Chuyển đổi số ngành bất động sản: Thách thức thay đổi lối mòn
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp bất động sản “bắt nhịp” chuyển đổi sốNgành bất động sản rục rịch tiếp cận chuyển đổi số hóaChuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản: Là xu hướng tất yếu nhưng cần cả quá trìnhKhó thay đổi “lối mòn”
Trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã dần “bắt nhịp” với việc chuyển đổi số trong mọi hoạt động kinh doanh, quản trị, vận hành. Nhiều nhân viên môi giới trong các doanh nghiệp cũng đã thay đổi hình thức bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến để thích nghi với tình hình giãn cách xã hội ở thời điểm lúc bấy giờ.
Chị Nguyễn Ngọc Lan – Môi giới bất động sản ở TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát, công ty chị có mở một văn phòng bán hàng trực tuyến và thiết kế hẳn một trang web riêng để rao bán bất động sản. Nguyên tắc bắt buộc của những nhân viên trong văn phòng này là không được đi gặp khách hàng và chỉ được “chốt” hợp đồng thông qua trang web đó. Với mỗi giao dịch thành công thông qua hình thức bán hàng này, nhân viên môi giới sẽ được chiết khấu thêm 1,5%.
Tuy nhiên, việc bán hàng trực tuyến này không hiệu quả, chỉ là phương pháp để nhân viên của công ty chị có việc làm cầm trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch. “Sau một thời gian hoạt động, phòng kinh doanh này không có doanh số nên lại phải chuyển sang hình thức bán hàng truyền thống để duy trì”, chị Lan nói.
Ông Trịnh Văn Chung – Giám đốc kinh doanh sàn bất động sản Luxe Home 39 cho biết, việc ứng dụng công nghệ của công ty tập trung ở việc cho nhân viên vào đăng tin, chạy marketing, gây dựng thương hiệu cá nhân. Hoặc có những nhân viên môi giới làm kênh Youtube, Tiktok để bán hàng. Tuy nhiên, nhân viên bán hàng thông qua các trang mạng xã hội là những người làm môi giới lâu năm, đã có lượng khách hàng “ruột” của mình. Còn những nhân viên môi giới mới cũng vẫn phải đi tìm khách hàng và bán hàng trực tiếp.
Vị giám đốc kinh doanh này cho rằng, việc bán hàng trực tuyến ở thị trường bất động sản Việt Nam đang còn rất xa lạ bởi vì khách hàng không quen như vậy, khó có người mua nào dám “xuống tiền” khi chưa được nhìn tận mắt căn nhà hay lô đất mà họ thích.
“Tôi đang quản lý hơn 20 nhân viên môi giới bất động sản và rất ít nhân viên có thể “chốt” được hợp đồng khi chưa gặp khách hàng trực tiếp. Riêng đội kinh doanh của tôi, trong thời gian dịch bệnh, tôi vẫn cho nhân viên làm kênh bán hàng trên mạng xã hội và bán hàng qua ứng dụng khi công ty yêu cầu. Tuy nhiên, số lượng căn chốt được thông qua hình thức này rất ít. Về cơ bản là công ty vẫn đang trung thành với lối bán hàng truyền thống”, anh Chung cho biết.
Nói về “cái khó” trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động giao dịch bất động sản, anh Chung cho biết, nhân viên môi giới bất động sản đã quen với hình thức bán hàng truyền thông. Cho nên, việc thay đổi cách bán hàng theo kiểu công nghệ phải có thời gian để họ học tập và kịp thời thích nghi. Ngoài ra, tâm lý người mua bất động sản Việt Nam đều muốn xem hàng trực tiếp. Nếu chỉ xem sản phẩm trực tuyến thì họ vẫn chưa đủ tin tưởng để ký kết hợp đồng với môi giới”.
“Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản mà tôi quen biết đều chưa có định hướng rõ rệt trong vấn đề chuyển đổi số. Họ vẫn trung thành với lối bán hàng truyền thống”, anh Chung nói thêm.
Thách thức trong chuyển đổi số
Nhìn nhận được lợi thế khổng lồ của chuyển đổi số, các doanh nghiệp bất động sản đều muốn sở hữu và làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, trái ngược với những lợi ích mà nhiều doanh nghiệp mộng tưởng, thách thức, khó khăn trong thực tế khốc liệt hơn rất nhiều.
Các doanh nghiệp bất động sản quen với hình thức bán hàng truyền thống sẽ gặp nhiều thách thức lớn trong việc số hóa. Vì có quy mô lớn và tồn tại vững chắc trong một thời gian dài nên những doanh nghiệp này có xu hướng đi theo một số hình thức kinh doanh lâu đời, có phần hơi cứng nhắc.
Hơn nữa, bất động sản là một ngành kinh tế có sản phẩm và quy trình rất đặc thù nên việc chuyển đổi số là một quá trình đầy khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Đặc biệt, phần lớn đội ngũ nhân sự trong ngành bất động sản đều không thích ứng dụng công nghệ vì ngại thay đổi.
Ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực bất động sản hiện nay là sự không rõ ràng về thông tin thị trường và thiếu dữ liệu số về giao dịch bất động sản tại các cơ quan đăng ký đất đai. Cho nên, cần sớm số hóa mọi thông tin về giao dịch và đẩy mạnh quản lý tập trung ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp độ riêng lẻ từng đơn vị.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, những thách thức trong việc chuyển đổi số trong bất động sản Việt Nam hiện nay đến từ việc thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin. Bản thân doanh nghiệp bất động sản thì thường hoạt động theo kiểu truyền thống và ít đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Thêm vào đó là khung pháp lý chậm thay đổi, thông tin, dữ liệu thiếu đồng bộ.
Để chuyển đổi số thành công, theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp BĐS cần hội tụ đầy đủ các yếu tố sau: Chiến lược và văn hóa kinh doanh số, quy trình và sáng tạo, công nghệ. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực hiện một chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; thay đổi hình thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn lực, tính toán kỹ phương án tối ưu về công nghệ thông tin.
“Mỗi doanh nghiệp bất động sản cần chủ động và nhanh chóng có định hướng, chiến lược ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh. Tốc độ sẽ quyết định thành bại trong việc chuyển đổi số”, ông Lực nhấn mạnh.