Doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước bù chi phí xăng dầu
Tăng giá để bù chi phí nhiên liệu
Tại các bến xe ở TP. Hồ Chí Minh những ngày qua đã chứng kiến hàng chục doanh nghiệp vận tải hành khách đồng loạt thay đổi bảng giá vé. Được biết, vì giá xăng dầu liên tục tăng cao nên giá vé xe khách cũng phải tăng theo để bù lỗ.
Đại diện nhà xe Thành Công chạy tuyến TPHCM - Bình Phước chia sẻ, nhà xe này đã tăng 8% mức giá vé để có chi phí mua nhiên liệu. Người này cũng cho biết, trong bối cảnh hành khách hạn chế di chuyển do dịch bệnh Covid - 19 mà giá xăng dầu lại tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". "Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy trên mỗi chuyến xe xuất bến của chúng tôi chưa tới 50% khách. Nếu vẫn giữ mức giá vé cũ trong khi giá nhiên liệu liên tục tăng thì chúng tôi lỗ nặng" - vị này nói.
Theo thông tin từ ông Đỗ Phú Đạt - Phó giám đốc bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM), tính đến nay đã có khoảng 20 nhà xe đề xuất tăng giá vé, tỷ lệ tăng trung bình ở mức 26%. Ông Đạt cho biết, đối với hoạt động vận tải hành khách thì giá nhiên liệu đã chiếm tới 20 - 30% cơ cấu giá vé. Trong hai tháng đầu năm 2022, lượng khách sụt giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xăng dầu liên tục điều chỉnh giá bán tăng khoảng 6%. Điều này đã khiến các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá vé trước những khó khăn này.
Cũng trong tình cảnh trên, nhiều doanh nghiệp vận tải tại bến xe miền Tây (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đã gửi kê khai điều chỉnh tăng giá vé lên cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc bến xe Miền Tây cho biết, khi nhận được các kê khai điều chỉnh giá vé của doanh nghiệp, đơn vị sẽ gửi đến Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các tỉnh thành. Sau khi được chấp thuận thì các doanh nghiệp mới được áp dụng giá vé điều chỉnh và niêm yết ở các khu vực bán vé.
Bên cạnh lĩnh vực vận tải hàng khách, lĩnh vực vận tải logistics nội địa cũng ghi nhận nhiều sự thay đổi về giá để bù vào chi phí xăng dầu. Theo nhận xét của ông Nguyễn Tấn Linh - Giám đốc Công ty Yang Kee Vietnam Logistics, khi xăng dầu tăng giá liên tục thì cước vận tải đường biển nội địa cũng tăng theo từ 8 - 10% tùy chặng. Ông Linh nhận định đây là việc tất yếu vì các doanh nghiệp đang "gánh" giá nhiên liệu quá cao. "Tuy nhiên khách hàng của chúng tôi phản ánh lại rất nhiều, vì giá cước cũ đã khá cao nên doanh nghiệp cũng chỉ tăng ở mức vừa phải chứ chưa bắt kịp đà tăng của giá xăng dầu". Ông Linh chia sẻ.
Thời gian gần đây cước vận tải hàng hóa quốc tế bằng đường biển không có nhiều biến đổi, thậm chí còn giảm so với tháng 1/2022, tuy nhiên nhìn chung mức giá vãn còn cao. Ông Linh nhận định, vì giai đoạn trước Tết Nguyên đán và trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp thì các doanh nghiệp vận tải hàng hóa quốc tế đã tăng mạnh giá cước thu về lợi nhuận khủng. Bởi vậy, thời gian này họ hạn chế tăng giá và còn giảm cước tại một số cung đường nhằm “giữ chân” khách hàng.
Nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh giá
Có nhiều doanh nghiệp vận tải đã “mạnh tay” điều chỉnh giá cước tăng theo giá xăng dầu. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh vẫn đang rất khó khăn để tìm ra biện pháp tốt nhất để vừa bù được chi phí nhiên liệu, vừa không để mất khách.
Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp taxi đang rất áp lực khi hoạt động trong bối cảnh giá xăng tăng cao như hiện nay. Nếu Chính Phủ không có phương án điều chỉnh, hỗ trợ giảm giá nhiên liệu thì thời gian tới các doanh nghiệp taxi cũng phải tăng giá cước. Khi đó, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất vẫn là khách hàng.
Chị Bùi Thị Huy Viễn - Chủ nhà xe Tư Viễn chạy tuyến TPHCM - Quảng Ninh chia sẻ: “Trong hai tháng vừa qua, tôi đứng ngồi không yên khi giá xăng tăng lên từng ngày mà lượng khách hàng vẫn sụt giảm vì dịch bệnh. Chỉ Trong thời gian ngắn, tôi phải bán hai chiếc xe khách để bù vào lỗ và trả nợ ngân hàng. Vì ít khách nên tần suất các chuyến xe xuất bến cũng phải cắt giảm”.
Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải đang phải cạnh tranh rất khốc liệt vì giá vé xe khách, cước phí vận chuyển đang ở mức cao. Trong khi đó, lượng người người di chuyển bằng ô tô khách ngày càng giảm nên việc tiếp tục tăng giá vé sẽ khiến nhiều đơn vị mất khách. Do đó, doanh nghiệp trong thời gian qua cũng chỉ hoạt động cầm chừng và bỏ tiền túi ra bù lỗ. “Tăng giá vé thì mất khách, không tăng thì lỗ vốn. Bây giờ giá xăng phải giảm xuống thì các doanh nghiệp mới tồn tại được. Chứ để tăng cao thế này thì sớm muộn cũng phá sản hết” - chị Viễn lo lắng.
Một trường hợp khác tại Công ty CP vận tải Quang Châu (TP. Hồ Chí Minh), Ông Lê Thành Thảo - Trưởng phòng Tổ chức - Pháp chế của công ty cho biết, hiện đơn vị đang phải để hơn 200 phương tiện vận tải và container cùng hơn 180 tài xế nằm neo bãi. Các hoạt động vận tải đang được duy trì cầm chừng chỉ để thực hiện các hợp đồng đã ký kết trước đó. Ông Thảo cho hay: “Xe càng chạy nhiều thì doanh nghiệp càng lỗ”.
Có thể thấy, giá xăng tăng nhưng phải cân nhắc kỹ lộ trình điều chỉnh cước phí vận tải, nhất là trong bối cảnh lượng hàng hóa vận chuyển bị hạn chế. Việc điều chỉnh giá cước để bù lỗ là tất yếu, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để cho phù hợp và duy trì được sự cạnh tranh mới là việc khó nhằn. Ông Thảo chia sẻ: “Thời gian tới, nếu giá xăng không giảm thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng giá cước để giảm lỗ. Tuy nhiên, chỉ tăng giá trên hợp đồng ký mới, còn các hợp đồng đã ký trước đây thì phải đàm phán giá cả với đối tác”.