quan hệ điều tra thì mới lộ ra mảnh đất ban đầu chỉ bán với giá 2,1 tỷ đồng. Người bạn thân đã nói chênh với chị đến 1,1 tỷ và giờ lại thêm đất quy hoạch hết 3/4 không biết có bán được không. Bẽ bàng, uất ức, chị Thương chỉ biết câm nín và đã phải trả cái giá đắt cho bài học: Đất đai tiền bạc tốt nhất là thân ai nấy lo.
Hay câu chuyện một Việt Kiều Mỹ cũng gửi tiền về nhờ bạn mua bất động sản đã phải “cầu cứu” chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Nguyễn Duy Chuyền, ông Chuyền kể lại: “Bạn này ở bên Mỹ gửi tiền về cho người bạn ở Việt Nam mua đất và đứng tên hộ. Năm 2019, 2 ha đất tại Lâm Đồng có giá 5 tỷ đồng, đến bây giờ giá trị lô đất đó “bèo” cũng rơi vào khoảng 20-30 tỷ. Khi cô Việt Kiều muốn sang tên sổ, người bạn ở Việt Nam nói rằng lô đất này dính quy hoạch, không làm giấy tờ được, đại ý là không muốn trả đất. Bởi vậy mới nói bạn bè dù thân mấy nhưng dính đến số tiền “khổng lồ” thì cũng chẳng vuốt mặt nể ai.
Cũng có một trường hợp, nộp tiền vào dự án chung cư bạn thân đang làm theo lời hứa “ngon lắm, rẻ lắm” từ năm 2020. Đóng hết 1 tỷ, đến thời hạn nộp giai đoạn tiếp theo, người bạn kia gửi ảnh tiến độ thi công nói là đã xong móng để ép đóng tiếp. Dân xây dựng nhìn phát biết ngay là đang khoan cọc nhồi, từ đó lên móng còn mất thêm 4-5 tháng nữa. Đó bạn thân còn dám lừa nhau như vậy…”
Mất tình bạn vì đầu tư chung
Vợ chồng chị Huyền (nhân viên văn phòng) góp 1 tỷ đồng với người bạn thân thiết để đầu tư một mảnh đất giá 3 tỷ đồng, với hy vọng lướt sóng sinh lời nhanh. Đáng nói ở chỗ, trong 1 tỷ đồng đó có 6 cây vàng (300 triệu đồng) chị Huyền vay từ phía gia đình, khi vàng còn giá 50 triệu đồng/lượng. Thế nhưng cho đến thời điểm vàng lên 60 triệu đồng/lượng, mảnh đất vẫn chưa bán được. Nguyên nhân không đến từ thanh khoản mà do hai bên không thống nhất được bán hay giữ.
“Có khá nhiều người hỏi mua mảnh đất, giá mua chênh dưới 200 triệu đồng, nhưng bạn chị cho là thấp quá và nhất định chỉ bán khi giá tối thiểu là 3,5 tỷ đồng.
Mâu thuẫn hai bên ngày càng gay gắt khi bạn chị là người có tài chính ổn định nên rất bình thản, còn nhà chị như ngồi trên đống lửa khi giá vàng cứ ngày một tăng. Tính ra chỉ hơn 2 tháng thôi mà chị đã âm đến 60 triệu đồng, mà đất thì không biết bao giờ được bán.
Cứ khi nào vợ chồng chị giục bán đất là bạn chị lại cáu, đôi bên ngày càng căng thẳng, từ mua một miếng đất mà giờ thành khó nhìn mặt nhau. Thực sự là quá sai lầm khi chung tiền mua đất…”, chị Huyền chia sẻ.
Bạn bè cũng cần rõ ràng, minh bạch
Anh Đặng Quang Tín, doanh nhân, nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm 6 năm “lăn lội” với thị trường và nhiều lần đầu tư chung bất động sản với bạn bè cho rằng nhược điểm lớn nhất việc đầu tư chung chính là nhà đầu tư quá tin tưởng vào bạn của mình.
