Chuyên gia lo ngại về thị trường vay tài chính tiêu dùng Việt Nam
Hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay" do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, đưa ra số liệu, vào những năm trước mức tăng bình quân đạt khoảng 20%/năm, nhưng hiện tại lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở mức rất thấp khi gặp nhiều thách thức.
Theo báo cáo tại hội thảo, cho vay ra tăng chậm nhưng tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng lại đang tăng cao, hiện đã gần 3,7%, cao hơn nhiều so với mức khoảng 2% của giai đoạn 2018 - 2022. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do kinh tế khó khăn, các công ty tài chính còn chỉ ra thách thức mới tới từ tình trạng người cho vay rủ nhau bùng nợ, khiến các khoản vay không thể thu hồi.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng đánh giá: "Khi có một bộ phận không chịu trả nợ thì gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Thứ nhất là những người khác mất đi cơ hội tiếp cận tín dụng chính thức và nó sẽ đẩy những lúc khó khăn của họ sang tín dụng đen, mà đã dính vào tín dụng đen thì rất nguy hiểm".
Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng phải năng cao ý thức trả nợ của người vay. Vì nếu bùng nợ thì chính người vay cũng gặp rủi ro, sau này khó có thể vay vốn ở những tổ chức tín dụng khác. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên vay và cho vay.
"Nghiệp vụ đòi nợ và quyền đòi nợ trong cho vay tiêu dùng phải được thể chế hóa khi đợt này sửa Luật Các tổ chức tín dụng thì cần có cái quyền của chủ nợ" - Ông Hòe nhận định.
Đồng thời, đối với công ty tài chính, ngân hàng thương mại cần phải thực hiện đúng quy định cho vay và thu hồi nợ nhằm giữ vững niềm tin của người dân đối với các đơn vị cho vay chính thống. Hiện đang có khoảng 2,7 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Những năm nay, tình trạng tín dụng đen núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh công ty tài chính, ngân hàng thương mại… khiến người vay khó phân biệt đâu là đơn vị chính thông, đâu là tín dụng đen, khiến thị trường cho vay tiêu dùng bị méo mó. Liên quan đến vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cũng đã chia sẻ một số nội dung.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV |
Thị trường hiện đang có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng có đến hàng trăm ứng dụng cho vay lãi suất “cắt cổ” kiểu “tín dụng đen”. Ông Cấn Văn Lực cho hay: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, tín dụng đen chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tương đương 700-800 nghìn tỉ đồng. Người dân cần tự tìm hiểu, tra cứu internet để có thông tin chính xác trước khi đi vay. Hãy hỏi trực tiếp công ty tài chính, thậm chí nếu thấy nghi ngờ thì cần hỏi các cơ quan chức năng, ngân hàng…
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển thị trường vay tiêu dùng một cách lành mạnh? Tôi có 3 từ khóa chính cho lĩnh vực này: Tín dụng có trách nhiệm, tài chính bền vững, và giáo dục tài chính. Cụ thể, tín dụng có trách nhiệm là trách nhiệm của cả bên cho vay và bên đi vay. Còn trách nhiệm trả nợ thuộc về bên đi vay".
Về tài chính bền vững, câu hỏi đặt ra là lãi suất thế nào để phát triển bền vững? Dù lãi suất là thỏa thuận giữa công ty tài chính tiêu dùng và khách hàng. Tuy nhiên nếu lãi suất vượt quá khả năng trả nợ của khách thì rủi ro sẽ ở cả 2 bên.
Do đó, cần tính toán lãi suất thật lành mạnh, bền vững, hợp lý. Nhìn vào nợ xấu của những công ty tài chính hiện nay đang khoảng 6 - 8%, gấp gần 3 lần so với hệ thống ngân hàng. Như vậy, mức độ rủi ro của lĩnh vực này có thể cao gấp 2 - 3 lần. Lãi suất bình quân nên cao bình quân từ 2 - 3 lần. Lãi suất ngân hàng khoảng 10% thì cho vay tiêu dùng có lãi suất từ 20 - 30%.
Người dân phải nhận biết được các loại tín dụng trên thị trường |
Về giáo dục tài chính, cần đưa chương trình giáo dục tài chính cá nhân và chương trình học từ cấp 3.
Về việc làm sao để người dân có thể tiếp cận với các kênh tín dụng chính thức và hạn chế sự phát triển của tín dụng đen, vị chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông để người dân phân biệt được các loại tín dụng: tín dụng chính thức, tín dụng không chính thức, tín dụng thông thường và tín dụng tiêu dùng.
Ngoài ra, cần nâng cao chế tài cưỡng chế, đồi hỏi sự vào cuộc của nhiều bên, kể cả liên thông thông tin. Khi khách hàng có lịch sử tín dụng không tốt thì phải ghi lại vào hồ sơ tín dụng khách hàng để các tổ chức khác biết được hành vi đó.
Với các công ty tài chính, fintech phải rà soát lại toàn bộ hệ thống, tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ về chuẩn mực cho vay và đòi nợ. Nâng cao hơn nữa hệ thống công nghệ thông tin và dữ liệu nhằm đảm bảo quá trình phê duyệt cho vay, phân tích đánh giá rủi ro được chuẩn hóa, tiết giảm chi phí. Đẩy nhanh tiến trình xem xét phê duyệt cho vay, nhắc nợ sau này.
Với các bên đi vay, người dân cần nâng cao nhân thức, hiểu biết sâu hơn về tín dụng, nhất là tín dụng đen cùng các kênh tín dụng không lành mạnh.
Các cơ quan quan lý phải vào cuộc để đẩy mạnh giáo dục tài chính, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu biết thêm về tài chính. Như vậy, người dân mới có ý thức đi vay, trả nợ tốt hơn, biết cách quản lý tài chính, sử dụng vốn vay, đồng tiền hiệu quả hơn. Qua đó tăng khả năng trả nợ của bên vay.
Dự báo về dư địa giảm lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới, ông Cấn Văn Lực cho hay: “Thách thức ở đây là mặt bằng lãi suất trong và ngoài nước đều cao. Trong bối cảnh nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng đang tăng lên, việc yêu cầu họ giảm lãi suất nhiều và mạnh là điều khó. Về lâu về dài, để giảm được mặt bằng lãi suất thì cần tăng cung và cầu.
Cung là thị trường tài chính phát triển tốt lên để các công ty tài chính huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hơn để cho vay với lãi suất thấp hơn.
Tôi cho rằng, các công ty tài chính cần cân nhắc mức lãi suất hợp lý hơn, và phù hợp với mức độ rủi ro của khoản và phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Nếu áp trần lãi suất quá cao thì sẽ không bền vững”.