"Nỗi đau" nghề môi giới: Những trăn trở của người trong nghề
“Nhật ký… ngày… tháng… năm…
Tan tầm khi đồng hồ đã điểm lúc 10h tối, tôi uể oải dắt xe rời khỏi công ty sau một ngày chỉ ngồi trực chờ chăm chăm vào cái điện thoại, gọi điện cho từng khách hàng một mà chả ai đoái hoài.
Hôm nay đã là tháng thứ 4, tôi chưa chốt thêm được một hợp đồng nào!”
Đây là đoạn nhật ký của chính tôi viết cách đây đã hơn 8 năm rồi. Ngày đó, tôi vẫn là một cậu sinh viên mới ra trường, chân ướt chân ráo bước vào thị trường bất động sản với nhiều bỡ ngỡ.
“Cơ duyên” làm nghề và gắn bó với môi giới bất động sản
Quãng gần chục năm về trước, khi tôi còn là cậu sinh viên năm cuối học khoa Công trình, trường Đại học Thủy Lợi đang đi làm thêm part-time tại một quán cafe trên phố cổ Hà Nội. Khi ấy, anh chủ quán thấy tôi có ngoại hình sáng rạng mà lại nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát liền bảo tôi rất phù hợp với nghề môi giới bất động sản và hãy "thử" nghề xem sao.
Thật ra, lúc ấy tôi thường nhầm lẫn “môi giới bất động sản” chính là “cò đất”, là cái nghề mà bất kì ai cũng có thể làm được mà không cần kiến thức hay bằng cấp gì cả nhưng lại hái ra rất nhiều tiền, đem lại nguồn thu nhập cao. Vậy là, theo chân anh chủ, tôi được dẫn đi theo các cuộc giao dịch, xem cách mọi người tìm nguồn khách hàng, cách tìm nguồn hàng cũng như những cách chốt giao dịch.
Sau này, anh chủ của tôi mở thêm công ty bất động sản, ra trường tôi quyết làm trái ngành sang hẳn nghề môi giới bất động sản. Những ngày chập chững vào nghề, trái lại với mọi người thường khó khăn trong việc bán hàng thì tôi lại may mắn khi đã chốt giao dịch thành công ngay trong tháng đầu tiên đi làm, khiến tôi cảm thấy vui và có động lực gắn bó với công việc này. Vậy là “cái duyên” đưa tôi đến với công việc môi giới bất động sản một cách khá tình cờ và có cả sự may mắn.
Liệu thành công với nghề môi giới chỉ dựa vào may mắn là đủ?
Người ta thường nói “nghề môi giới nhàn hạ lắm, chỉ cần có tài ăn nói cộng thêm chút may mắn là có tiền”. Thế nhưng không phải lúc nào may mắn cũng mỉm cười với tôi. Sau lần đầu chốt giao dịch thành công ấy, tôi nghĩ đến việc mỗi tháng chỉ cần chốt từ 1 - 2 hợp đồng thôi là có dư tiền tiêu xài, khi mà hoa hồng mỗi hợp đồng đều cao ngất. Nhưng không, tôi đã bị thị trường tặng ngay cho một gáo nước lạnh, bừng tỉnh giấc mơ viển vông về một công việc nhàn rỗi mà thu nhập cao ngất.
Liên tiếp nhiều tháng liền, tôi không chốt thêm được một hợp đồng nào, khó khăn từ việc tìm kiếm nguồn khách hàng quan tâm thực sự cho đến việc khan hiếm hàng bán, rồi cả việc tìm hiểu pháp lý của từng khu đất hay căn nhà liệu có dính quy hoạch không khiến tôi loay hoay, không biết xoay sở ra sao.
Mỗi sáng đến công ty, việc đầu tiên là cầm điện thoại và gọi điện chốt sale cho khách hàng, cứ 100 cuộc điện thoại thì chỉ có khoảng 7 - 10 cuộc là người ta chịu lắng nghe ôn hòa, còn lại thì hầu hết đều phũ phàng lắm. Chỉ cần nghe đến ba tiếng "bất động sản" thôi là người ta cụp máy ngay lập tức, để lại tôi một đứa mới vào nghề chỉ biết bế tắc với tiếng tút... tút... kéo dài vang lên trong điện thoại. Thực tế là do nguồn data của công ty mua không có sự phân loại rõ ràng cho nên chúng tôi khá là cực nhọc trong việc tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu thực sự.
Không chỉ khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mà còn khó khăn trong cả việc han khiếm nguồn cung để bán cho khách khi mà thị trường bất động sản lúc nóng, lúc lạnh. Đôi lúc khách hàng nhờ tìm mua nhưng bản thân mình không biết tìm đâu ra nguồn hàng phù hợp với đúng những tiêu chí của khách. Vậy là cứ thế vô tình cả mình và khách đành bỏ lỡ nhau khi không thể kết nối được.
Đấy là chưa nói đến việc mỗi ngày tôi còn phải chăm chỉ lên mạng để tự tìm hiểu xem khu vực này liệu có dính quy hoạch nào không, liệu hồ sơ pháp lý của nó có đảm bảo để khi bán khách hỏi còn biết lối trả lời. Thế nhưng việc tìm kiếm trên mạng về những thông tin đó cũng chỉ giới hạn phần nào. Mọi người thường nói muốn biết khu vực đó có dính quy hoạch hay không chỉ cần đến UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất dự án đó để kiểm tra là được. Tuy nhiên mỗi lần như thế thì phải làm thủ tục xin cho rất phức tạp, thậm chí mất cả tiền mới có thể tra ra được.
Tôi còn nhớ mãi lần đưa khách đi xem đất đến UBND xã Yên Mô, Ninh Bình để kiểm tra quy hoạch. Đến gặp gỡ cán bộ phụ trách địa chính khu vực, xin thông tin quy hoạch đất tại địa bàn nhưng họ nói đây là thông tin nội bộ không được cung cấp ra ngoài. Thực tế là nhiều địa phương không bao giờ nói cho biết, mà mỗi lần có thông tin quy hoạch gì người trong cơ quan đều tự “phím” cho nhau hết rồi, nhiều môi giới phải tự tìm cách tạo các mối quan hệ để lấy thông tin.
Ẩn sau những xấp tiền polyme dày cộp ấy là biết bao lo lắng, vất vả của người làm môi giới bất động sản. Bởi không phải cứ bán xong cho khách hàng là cầm tiền tiêu xài thoải mái, không lo lắng điều gì khi mà còn biết bao trăn trở mà cả khách hàng an cư hay đầu tư đều gửi gắm vào tôi. Đó là những băn khoăn, trăn trở về sản phẩm mình bán có đủ giấy tờ pháp lý, đúng tiến độ hạ tầng hay giá cả thị trường bất động sản khu vực mình bán cho khách đang và sẽ diễn biến như thế nào.
Đấy là chưa kể có lần một khách hàng định cư bên Úc nhờ tôi bán hộ một căn chung cư nhà ở xã hội tại Đà Nẵng gặp muôn vàn khó khăn vì phải làm rất nhiều thủ tục giấy tờ ủy quyền, chuyển nhượng sử dụng khá lằng nhằng và phải gửi qua giữa hai nước cho nên chỉ cần sai xót một chữ hay là không đúng mẫu hợp đồng mới nhất là phải làm lại tất cả từ đầu, tốn kém rất nhiều chi phí. Mà bây giờ lên mạng tìm thật sự cũng không biết đâu là bản chuẩn, bản mới nhất để mà sử dụng.
Để kể ra hết thì có lẽ chẳng bao giờ là đủ. Cũng gần 10 năm tôi lăn lộn với nghề và đã nếm trải biết bao tủi hờn, khó khăn, vượt qua những áp lực của công việc để giờ đây tôi có thể tự tin làm nghề hơn rất nhiều so với trước. Thế nhưng, tôi vẫn luôn kỳ vọng ngành bất động sản số sẽ nhanh chóng nhập cuộc vào thời đại công nghệ số, giúp tôi có thể giải quyết những khó khăn, bất cập của những người làm môi giới luôn gặp phải như trên, để tôi và những người đồng nghiệp có thể giải quyết công việc trơn tru hơn.
Sự kỳ vọng vào công nghệ bất động sản
Minh chứng là khi dịch bệnh xảy ra, công nghệ số đã chứng minh những ưu điểm trong việc quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng, kết nối thông tin thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram,…
Tuy nhiên những trang mạng xã hội mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin về các dự án. Khách hàng còn quan tâm đến các quy định, thủ tục, chính sách thuế, chế độ ưu đãi,… do đó để tư vấn được cho khách, những người làm môi giới rất kỳ vọng có các phần mềm giúp tư vấn, ứng dụng chăm sóc hỗ trợ bán hàng bất động sản. Khi đó, công việc của chúng tôi may ra mới đỡ vất vả và hiệu quả hơn.
Trước những khó khăn của việc làm bất động sản truyền thống, bản thân tôi là một môi giới bất động đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tôi hiểu chuyện làm nghề xưa nay hơn bao giờ hết. Bởi vậy, nếu có hệ thống công khai thông tin đất đai, quy hoạch không chỉ giúp tôi dễ dàng đưa thông tin cho khách hàng một cách chính xác mà bản thân các khách hàng cũng có sự tin tưởng, khả năng chốt hàng đạt hiệu quả cao hơn.
Ngày nay, nghề môi giới bất động sản không còn là cái nghề mà ai cũng có thể làm được nữa. Muốn chốt thành công các dự án thì không chỉ cần kỹ năng thuyết phục khách hàng, kiến thức chuyên môn mà còn phải trang bị cho bản thân những công cụ công nghệ hỗ trợ bán hàng hữu ích để trở thành nhà môi giới thời đại 4.0, tạo được sự tin tưởng, mang niềm tin cho khách hàng.