Doanh nhân Nguyễn Văn Hoang - CEO kiêm Founder Banuli: Hành trình từ thanh niên bán giày dạo thành ông chủ của thương hiệu giày nổi tiếng Sài Gòn
BÀI LIÊN QUAN
CEO Leflair Group và hành trình viết lên câu chuyện kinh doanh mới trên thị trường TMĐT Việt NamHành trình ra “biển lớn” của các ngân hàng Việt Gỗ An Cường: Hành trình vươn tới sự hoàn hảo trong ngành nội thất gỗChàng trai Nguyễn Văn Hoang (sinh năm 1990) xuất thân từ một gia đình nghèo khó tại Bình Định. Khi đang là sinh viên chuyên ngành kiến trúc, anh đã quyết định tạm gác việc làm đồ án để theo đuổi đam mê kinh doanh. Thời điểm hiện tại, Hoang đang là chủ thương hiệu giày Banuli, sở hữu xưởng sản xuất cùng với chuỗi cửa hàng đại lý độc quyền tại TPHCM cùng một số tỉnh lân cận.
Từ anh chàng bán giày dạo làm nên “cơ đồ”
Theo chia sẻ của Nguyễn Văn Hoang, anh vốn là người đam mê những sản phẩm từ da, nên từ khi còn là sinh viên đại học đã tự tìm hiểu và làm ra các loại túi handmade tự mình sử dụng. Sau đó, bạn bè cũng đặt hàng ủng hộ, đồng thời khuyên anh nên bán sản phẩm của mình lên các trang thương mại điện tử.
Anh từng là một sinh viên nghèo, thậm chí nghèo đến mức bản thân từng hài hước tự nhận mình là “nghèo đến nỗi không có mồng tơi để rớt”. Từ vùng quê Bình Định vào Sài Gòn để học, Hoang đã trải qua cuộc sống thiếu thốn đủ bề, buộc phải tạm xa giảng đường một năm để đi làm công nhân bốc vác và kiếm từng đồng bạc trang trải cuộc sống cũng như tiếp tục học tập.
Sẵn máu kinh doanh trong người, đến năm 2015 Hoang đã rủ bạn cùng góp vốn để mở một cửa hàng thời trang. Nhóm đã đi khắp khu vực quận 12, TPHCM để tìm xưởng may gia công nhưng không được. Thay vào đó, họ vô tình tìm thấy một xưởng đóng giày hộ gia đình. Vì thế, sau một thời gian dài trằn trọc suy nghĩ, Hoang đã quyết định… đi bán giày dạo.
Trong khoảng thời gian này, bên cạnh việc đi làm thêm về thiết kế, Hoang lại tiếp tục rong ruổi khắp các con phố với bao tải các mẫu giày để chào hàng. Anh nhớ rõ, có những hôm đi mỏi cả chân mới có một cửa hàng đồng ý nhập 5 đôi giày.
Dù khó khăn và thử thách bủa vây nhưng Hoang vẫn quyết không bỏ cuộc. Thay vào đó, 9x tận dụng thời điểm bùng nổ của internet và mạng xã hội nhằm bắt đầu tìm hiểu cách tiếp cận của các khách hàng ở trên google. Không lâu sau, các khách hàng biết đến Hoang như một chủ xưởng sản xuất và bắt đầu có những người khách đầu tiên. Nhóm của Hoang bắt đầu kinh doanh và bán hàng qua facebook. Nhờ kinh doanh thuận lợi nên khách đặt hàng thường xuyên, cứ 5-7 ngày anh có thu nhập 4-5 triệu đồng, chàng trai 9x nhớ lại.
Cuối năm 2015, khi đang chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, Hoang quyết định tạm gác việc này lại để tập trung toàn bộ thời gian cho công việc kinh doanh. Có khoảng thời gian mà anh nhớ mãi, đó là khi nhận đơn hàng sản xuất hàng nghìn dây lưng phụ kiện cho váy công sở để xuất đi Nhật.
Hoàng kể lại: “Khi đó, trong tay tôi chỉ có khoảng 17 triệu đồng tiền tích góp, bởi hầu hết số tiền mà tôi làm ra đều dành cho sinh hoạt và trả nợ tiền vay đi học khi còn sinh viên. Trong khi đó, các xưởng sản xuất nhỏ tại TP.HCM đều không thể xử lý được vấn đề nguyên liệu, thế nên họ không nhận. Tôi đã thử làm mẫu và dựa vào các mối quan hệ của mình để tìm được lò thuộc da, có thể cung cấp da có độ dày 3-4mm.
