Dragon Capital: Lãi suất tiền gửi hạ nhiệt báo hiệu sự dịch chuyển dòng tiền, cổ phiếu niêm yết là một lựa chọn tốt
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia chứng khoán: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, ba nhóm cổ phiếu hưởng lợi trong thời gian tớiTại sao nhà đầu tư vẫn chưa "mặn mà" với chứng khoán dù lãi suất đã hạ nhiệt?Lãi suất hạ nhiệt giúp đầu tư chứng khoán dần hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệmTheo Nhịp sống thị trường, trong báo cáo cập nhật mới đây của Dragon Capital cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên lạc quan hơn sau những thay đổi về chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khắc phục tình trạng khó khăn của thị trường vốn và bất động sản.
Trong đó, minh chứng rõ ràng nhất là việc chỉ số VN-Index tăng 3,9% trong tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn giảm 8,6% so với tháng trước đó, do nhà đầu tư trong nước giải ngân vẫn khá dè dặt sau khi Vn-Index giảm gần 8% trong tháng 2.
Bên cạnh đó, Dragon Capital cũng nhấn mạnh khối ngoại vẫn là điểm sáng với việc Fubon ETF giải ngân 60 triệu USD trong tổng hạn mức mới khoảng 180 triệu USD. Trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 117 triệu USD, nâng tổng số mua trong quý 1/2023 lên con số 252 triệu USD. Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, việc lãi suất gửi hạ nhiệt báo hiệu một sự dịch chuyển dòng tiền từ tiền gửi sang các loại tài sản khác, với cổ phiếu niêm yết là một sự lựa chọn hấp dẫn.
Việc hạ lãi suất cùng sự hoạt động trở lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu đến từ các công ty bất động sản, với tổng giá trị phát hành mới khoảng gần 1 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng giá của các nhóm ngành. Điển hình như nhóm chứng khoán dẫn đầu thị trường với mức tăng ấn tượng 19%, theo sau là ngành xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản với mức tăng lần lượt là 12,7% và 12,5%.
Ngược lại, nhóm bán lẻ lại ghi nhận kết quả không mấy khả quan với mức giảm 4,2%. Việc tập trung nhiều vào bán lẻ điện thoại và điện máy là những sản phẩm phải đối mặt với việc giảm giá mạnh do nhu cầu thấp, dự báo lợi nhuận nhóm ngành này tiếp tục kém khả quan trong nửa đầu năm.
Các chính sách điều hành theo hướng nới lỏng tạo tiền đề cho sự khởi sắc trong quý 2/2023
Về tình hình vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức trong quý đầu tiên của năm 2023, cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 3,3%, chỉ cao hơn mức 3,2% ghi nhận vào quý 1 năm Covid 2020 trong 10 năm qua. Ngoài ra, chỉ số CPI cũng giảm 0,23% so với tháng trước, nhưng tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ nhóm giao thông giảm 4,9% so với cùng kỳ. Giá thực phẩm và hàng may mặc cũng chững lại do nhu cầu tín dụng yếu (2,1% từ đầu năm) khi lãi suất vay mua nhà và vay tiêu dùng tăng cao bắt đầu tạo áp lực lên sức mua của thị trường trong nước.
Số liệu GDP cho thấy, kế hoạch đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% gặp nhiều trở ngại. Chính phủ đang nỗ lực hết sức đưa ra các phương án điều hành nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế như 2 Nghị định tháo gỡ vướng mắc của thị trưởng trái phiếu và hỗ trợ thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng dự thảo thông tư cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán đi trong vòng 12 tháng, đồng thời thảo luận các biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, như giãn nợ gốc, lãi vay, hay cơ cấu lại nhóm nợ,...
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn và khả năng sẽ còn tiếp tục có thêm các điều chỉnh khác nếu điều kiện cho phép. Theo đó, Dragon Capital tin rằng Chính phủ sẽ có thêm những phải pháp hỗ trợ cũng như thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt dựa trên cơ sở số liệu quý 1 vừa qua, rất có thể sẽ có những hành động quyết liệt hơn trong quý 2 này.
Trong khi đó, áp lực lạm phát không quá đáng ngại và tăng trưởng M2 thấp kỷ lục với mức 0,6% từ đầu năm cùng với việc Fed có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ sớm hơn so với dự kiến. Theo dự báo của Dragon Capital, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ ban hành thêm các chính sách điều tiết để hỗ trợ cũng như thúc đẩy cho nền kinh tế.
Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng đã mở rộng hơn trong tháng 3 khi lãi suất huy động giảm, nhưng thị trường chứng khoán vẫn trong xu hướng đi ngang, đồng nghĩa với việc kênh đầu tư chứng khoán đã dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam
Nói về việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm đối với TCB nhưng lại nâng hạng 8 ngân hàng khác, Dragon Capital cho rằng sức khỏe của đa số các ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang được cải thiện trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Minh chứng rõ ràng nhất là khi Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) đã mua 15% cổ phần của VPB với mức định giá gần gấp đôi so với giá thị trường của nhà băng này. Điều này đã xoa dịu lo ngại rằng các vấn đề của thị trường bất động sản có thể khiến cho việc tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, FTSE Russell cũng cho biết về khả năng xếp loại lại thị trường của Việt Nam. Họ thông báo rằng có thể xem xét lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hệ thống giao dịch KRX mới. Ngoài ra, một tin đáng khích lệ nữa là quá trình thử nghiệm ban đầu của hệ thống đã bắt đầu vào tháng 3, với việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết tâm triển khai hệ thống trong năm nay.
Tổng kết lại, Dragon Capital bày tỏ sự tin tưởng vào các chính sách vĩ mô sẽ giúp tạo ra nền giá vững vàng hơn cho thị trường cũng như cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong dài hạn.