Doanh nghiệp xây dựng “chìm” trong khó khăn, loay hoay tìm “lối thoát”
Bất chấp “cuộc chiến vương quyền” diễn ra ở thượng tầng, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là ông lớn có vị thế vững vàng nhất trong cuộc đua “big 4” (gồm Hòa Bình, Newtecons, Coteccons, Ricons) dẫn đầu trong lĩnh vực thầu xây dựng vào năm 2023.
Những khó khăn, thách thức vẫn đang chờ đợi
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho hay, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang bị hạn chế, co hẹp, doanh nghiệp này sẽ chú trọng, ưu tiên đến việc mở hướng đi ra nước ngoài, mặc dù đây là hướng đi nhiều ẩn chứa nhiều thách thức và đòi hỏi doanh nghiệp chạy đua dài hơi.
Ở trong nước, Tập đoàn Hòa Bình dự kiến sẽ nỗ lực tập trung nguồn lực vào những dự án xây dựng công nghiệp, điển hình như khu công nghiệp Want Want (của Đài Loan), dự án xây dựng của BWID, thi công nhà máy thép Hòa Phát ở Dung Quất. Cùng với đó là doanh nghiệp này cũng chú trọng đến mảng thi công xây dựng hạ tầng và đặc biệt là thi công xây dựng hạng mục nhà ở xã hội với mục tiêu trong năm 2023 sẽ hoàn thiện 10.000 căn.
Đu đã chuẩn bị khá nhiều kế hoạch để ứng phó với sự biến động của thị trường, song ông Lê Viết Hải thừa nhận rằng ngành xây dựng Việt Nam đang yếu hơn trước, dẫn đến áp lực cạnh tranh và phát triển ngày càng tăng.
“Chuyện đổ vỡ như hiện nay cũng đến từ nhiều yếu tố khách quan khác nhau. Đơn cử, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dù nhà đầu tư thi công xây dựng rất nhiều nhưng không thể tiến hành khai thác sử dụng được. Thời gian tới, nếu thị trường vẫn tiếp tục nối dài những khó khăn, một số đơn vị nhà thầu có thể rơi vào nguy cơ phá sản”, Chủ tịch Hòa Bình chia sẻ.
"Đối thủ" lớn nhất của Tập đoàn Hòa Bình hiện nay là công ty Coteccons (CTD) cũng có cùng ý kiến nhận định về những điều thách thức, khó khăn thực tại. Dù đã hết sức chú ý, thận trọng trong việc đề ra những kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, nhưng công ty này vẫn không thể lường trước nổi sự biến động mạnh mẽ về giá cả nguyên vật liệu, những vấn đề bất ổn địa chính trị thế giới, và việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Kết quả trong năm 2022, doanh thu của đơn vị này là khoảng 14.500 tỷ đồng, chỉ đạt được khoảng 97% so với kế hoạch năm đã đề ra. Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại trực tiếp với cổ đông trong tháng 1, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, hoàn toàn tin tưởng rằng “từ thời điểm năm 2023 trở đi, kết quả công việc kinh doanh của CTD sẽ chỉ có tốt hơn”.
Để niềm tin đó có thể trở thành hiện thực, ông Bolat chia sẻ, Coteccons đã rất nỗ lực, cố gắng để có thể đảm bảo rằng có thể đấu thầu thành công được các dự án lớn, những dự án FDI, những dự án xây dựng công. Để hạn chế tối đa tình trạng khách hàng chậm thanh toán, chiếm dụng vốn của nhà thầu, công ty này cũng dự kiến sẽ chỉ tập trung vào những nhóm khách hàng uy tín, ít nguy cơ.
Cụ thể, nhóm thứ nhất mà đơn vị này tập trung sẽ là những chủ đầu tư lớn đã từng có thời gian hợp tác với CTD. Nhóm thứ 2 là những dự án FDI. Nhóm thứ 3 chính là các đơn vị chủ đầu tư lớn, có thương hiệu lớn mạnh trên thị trường như: Vingroup, BIM Group, Sun Group, Ecopark, Doji Land…
Hiện tại, Coteccons đang nắm trong tay 65 dự án xây dựng đang được triển khai trên toàn quốc, trong đó có thể kể đến một số những dự án nổi bật như là nhà máy sản xuất đồ chơi LEGO, tòa tháp đôi Diamond Crow tại thành phố Hải Phòng, nhà máy của công ty VinFast, Ecopark…
Các nhà thầu xây dựng có tìm ra “lối thoát”?
Nếu trong thời điểm trước đây, top đầu của ngành xây dựng là cuộc đua “song mã” giữa Tập đoàn Hòa Bình và Coteccons, thì hiện nay đã được đẩy lên trở thành cuộc chiến “tứ mã” với sự hiện diện của 2 đại diện là công ty Newtecons và Ricons.
Cả Newtecons và Ricons trong thời gian vừa qua đều công bố cán ngưỡng doanh thu ấn tượng 10.000 tỷ đồng trong năm 2022. Điểm đáng chú ý cần nhắc đến là “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Bá Dương” gồm có Newtecons trong năm 2022 công bố mức doanh thu đạt ngưỡng khoảng 20.000 tỷ đồng, nghĩa là lớn hơn cả CTD, HBC.
Có thể thấy rằng, sức ép về cạnh tranh trong ngành thầu xây dựng hiện nay ngày càng lớn hơn đối với cả các doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ. Theo Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong năm 2023 này, hầu hết các đơn vị doanh nghiệp xây dựng nhiều khả năng đều sẽ không thể đạt được kế hoạch đã đặt ra ban đầu.
Nguyên nhân bên cạnh sự khó khăn về chi phí nguyên vật liệu tăng cao phi mã, không có điểm dừng thì tình trạng ách tắc, vướng vấn đề pháp lý cũng sẽ khiến cho số dự án được triển khai mới sẽ còn rất chậm. Cùng với đó, việc cạn kiệt room tín dụng cũng sẽ khiến cho chủ đầu tư, các nhà thầu gặp phải nhiều khó khăn khi thực hiện việc huy động vốn.
Điểm sáng hiếm hoi của ngành thi công xây dựng trong thời gian vừa qua đó là nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục đều đặn đổ vào Việt Nam giúp cho triển vọng bứt phá trong năm 2023 trở nên có tính khả quan hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, vốn FDI chỉ là lối thoát dành cho các đơn vị doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn này.
Hy vọng lớn nhất của các nhà thầu xây dựng trong năm nay là sự hồi phục của thị trường bất động sản, cùng với đó là sự tăng tốc trong việc giải ngân các khoản đầu tư công. Một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành khi được triển khai sẽ giúp cho các đơn vị nhà thầu xây dựng, đặc biệt là những nhà thầu có dày dặn kinh nghiệm tham gia thi công dự án, đẩy nhanh về doanh thu và lợi nhuận.
Dòng vốn FDI, dự án cơ sở hạ tầng có thể được coi như là “đòn bẩy” của ngành thầu xây dựng, tuy nhiên, để có thể tháo gỡ triệt để khó khăn, theo ý kiến của các chuyên gia, cần phải có giải pháp hợp lý để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc về pháp lý, giảm thiểu các loại “phí không tên” vốn làm khó cho các nhà thầu.
Các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ trong lĩnh vực xây dựng cần phải có chiến lược vượt qua thách thức thật tốt để vừa duy trì được đà tăng trưởng vừa đồng thời có thể giữ vững được vị thế của mình trong tương lai sắp tới.