Sau đó, tôi lại tiếp tục tìm nơi sơn da bởi vì sơn màu trắng nên nhiều nơi họ không nhận. Đầu khóa tôi đặt làm mẫu ở xưởng làm inox, sau đó mang đi xi mạ màu đồng. Mẫu đã được duyệt và thương lượng giá thành công, thế nhưng khi sản xuất lại gặp khó khăn về vốn. Thấy tôi thật thà nên đối tác họ đã đồng ý đặt cọc 70% số tiền để tôi có thể đầu tư sản xuất. Sau khi nhận tiền cọc, tôi đã thuê một phòng trọ 12m2 tại Biên Hòa... Đó chính là cái xưởng sản xuất đầu tiên của tôi”, theo Infonet.
Với sự hỗ trợ của người thân, đơn hàng đầu tiên của Hoang đã thành công tốt đẹp.
Thương hiệu giày Banuli chính thức ra đời
Công việc kinh doanh online ngày càng hiệu quả, Hoang đã thuyết phục được em trai và anh trai của mình tham gia cùng. Mấy anh em mở công ty vào giữa năm 2017, đây cũng là lúc thương hiệu giày Bernuli ra đời. Sau đó, Hoang đổi tên thương hiệu thành Banuli và cửa hàng bán giày đầu tiên được mở trên đường Quang Trung, Gò Vấp.
Sau đó, Hoang tiếp tục thiết lập nhà xưởng, tự mình sản xuất nhằm xây dựng nên một thương hiệu xứng tầm. Khoảng thời gian năm 2018 là khi công ty vừa xây dựng quy trình sản xuất, vừa xây dựng cũng như phát triển chuỗi cửa hàng và phát triển đội ngũ bán hàng online.
Ông chủ 9x bộc bạch: “Dù không phải là chuyên ngành giày nhưng tôi đã mạnh dạn thiết lập nhà xưởng để sản xuất. Tôi tự mình thiết kế các mẫu giày. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho giai đoạn này là khá đắt. Đó là, dù sản phẩm có thiết kế sang trọng và mẫu mã có sự nghiên cứu, đầu tư nhưng quá trình nghiên cứu lại gặp rất nhiều lỗi. Tuy nhiên, phải làm và tung ra thị trường thì mới biết được khách hàng cần gì, sửa gì và cần khắc phục gì”. Cho đến nay, chưa bao giờ Hoang quên có giai đoạn công ty sản xuất lô giày đã dính phải nguyên liệu đế kém chất lượng, buộc phải thu hồi toàn bộ để thay thế.
Mới đây, Hoang đã mua lại toàn bộ cổ phần của em trai và anh trai, tiến hành tái cấu trúc toàn bộ công ty. Cửa hàng tại Đà Nẵng cũng được nhượng quyền cho đại lý ở Đà Nẵng quản lý và kinh doanh. Công ty còn ký hợp đồng khai trương 2 cửa hàng nhượng quyền tại TP.HCM và Quảng Bình.
Theo Hoang, doanh thu trước đây khá cao, mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ít, thậm chí còn lỗ bởi chi phí cao. Từ cuối năm 2019, anh quyết định tái cấu trúc và xây dựng công ty theo hướng bền vững hơn, dù doanh thu không được cao như trước nhưng đã bắt đầu có lợi nhuận. Anh hi vọng, thương hiệu giày Banuli sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và đón nhận, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Sau hơn 5 năm khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh chàng CEO 9x mong muốn gửi gắm đến những bạn muốn tự mình khởi nghiệp rằng: Nguồn vốn lớn nhất để khởi nghiệp là bản thân, chứ không phải là tiền. Một khi đã đam mê đủ lớn thì dù có gặp phải khó khăn hay thách thức cũng không được lùi bước, bởi muốn chạm đến thành công ắt hẳn sẽ phải trải qua thất bại.
Nguyễn Văn Hoang cũng cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới của Banuli chính là phát triển thị trường nước ngoài thông qua việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, mục tiêu gây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ ở nước ngoài, đồng thời gia công cho các thương hiệu xuất khẩu…