Đẩy mạnh “tiền phòng-hậu kiểm” với thuế chuyển nhượng bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Thấy gì từ việc tăng thu 3.200 tỷ đồng từ thuế chuyển nhượng bất động sản?Siết "vòng kim cô" chống thất thu Thuế chuyển nhượng bất động sảnCần siết thuế chuyển nhượng bất động sảnTheo Báo điện tử Chính phủ, nội dung Công điện khẳng định, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có các văn bản chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận 1 cửa liên thông theo nguyên tắc "tiền phòng, hậu kiểm" và đã mang lại hiệu quả tích cực, tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng BĐS.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh ở một số địa phương vẫn còn có hiện tượng cơ quan thuế trả lại hồ sơ kê khai thuế do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế quán triệt và chỉ đạo khẩn trương tổ chức thực hiện, đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính "tiền phòng, hậu kiểm".
Theo đó, Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và chỉ đạo tại công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 nêu trên của Bộ Tài chính để bảo đảm thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế.
Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan thuế đang triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý về lĩnh vực này.
Trong thời gian tới Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích trong việc thực hiện nộp thuế chuyển nhượng BĐS; những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Về lâu dài, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền trong thời gian tới thực hiện một số giải pháp như: Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ; cấp thẩm quyền cần bổ sung quy định giao dịch chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng để minh bạch trong kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ công tác quản lý giao dịch tài sản, BĐS của các chủ thể trong xã hội.