Đất ở TP Hồ Chí Minh được bồi thường gấp 25 lần giá Nhà nước
BÀI LIÊN QUAN
Xây nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh còn khó hơn nhà ở thương mại Nghiên cứu phát triển 5 huyện của TP Hồ Chí Minh thành đô thị vệ tinh Vì sao chỉ 4/7 dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh được tháo gỡ trong tháng 3?Theo Zingnews, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn năm 2023, có hiệu lực từ ngày 18/3. Hệ số K được tính theo từng loại đất, chia thành 2 nhóm nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Hệ số điều chỉnh giá đất ở nhóm phi nông nghiệp trong năm 2023 gấp 3 -25 lần so với mức giá Nhà nước tùy thuộc quận, huyện. Huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức là khu vực có hệ số cao nhất, tối đa là 25 lần, tăng hơn 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần). Cụ thể tại Hóc Môn hệ số điều chỉnh giá đất 10 - 25 lần; tại TP Thủ Đức hệ số điều chỉnh giá đất 6 - 25 lần so với giá Nhà nước.
Tiếp theo là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.
Với hệ số điều chỉnh như trên, khu vực đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi giá Nhà nước 162 triệu đồng/m2 thì có mức giá thương lượng bồi thường vào khoảng 648 - 810 triệu đồng/m2, đây là mức giá bồi thường cao nhất tại TP Hồ Chí Minh.
Còn tại khu vực quận 1, đất mặt tiền đường Công Trường Lam Sơn mức giá nhà nước (giai đoạn 2020 - 2024) là 115,9 triệu đồng/m2 thì có mức giá thương lượng bồi thường là 463,6 - 579,5 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường Trần Não, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến Lương Định Của (TP Thủ Đức) mức giá nhà nước 22 triệu đồng/m2, với hệ số 6 -25 thì sẽ có giá bồi thường ở mức 132-550 triệu đồng/m2.
Đất mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1) có hệ số 4-5, giá nhà nước (giai đoạn 2020-2024) là 66 triệu đồng/m2, thì giá thương lượng bồi thường 264-330 triệu đồng/m2. Tại mặt đường Nguyễn Thị Tiệp (huyện Củ Chi) có hệ số điều chỉnh giá đất 12 - 20, giá Nhà nước là 2,1 triệu đồng/m2 thì có mức giá bồi thường khoảng 25,2 - 42 triệu đồng/m2.
Đối với đất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất tại TP Hồ Chí Minh cao 5 - 38 lần giá Nhà nước, năm 2022 hệ số cao tối đa chỉ 35. Huyện Bình Chánh có hệ số cao nhất, hệ số 15 - 38 lần giá Nhà nước.
Trong quá trình áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất mới, UBND TP yêu cầu các địa phương rà soát các dự án đã được phê duyệt trong thời gian không quá một năm để cân đối với hệ số điều chỉnh đối với đất ở và đất nông nghiệp, để đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường.
Thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, giúp chủ đầu tư xác định dự toán kinh phí bồi thường và giúp người dân nắm rõ khung giá khi đất được bồi thường.
TP Hồ Chí Minh phân 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Khu vực một là quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình. Khu vực hai là TP Thủ Đức, quận 6, 7, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh. Khu vực ba là quận 8, 12, Bình Tân. Khu vực bốn gồm huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn. Khu vực năm chỉ có huyện Cần Giờ.
Về điều chỉnh hệ số K không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức mà chỉ ảnh hưởng tới hộ gia đình, cá nhân có phần diện tích đất vượt hạn mức theo quy định.
Hằng năm, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa ra hệ số điều chỉnh giá đất với mục đích xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm trước thì hệ số năm 2023 cao hơn và ban hành sớm hơn 5 tháng.
Trong nhiều năm qua, công tác thẩm định giá bồi thường luôn là vấn đề khó tại nhiều quận, huyện của TP Hồ Chí Minh. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này không đạt mục tiêu đề ra, trong năm 2022 thì đặc biệt thấp. Các dự án trọng điểm của thành phố đình trệ do vướng mặt bằng.
Trong khi đó, thành phố đã lên kế hoạch đầu tư mới nhiều dự án trọng điểm trong thời gian tới gồm Vành đai 3, 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài… vì vậy cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng, đúng tiến độ để có đất sạch thực hiện dự án.