Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp sau khi quan chức Fed ra tín hiệu lãi suất sẽ còn tăng mạnh
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại sau báo cáo lạm phátChứng khoán Mỹ giảm điểm sau tuần thăng hoa, Dow Jones rớt hơn 200 điểmChứng khoán Mỹ bùng nổ sau dữ liệu lạm phát tháng 10: Dow Jones vọt lên 1.200 điểm, Nasdaq tăng 7,4%Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11 trong sắc đỏ trước bối cảnh lợi suất tăng và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu cho thấy chiến dịch nâng lãi suất để chống lạm phát sẽ không sớm kết thúc.
Theo đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,31% và 0,35%, qua đó đóng cửa ở mức tương ứng gần 3.947 điểm và 11.145 điểm. Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 7,5 điểm, tương đương 0,02%, và kết phiên ở 33.546 điểm.
Các chỉ số hồi phục từ đáy của phiên sau khi cổ phiếu Cisco System bật tăng gần 5%. Mới đây, công ty thiết bị mạng máy tính này đã thông báo kết quả kinh doanh quý vừa qua vượt dự báo của giới phân tích đồng thời đặt mục tiêu khả quan cho cả năm tài khóa. Một số cổ phiếu công nghệ khác như Apple và Intel cũng lần lượt đi lên 1,3% và 1,2%.
Các nhà đầu tư hiện đang đánh giá hàm ý trong bình luận của Chủ tịch chi nhánh St. Louis của chủ tịch (Fed) James Bullard trong một bài phát biểu ngày 17/11 cho rằng, lãi suất chính sách vẫn chưa ở trong vùng có thể được coi là đủ sức gây hạn chế hoạt động kinh tế.
Ông Bullard cho biết thêm rằng, sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ dường như chỉ có những tác động khá hạn chế đối với số liệu lạm phát, tuy nhiên định giá của thị trường đang hàm ý rằng lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm xuống trong năm 2023.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm - biến số nhạy cảm với lãi suất chính sách của Fed - bật tăng lên mức 4,45% khiến nhà đầu tư thêm lo ngại rằng mặt bằng lãi suất cao có thể sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trả lời tờ Wall Street Journal ngày 16/11, bà Esther George, Chủ tịch chi nhánh Kansas City của Fed: “Tôi thấy thị trường lao động đang thiếu hụt nguồn cung, để hạ nhiệt lạm phát từ mức hiện nay, hoạt động kinh tế chắc chắn phải giảm tốc, thậm chí là nền kinh tế phải suy thoái để đạt được mục tiêu này”.
Phiên ngày 17/11, những cổ phiếu nhạy cảm với suy thoái kinh tế là nhóm thiệt hại nặng nề nhất trong chỉ số S&P 500, bao gồm cổ phiếu nguyên vật liệu cơ bản và tiêu dùng không thiết yếu.
Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản toàn cầu UBS nhận định rằng, việc chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lũy kế của các đợt nâng lãi suất từ đầu năm ngụ ý rằng rủi ro suy thoái vẫn đang ở mức rất cao.
Vị chuyên gia cho rằng, để thị trường chứng khoán đi lên bền vững cần các điều kiện vĩ mô tiên quyết là lãi suất giảm và tăng trưởng kinh tế cũng như lợi nhuận doanh nghiệp đã chạm đáy. Các điều kiện này hiện nay vẫn chưa được thỏa mãn.
Ông Chris Senyek, Giám đốc chiến lược đầu tư của Wolfe Research nhận định, phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho thấy Fed sẽ không sớm đổi hướng chính sách tiền tệ trong tương lai gần. Vị giám đốc cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng lãi suất lên tối thiểu khoảng 5 – 5,25% và có thể cao tới 7%.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc lãi suất quỹ liên bang tăng lên mức 6% là kịch bản cơ sở. Trong một bài phân tích ngày 17/11, ông Senyek nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, các phát biểu của Fed gần đây ủng hộ kịch bản lãi suất sẽ lên 6%. Dự đoán thị trường tiêu cực trong trung hạn của chúng tôi vẫn được giữ nguyên”.
Giá dầu bốc hơi hơn 3%
Ở diễn biến khác, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,81 USD/thùng, tương ứng giảm 3%, còn 90,05 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York sụt 3,54 USD/thùng, tương đương giảm 4,1%, còn 82,05 USD/thùng.
Phó chủ tịch phụ trách giao dịch của BOK Financial, ông Dennis Kissler nhận định,, đang có nhiều nguồn áp lực giảm giá đối với dầu. Số ca nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc đang tăng lên, lãi suất ở Mỹ tiếp tục tăng và nhân tố kỹ thuật trên thị trường đang yếu đi.
Theo vị chuyên gia này, việc giá dầu thô giao sau tại Mỹ đã giảm xuống dưới mức bình quân 50 ngày - một ngưỡng kỹ thuật quan trọng, qua đó khiến các quỹ đầu tư mạnh tay bán ra các hợp đồng dầu. Ông Kissler, dự báo áp lực bán này sẽ tiếp tục vào đầu tuần tới.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết, thị trường đang thực sự bị chi phối bởi khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu giảm nhiều. Tâm lý nhà đầu tư hiện đang dịch chuyển theo hướng đi xuống.
Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda cũng cho rằng tình hình dịch Covid-19 của Trung Quốc vẫn là một rủi ro mất giá đối với dầu thô trong ngắn hạn.
Dù vậy, nhiều quỹ quản lý tài sản lại đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường chứng khoán Trung Quốc sau những động thái điều chỉnh chính sách của Bắc Kinh gần đây.
Bloomberg đưa tin, Franklin Templeton Investments và Eastspring Investments đang gia nhập danh sách ngày càng nhiều các nhà quản lý tài sản mua vào cổ phiếu Trung Quốc và đặt cược vào việc Bắc Kinh điều chỉnh chính sách Zero Covid sẽ mang tới những thuận lợi đáng kể.
Theo đó, đợt tăng giá gây chấn động của Trung Quốc trong tháng này đã phần nào củng cố thêm niềm tin rằng những tổn thất gần đây chỉ là quá khứ, khi mà những kế hoạch giải cứu bất động sản cũng như nới lỏng chính sách Zero Covid đang củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Trong tháng 11 này, chỉ số MSCI của Trung Quốc đã ghi nhận tăng hơn 24% so với mức 5% của chỉ số toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trượt dài trong 1 năm, kể từ mức đỉnh vào tháng 2/2021 xuống đáy vào tháng 10/2022, làm "bốc hơi" 6.000 tỷ USD khỏi vốn hóa thị trường. Không lâu sau đó, các đợt tăng giá đã bắt đầu xuất hiện nhờ việc nới lỏng các hạn chế cũng như cải thiện quan hệ Mỹ - Trung.