Chuối trổ buồng sang vườn hàng xóm thì ai được quyền thu hoạch?
BÀI LIÊN QUAN
Hàng rào hàng xóm lấn sáng đất mình thì có nộp đơn yêu cầu UBND xã tiến hành hòa giải tranh chấp không?Bỗng nhớ lại tranh chấp cũ, cụ ông U80 sát hại hàng xóm rồi phi tang: Miếng đất còn nặng hơn tình ngườiTranh chấp đất nương giữa hàng xóm với nhau: Phải giải quyết thế nào để tránh hậu quả đáng tiếcHỏi:
Nhà tôi có một mảnh vườn ở ngoại thành. Trong vườn, tôi có trồng khá nhiều cây ăn quả, nhưng có mấy cây chuối đã trổ buồng vượt qua tường rào sang đất nhà hàng xóm. Tôi muốn qua hái mà anh A (hàng xóm) không cho bởi vì nó lấn ở vườn nên buồng chuối đó là của anh ta. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp này tôi có quyền đòi lại số chuối lấn sang vườn anh A không? Hành vi anh A ngăn cản không cho tôi thu hoạch chuối trên đất anh ta là đúng không? Anh A có yêu cầu tôi chặt những cây lấn sang vườn, nhưng nếu chặt thì cây sẽ chết và tôi không thể thu hoạch được nên tôi có thể không chặt không?
Xin cảm ơn.
(Anh Hồ Minh Quang, Đà Nẵng).
Trả lời:
Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi tới chuyên mục, vấn đề của chị luật sư Lê Văn Quyền - Đoàn Luật sư TP Hà Nội xin tư vấn như sau:
1. Trái cây mọc sang nhà hàng xóm có quyền đòi lại không?
Căn cứ tại Điều 245 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đối với bất động sản liền kề như sau:
"Điều 245. Quyền đối với bất động sản liền kề
Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền)."
Như vậy theo quy định trên anh được thực hiện quyền ở trên bất động sản liền kề (vườn hàng xóm ông A) tức là thu hoạch phần chuối đã trổ buồng sang nhà hàng xóm.
2. Hành vi ngăn cản không thu hoạch chuối của hàng xóm có đúng không?
Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề cụ thể như sau:
"Điều 248. Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề
Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.
2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.
3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn."
Như vậy theo quy định tại Điều 245 Bộ luật dân sự 2015, anh có quyền thu hoạch chuối ở trên cây trong phần đất vườn ông A. Do vậy việc ông A ngăn cản việc gia đình anh thu hoạch là không đúng.
Ông A làm trái nguyên tắc thực hiện được quy định tại Điều 248 Bộ luật Dân sự 2015. Việc thu hoạch chuối là nhu cầu hợp lý và không làm ảnh hưởng đến ông A. Ông A không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền. Ông A cũng không được thực hiện hành vi ngăn cản làm việc khai thác của anh trở nên khó khăn.
3. Hàng xóm có quyền yêu cầu chặt phần tán cây lấn sang vườn không?
Căn cứ tại Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định ranh giới bất động sản liền kề như sau:
"Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo quy định trên về ranh giới giữa các bất động sản thì người sử dụng đất chỉ được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất như sau:
“Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh."
Đồng thời tại khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất:
"Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan."
Theo quy định nêu trên cây chuối mọc lên trong đất của anh nhưng tán cây lại lấn sang vườn hàng xóm nên hàng xóm ông A có quyền yêu cầu xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, hoặc anh với hàng xóm có thỏa thuận khác.