Dòng vốn M&A chảy mạnh vào thị trường nhà ở TP Hồ Chí Minh
Đơn vị nghiên cứu này cho biết, hơn 15 năm trước, dòng vốn FDI đã tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp. Trong khoảng thời gian đó, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.700 căn hộ cao cấp nhưng đã có đến 1.000 căn thuộc các dự án có vốn FDI.
Những thương hiệu quốc tế đã quen thuộc với các dự án cao cấp đầu tiên tại Việt Nam phải kể đến như The Estella, The Vista được chào bán trên thị trường. Đến chu kỳ hiện tại, thị trường nhà ở cao cấp tại Việt Nam tiếp tục xuất hiện các chủ đầu tư FDI khác như Frasers Property, Hong Kong Land hoặc Mapletree. Điều này đã thúc đẩy số lượng căn hộ cao cấp có vốn đầu tư FDI tại TP Hồ Chí Minh tăng lên tới 23.800 căn vào quý III/2023 so với 1.000 căn vào năm 2008.
Sự đổ bộ của dòng vốn ngoại vào phân khúc nhà ở đã được nhiều đơn vị nghiên cứu ghi nhận. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản đang diễn ra mạnh ở phân khúc nhà ở. Các nhà đầu tư tham gia M&A phần lớn đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia. Sự quan tâm của các nhà đầu tư được duy trì suốt nửa đầu năm và càng tăng dần về cuối năm. Dự báo, trong quý IV này sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập bất động sản nhà ở thành công.
Khảo sát thực tế cũng cho thấy, trong thời gian vừa qua có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập nhà ở lớn. Tiêu biểu như quý III/2023, SkyWorld Development Berhad (Malaysia) đã mua lại 2.060 m2 đất tại quận 8, TP Hồ Chí Minh để phát triển dự án nhà ở. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp lớn của Malaysia cũng đã mua gần 4ha đất tại TP Thủ Đức để phát triển một dự án bất động sản đa dụng. Bên cạnh đó, hiện tại đang có nhiều giao dịch M&A nhà ở của các nhà đầu tư đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán và đã có những tín hiệu khá tích cực.
Lý giải về nguyên nhân khiến thị trường nhà ở đang có nhiều sức hút trên thị trường M&A, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam hình thành, nhà ở luôn là phân khúc hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này là nhờ vào việc Việt Nam đang thuộc nhóm các nước đông dân trên thế giới, đặc điểm dân số Việt Nam có 70% dân số trong độ tuổi 15-64. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh tại Việt Nam càng làm tăng tính hấp dẫn đối với thị trường nhà ở.
Tuy nhiên bà Trang Bùi cho rằng, cơ hội cho các thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, danh mục dự án nhà ở để khối ngoại có thể “xuống tiền” lại không nhiều vì còn nhiều vướng mắc về pháp lý, độ chênh về kỳ vọng giá ở hai phía và quy trình bồi thường còn nhiều phức tạp. Vấn đề hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án vẫn là thách thức đối với cả bên bán và bên mua. Ngoài ra, đối với những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại Việt Nam, sự phù hợp về chiến lược, kỳ vọng về giá là một thách thức lớn.
Bên cạnh đó, hầu hết các bất động sản chào bán trên thị trường Việt Nam không công bố rộng rãi và chính thức dẫn đến khả năng tiếp cận các tài sản tốt rất “eo hẹp”. Do đó, đa số các nhà đầu tư nước ngoài đều tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên nghiệp để gia nhập vào thị trường.
Mới đây, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua đã có nhiều quy định nới lỏng, tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường M&A bất động sản. Giới chuyên gia của Cushman Wakefield Việt Nam đánh giá, những quy định mới này đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư quốc tế mở rộng thị trường tại Việt Nam. Dự báo, trong giai đoạn 2024-2026 sẽ có một nguồn vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn sẽ ngắm đến những quỹ đất sạch, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp.