Bỗng nhớ lại tranh chấp cũ, cụ ông U80 sát hại hàng xóm rồi phi tang: Miếng đất còn nặng hơn tình người
BÀI LIÊN QUAN
Bị hàng xóm lên MXH nói xấu, tức mình xây tường bịt kín cổng và lối điCầm búa đập hàng xóm vì tranh chấp rãnh nước sát nhà: Nên xử lý thế nào?Sát hại hàng xóm vì 0,3m đất: Tranh chấp đất ranh giới giữa hai gia đình nên giải quyết thế nào?Cụ ông U80 sát hại hàng xóm vì mâu thuẫn đất đai
Vụ việc xảy ra đã gần 3 năm nhưng mỗi lần nhớ lại đều khiến nhiều người sợ hãi. Nguyên nhân bởi, hung thủ là người đã ở độ tuổi "gần đất xa trời" nhưng gây án lại vô cùng tàn độc.
Ngày 24/4/2019, thông tin từ VKSND TP Cần Thơ cho biết, viện đã phê chuẩn khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Linh (SN 1945; ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) về hành vi Giết người.
Kết quả điều tra cho thấy, giữa ông Linh và ông Lê Thành Trí (50 tuổi; ngụ cùng địa phương) có mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai. Đến sáng 10/4, khi bắt cá ở ruộng về nhà, ông Linh phát hiện ông Trí đang cầm một cây xẻng cùng phích nước để ra sau vườn đào đất. Ông Linh lập tức chạy vào nhà, cầm một chiếc xẻng bằng kim loại ra gặp ông Trí rồi hỏi: “Sao ông đòi thủ tiêu tôi?”.
Khi ông Trí chưa kịp trả lời, ông Linh đã dùng xẻng đánh mạnh liên tiếp vào vùng đầu nạn nhân.Đến khi nạn nhân tắt thở, ông Linh kéo thi thể nạn nhân xuống mương nước để phi tang, sau đó thản nhiên cầm hung khí đi vào nhà rửa sạch vết máu.
Mãi không thấy chồng về, vợ ông Trí ra sau vườn tìm thì phát hiện có vết máu nên trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng. Sau khi mò tìm dưới mương nước, công an phát hiện thi thể nạn nhân. Khi được mời về trụ sở làm việc, ông Linh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Hàng xóm tranh chấp đất đai nên giải quyết như thế nào?
Nếu có phương pháp giải quyết phù hợp, tình làng nghĩa xóm có lẽ sẽ không bị ảnh hưởng, cũng không dẫn tới những vụ việc kinh hoàng như trên.
Với bất kỳ tranh chấp nào, cách giải quyết tốt đẹp nhất chính là hòa giải. Theo quy định tại Điều 202 về hòa giải khi xảy ra tranh chấp đất đai cụ thể như sau:
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, khi tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không thành sẽ được giải quyết như sau:
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trong trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trường hợp này nếu hai bên tranh chấp không tự hòa giải được thì bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải tại UBND cấp xã không thành thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết.