Đánh thuế chung cư trên 50 triệu/m2: Ước mơ sở hữu nhà có thêm xa vời?
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất đánh thuế cao BĐS trên 50 triệu đồng/m2: Phải có lộ trìnhĐề xuất đánh thuế với căn hộ chung cư cao cấp: Giá tiếp tục tăng và khó thanh khoảnĐánh thuế với bất động sản lướt sóng có khả thi?Xây dựng Luật Thuế Bất động sản, đánh thuế chung cư trên 50 triệu/m2
Bộ Tư pháp vừa nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế bất động sản thay Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó, Bộ này đề xuất thuế suất thuế bất động sản theo hướng tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, về việc đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần, Bộ Tư pháp cho rằng điều này giúp điều tiết cao đối với nhà, đất có giá trị lớn và điều tiết thấp với nhà, đất có giá trị không lớn. Qua đó, góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
Đặc biệt, đối với nhà chung cư, thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2). Điều này nhằm góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Ngoài ra, giá tính thuế cho chung cư được tính gồm giá trị đất và nhà và mức thuế suất đối với chung cư được áp dụng từ giá trị đầu tiên, thuế suất thấp hơn đối với đất; ngưỡng chịu thuế điều tiết thấp với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, chung cư thuộc phân khúc bình dân; không ảnh hưởng tới cung cầu thị trường, đồng thời hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân.
Bình luận về đề xuất này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng hiện có 174 trong số 193 nước, vùng lãnh thổ thu thuế tài sản hàng năm với nhiều tên gọi khác nhau.
Theo ông Hùng, nhiều quốc gia dùng thuế tài sản như một công cụ hữu hiệu để quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra sắc thuế này cũng giúp Nhà nước có thêm nguồn lực để đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản, đảm bảo công bằng xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít quốc gia xác định ngưỡng chịu thuế theo diện tích như Việt Nam hiện nay. Đối với việc áp dụng ngưỡng chịu thuế theo diện tích, ông Hùng cho rằng cách làm này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp và đặc biệt ổn định, không thay đổi theo thời giá.
“Tuy phương pháp này có khả năng điều tiết cao đối với người sử dụng bất động sản có giá trị không lớn hay các bất động sản tại nông thôn giá trị thấp nhưng có diện tích vượt ngưỡng chịu thuế. Đối với các bất động sản có giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng chịu thuế sẽ thường ít có hiệu quả không điều tiết hoặc điều tiết thấp”, ông Hùng nêu.
Do đó, luật sư Hùng cho rằng hiện nay, các nhà làm luật đang dự thảo đề xuất đánh thuế với nhà ở, căn hộ có giá trên 50 triệu/m2. Đây được xem là phân khúc bất động sản cao cấp so với các bất động sản trung cấp (chung cư giá trên 30 triệu đồng/m2) và bình dân (chung cư dưới 30 triệu đồng/m2). Mục đích là để góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng hiện nay thu nhập người dân vẫn còn mức thấp nhưng giá nhà đất lại cao, thậm chí nhiều nơi bị bơm thổi, đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Việc thu thuế ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của người dân nên đề xuất này có lẽ sẽ vấp phải những phản đối không nhỏ.
“Hơn hết, việc đánh thuế đối với nhà ở, căn hộ có giá trên 50 triệu/m2 trở lên “nhắm” trực tiếp tới bộ phận những người thu nhập thấp. Vì thực tế, ở các đô thị lớn, nhà ở xã hội phải có giá khá cao. Ngoài ra, việc đánh thuế cũng có thể sẽ khiến giá bất động sản thêm cao và “ước mơ” sở hữu nhà của nhiều người trở nên xa vời hơn. Hơn nữa, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế” khi người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất vừa phải nộp thuế bất động sản”, ông Hùng chia sẻ.
Cân nhắc đảm bảo tính khả thi và lợi ích các bên
Luật sư Hùng cho rằng đây là những vấn đề mà các nhà dự thảo cần xem xét vì lĩnh vực thuế là lĩnh vực nhạy cảm nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo khả năng thi hành và đảm bảo lợi ích các bên.
Do đó, để dự thảo trên được thông qua là một chặng đường dài khi vừa có khả năng áp dụng trên thực tế vừa cần phải tập trung khắc phục những bất cập trong trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn vừa tìm được tiếng nói đồng tình của xã hội.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng Nghị quyết 18-NQ/TW vừa ban hành đã có những đổi mới về công cụ thuế bất động sản, ví dụ như xây dựng chính sách về thuế sử dụng đất phù hợp thông lệ quốc tế và hoàn cảnh Việt Nam; đánh thuế cao vào người có nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, bỏ đất hoang...
“Có thể thấy, chính sách thuế bất động sản đã rõ ràng hơn, thể hiện qua việc thuế cao với nhóm này, nhưng thấp đối với nhóm khác. Việc ban hành Luật thuế bất động sản là nhiệm vụ quan trọng, vấn đề là cần thống nhất ý chí trong bộ máy để thực hiện, tránh tình trạng “phớt lờ” chính sách thuế bất động sản đã đặt ra trong Nghị quyết 19-NQ/TW của năm 2012", ông Võ nói.
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay các nước phát triển đã áp dụng thuế bất động sản từ rất lâu. Điều này khiến một người muốn mua bất động sản thì phải cân nhắc. Nếu họ không khai thác đất thì phải lường khả năng trước khi mua, còn nếu mua để khai thác thì phải tính toán chi phí thuế phải trả hàng năm.
“Theo tôi, nước ta cần cập nhật nhanh chóng các quy định về thuế bất động sản để làm giảm những cơn sốt đất, đưa bất động sản về đúng giá trị thật của nó và từ đó ổn định được thị trường và góp phần phát triển kinh tế nước nhà”, ông Hòa nói.