“Ưu điểm của việc mua chung là nhà đầu tư bỏ ít vốn đã có thể sở hữu cổ phần của một lô đất “ngon, bự”. Bên cạnh đó, khi mua chung sẽ có nhiều góc nhìn khái quát và đa chiều về thị trường hơn, chưa kể làm ăn chung với những người có kinh nghiệm sẽ giúp nhà đầu tư học hỏi được rất nhiều.
Thế nhưng đây lại chính là bất lợi, bởi khi có quá nhiều ý kiến sẽ gây rối, lúc người này muốn giữ thì người kia muốn bán, dễ dẫn đến anh em xích mích. Và nhược điểm lớn nhất là nhà đầu tư quá tin người mà không tìm hiểu kỹ dự án.
Ví dụ như anh và bạn rủ mua chung, vì chơi với nhau quá thân nên anh nghĩ người đó không bao giờ lừa anh đâu, giờ cứ chuyển tiền là được, khả năng cao anh sẽ mất tiền. Nhìn người tốt nhưng đụng đến tiền thì cũng không biết đâu mà lần. Nếu có vấn đề xảy ra về mâu thuẫn kiện tụng thì cũng bắt nguồn từ việc chưa ràng buộc hợp đồng rõ ràng”, anh Tín chia sẻ và khẳng định việc lựa chọn người đầu tư chung chỉ quyết định 30%, 70% còn lại phụ thuộc vào hợp đồng thoả thuận.
Khi có bất cứ cơ hội đầu tư chung nào đó, theo anh Tín, việc đầu tiên nhà đầu tư cần làm là thẩm định đối tượng đầu tư chung. Chỉ mua chung trong hai trường hợp, một là mối quan hệ thân thiết và người đó phải có tài chính rất bền vững, bản thân nhà đầu tư cũng phải vững, nếu hai bên cùng dùng đòn bẩy sẽ dẫn đến mâu thuẫn bán hay giữ. Hai là khi nhà đầu tư quá thích cơ hội đó nhưng quá ít tiền, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo yếu tố số 1, người đầu tư chung là người uy tín và có tài chính ổn định.
Bước tiếp theo là nhà đầu tư tự thẩm định cơ hội đó có thực sự tốt hay không, tiềm năng tăng trưởng, pháp lý rõ ràng… dù là mua chung, mua lẻ hay bất cứ loại hình nào cũng cần đảm bảo những yếu tố này.
Sau cùng chính là pháp lý về việc hợp tác giữa những người trong một nhóm mua chung, trong đó quan trọng nhất là thoả thuận góp vốn. Thỏa thuận này giống với thỏa thuận góp vốn của một công ty, người A góp bao nhiêu phần trăm, người B góp bao nhiêu phần trăm và nghĩa vụ của A, B, C… là gì. Quan trọng thứ là thỏa thuận khi nào bán, điều khoản này để tránh xung đột người muốn bán người muốn giữ.
“Ví dụ như anh, khi rủ ai mua chung anh sẽ nói luôn lô này anh sẽ giữ 10 năm, em thoát ra anh sẽ chỉ trả lại số tiền ban đầu em đóng thôi, để em có nghĩa vụ ở lại 10 năm. Hoặc nếu em mua với anh em mà muốn thoát thì em sẽ đi bán lại cổ phần của em cho người khác, khi đó là câu chuyện tự em xử lý.
Tất cả việc mua chung phải ràng buộc hợp đồng, phải có những thỏa thuận nếu anh muốn bán tôi chưa muốn bán thì xử lý sao, tôi muốn bán anh chưa muốn bán thì như thế nào, phải có những điều khoản như vậy sẽ đỡ xích mích và đỡ nhức đầu về sau.
Nhiều khi mọi người cứ suy nghĩ việc ràng buộc hợp đồng sẽ làm mất tình cảm anh em, bạn bè nhưng tới lúc tranh chấp còn mất lòng nặng hơn. Thà mất lòng trước để rõ ràng và sau đó tập trung câu chuyện đi làm kiếm tiền, bỏ mảnh đất kia qua một bên và không cần suy nghĩ quá nhiều về nó nữa”, anh Quang Tín nói.