Dòng vốn FDI vẫn không ngừng đổ vào Việt Nam, vì sao tiền ngoại từ chối mua trên sàn chứng khoán?
BÀI LIÊN QUAN
Khối ngoại bán ròng dù triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam ngày càng rõ ràngHàng tỷ USD nội địa “át” khối ngoại xả hàng, thị trường chứng khoán tiếp tục hưởng lợiĐà bán ròng của khối ngoại có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam?Thị trường chứng khoán trong nước đang tồn tại những rào cản nhất định khiến nhà đầu tư ngoại không “mặn mà” rót vốn mua qua sàn. Kể từ năm 2020 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 3 tỷ USD.
Trên thực tế, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng triền miên trong suốt quãng thời gian 4 năm qua và chỉ mua ròng ở một vài giai đoạn ngắn, điển hình như khi thị trường rơi xuống đáy dài hạn hồi cuối năm ngoái. Hiện tại, nhóm nhà đầu tư này đang ghi nhận chuỗi 9 tháng bán ròng liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra để giải thích cho động thái này của nhà đầu tư nước ngoài như: sự chênh lệch môi trường lãi suất, hoạt động “chốt sổ” của các quỹ ngoại, thuế đầu tư nước ngoài tại Thái Lan,... Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng đà bán ròng của khối ngoại tập trung cục bộ do động thái cơ cấu danh mục của các quỹ. Tuy nhiên, các yếu tố trên chủ mang tính ngắn hạn và rất khó có thể lý giải cho xu hướng bán ròng đã kéo dài nhiều năm.
Khối ngoại đang có chuỗi 9 tháng bán ròng liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại |
Vì sao khối ngoại từ chối mua trên sàn chứng khoán?
Mặc dù dòng vốn ngoại vẫn đổ vào Việt Nam nhưng đã có sự chọn lọc nhất định và đáng tiếc là thị trường chứng khoán lại không phải ưu tiên. Thực tế, các lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như công nghiệp, sản xuất, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe,... lại không có nhiều cổ phiếu cũng như tỷ trọng rất hạn chế.
Trong khi đó, cơ cấu chứng khoán Việt Nam gần như nghiêng hẳn về 2 nhóm là tài chính và bất động sản với số lượng cổ phiếu và vốn hóa áp đảo. Dữ liệu từ Bloomberg cho biết, 2 nhóm ngành này (theo hệ thống phân ngành GICS) chiếm tổng tỷ trọng tới hơn 57% vốn hóa thị trường chứng khoán. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,... Còn nếu so với các thị trường hàng đầu thế giới, thì tỷ trọng này của Việt Nam còn vượt trội hơn.
Cơ cấu của chứng khoán Việt Nam gần như nghiêng hẳn về 2 nhóm tài chính và bất động sản |
Có thể thấy, tài chính và bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng. Điều này khiến 2 nhóm cổ phiếu này có tính đầu cơ cao. Trong khi đó, ngoài nhóm đầu tư chiến lược, dòng vốn nước ngoài chủ yếu lướt sóng, đánh nhanh rút gọn trên các cổ phiếu này. Mặt khác, các nhóm cổ phiếu có khả năng hút vốn ngoại bền vững lại rất ít lựa chọn, thậm chí một số còn thường xuyên trong tình trạng hết room.
Như vậy, cơ cấu mất cân bằng khiến việc đa dạng sản phẩm đầu tư trở nên khó khăn hơn. Danh mục của các quỹ đầu tư chủ động lớn đều là những cái tên quen thuộc. Các bộ chỉ số tham chiếu cho các quỹ ETF cũng “na ná” nhau với cơ cấu chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Nhà đầu tư gần như không có lựa chọn nào khác. Điều này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó thu hút được dòng vốn ngoại trở lại mua qua sàn. Thay vào đó, nhà đầu tư ngoại muốn “rót tiền” vào Việt Nam thường sẽ thông qua việc đầu tư FDI, hay các thương vụ thâu tóm, mua cổ phần chiến lược doanh nghiệp.
Tiền ngoại vẫn không ngừng đổ vào Việt Nam
Một điểm đáng chú ý là dù xả hàng liên tục trên sàn chứng khoán nhưng trên thực tế, tiền ngoại không rút khỏi các doanh nghiệp Việt Nam. Dòng vốn ngoại vẫn âm thầm đổ vào thị trường nước ta thông qua các thương vụ mua cổ phần chiến lược. Đơn cử có thể kể đến thương vụ SMBC mua 15% cổ phần VPBank trong đợt chào bán riêng lẻ với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD hồi giữa năm nay.
Bên cạnh “bom tấn” trên, những năm gần đây, các thương vụ nhà đầu tư ngoại mua cổ phần chiến lược của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán với giá trị từ hàng chục cho đến hàng trăm triệu USD vẫn diễn ra đều đặn. Chẳng hạn như Daytona Investments mua cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP); Hana Securites trở thành cổ đông chiến lược của Chứng khoán BSC;...
Ngoài ra, hoạt động mua bán, sáp nhập ngoài sàn chứng khoán cũng được thúc đẩy những năm gần đây. Có thể kể đến thương vụ SMBC mua 49% cổ phần FE Credit từ VPBank năm 2021 với giá trị vào khoảng 1,4 tỷ USD; AEON chi 180 triệu USD để sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) từ SeABank, hay như Krungsri mua 50% vốn SHB Finance từ SHB,…
Đặc biệt, ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các thương vụ bắt tay giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt diễn ra càng rầm rộ. Nổi bật phải kể đến Thomson Medical bỏ ra gần 380 triệu USD mua Bệnh viện FV; Dongwha Pharm mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma; VinaCapital rót vốn vào Bệnh viện Thu Cúc;...
Trái ngược với xu hướng bán ròng triền miên của khối ngoại trên sàn chứng khoán, dòng vốn trực tiếp từ nước ngoài (FDI) không ngừng chảy vào Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kế, tính đến ngày 20/11/2023, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lại không ngừng chảy vào Việt Nam |
Dòng vốn FDI có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư lâu dài ở các lĩnh vực sản xuất. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm vị trí đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký lũy kế trên các dự án còn hiệu lực lên tới hơn 260 tỷ USD, tương đương chiếm 59,3%. Xếp ở vị trí tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực như bất động sản; sản xuất và phân phối điện; dịch vụ lưu trú, ăn uống; xây dựng; bán buôn, bán lẻ phụ tùng ô tô; vận tải kho bãi; thông tin truyền thông; khai khoáng; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ;...