Cổ phiếu nông nghiệp đồng loạt “nổi sóng”, có mã tăng bốc 60% sau vài tháng: Nguyên nhân do đâu?
BÀI LIÊN QUAN
Một doanh nghiệp ngành nước dự kiến chào bán 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữuVN-Index có thể đạt 1.280 điểm vào cuối năm, nhà đầu tư chờ nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếuCổ phiếu PVD trở lại mức đỉnh trong 14 tháng nhờ đại dự án Lô B Ô MônTheo Nhịp sống thị trường, mức giá lương thực toàn cầu trong những tháng đầu năm 2023 luôn duy trì ở mức cao. Không ngoài xu hướng, giá các mặt hàng nông sản như gạo, sắn hay thịt lợn tại Việt Nam liên tục tăng và neo ở vùng đỉnh. Giá gạo xuất khẩu ghi nhận tăng lên mức đỉnh hơn 2 năm đạt 498 USD/tấn, giá lợn hơi tăng mạnh trở lại kể từ đầu quý 2, trong khi giá sắn có thể cũng tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhu cầu về sắn tại Trung Quốc cao.
Trên thị trường chứng khoán, hưởng ứng theo đà tăng của giá hàng hóa, nhóm cổ phiếu lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận diễn biến tương đối khả quan trong vài tháng trở lại đây. Ở nhóm gạo, PAN tăng 21% từ hồi cuối tháng 3. Nhóm đường có cổ phiếu QSN tăng một mạch 32% từ cuối tháng 3, hay STB của Thành Thành Công - Biên Hòa tăng hơn 19%, còn SLS tăng 19%.
Đối với nhóm sắn, mã CAP của Nông sản Yên Bái ghi nhận mức tăng 21% kể từ đầu tháng 3 lên 67.500 đồng/cổ phiếu, APF tăng hơn 8% lên 63.500 đồng/cổ phiếu. Nhóm doanh nghiệp nuôi lợn có HAG tăng 10% từ cuối tháng 3, thậm chí mã DBC tăng đến 59% chỉ sau 3 tháng.
Nguyên nhân nào khiến giá lương thực neo cao?
Có thể thấy, giá lương thực leo thang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ lo ngại về điều kiện thời tiết phức tạp El Nino trong năm 2023. Hiện tượng thời tiết cực đoan này được cho là có nhiều khả năng gây ra hạn hán nghiêm trọng, đe dọa đến nguồn cung lương thực trên toàn cầu. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu đẩy giá hàng hóa lên cao.
Đối với Việt Nam, các thương nhân cho biết giá lúa trong nước tăng do nguồn cung khan hiếm cũng hư lo ngại về hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Agriseco Research cho rằng, mặc dù giá đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng giá hàng hóa vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch Covid-19.
Công ty chứng khoán này dự phóng giá đường có thể tiếp tục xu hướng tăng cũng như duy trì ở mức cao do nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt. Đồng thời, chính sách áp thuế với đường Thái Lan tiếp tục hỗ trợ ngành đường của Việt Nam.
Đối với giá thịt heo, Agriseco Research nhận định có thể tiếp tục xu hướng phục hồi lên vùng 60.000 - 70.000 đồng/kg, bởi nguồn cung sụt giảm mạnh khi nhiều hộ chăn nuôi cá thể đã treo chuồng sau thời gian dài thua lỗ. Bên cạnh đó, ngành du lịch, dịch vụ hồi phục cũng là một động lực giúp nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng lên, từ đó hỗ trợ đà tăng của giá heo. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường.
Còn theo đánh giá của Chứng khoán KIS, nhiều yếu tố tiêu cực đã đổi chiều. Cụ thể, các nước như Trung Quốc, Indonesia, Philippines tăng cường nhập khẩu gạo để bù đắp cho kho lương thực dự trữ quốc gia. Do đó, dự đoán kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ tăng nhẹ trong quý 2/2023 này.
Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hứa hẹn sự hồi phục xuất khẩu rau quả như sầu riêng hay khoai lang. Tương tự, các nhà xuất khẩu hạt điều và chè cũng đang mong chờ doanh số bán hàng phục hồi ở thị trường Trung Quốc và Hong Kong sau khi chính sách Zero Covid của Trung Quốc được nới lỏng hoàn toàn.
Việc cắt giảm quy mô của các nhà sản xuất cà phê Arabica lớn nhất tại Brazil và Colombia do thời tiết khắc nghiệt sẽ giúp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta thô. Bất chấp các yêu cầu cao về chất lượng từ thị trường Trung Quốc, nước ta có thể gián tiếp tăng xuất khẩu hạt cà phê thô sang thị trường này thông qua các doanh nghiệp chế biến cà phê toàn cầu như Hoa Kỳ và EU.
Ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của cả ngành nông nghiệp
Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng thời tiết nóng và khô do El Nino gây ra trong thời gian dài sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất lương thực. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đưa ra cảnh báo rằng thế giới có thể tiếp tục phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng đói và dinh dưỡng lớn nhất trong lịch sử hiện đại” do xung đột, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế gây ra.
Hiện tượng El Nino cũng làm thay đổi nhiệt độ trên các đại dương, từ đó kéo theo việc các mô hình lượng mưa sẽ bị “đảo lộn”. Lượng mưa bị thiếu hụt đồng nghĩa với việc gieo trồng sẽ trở nên khó khăn hơn. Theo đó, năng suất cây trồng cũng thấp hơn. Do đó, hiện tượng El Nino sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của cả ngành nông nghiệp.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, KBSV cho rằng, lực cầu bắt đáy một lần nữa gia tăng quanh ngưỡng 1.105 - 1.110 đã giúp chỉ số sớm hồi phục sau một nhịp rung lắc giằng co. Nhiều khả năng, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục quán tính tăng điểm trong các phiên tiếp theo và thử thách lại vùng đỉnh cũ quanh 1.125 - 1.130 điểm. Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục áp dụng chiến lược trading quay vòng, nắm giữ một phần vị thế đồng thời kết hợp mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự theo từng mã riêng lẻ với phần vị thế còn lại.
Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường có thể tiếp tục tăng trong phiên kế tiếp, nhưng VN-Index điều chỉnh trở lại sau khi tiến về mức kháng cự 1.125 điểm. Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên các nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi trong nhịp tăng, ưu tiên tích lũy tại các nhịp điều chỉnh và đặc biệt nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực là dòng tiền đã tăng trở lại và có xu hướng tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, Yuanta đánh giá nhóm cổ phiếu này đang có đà tăng mạnh nhất. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cũng cho thấy các nhà đầu tư đã giảm thận trọng hơn.