Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau cảnh báo ảm đạm của đại gia bán lẻ Target
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau tuần thăng hoa, Dow Jones rớt hơn 200 điểmChứng khoán Mỹ bùng nổ sau dữ liệu lạm phát tháng 10: Dow Jones vọt lên 1.200 điểm, Nasdaq tăng 7,4%Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày bầu cử giữa kỳ, Dow Jones vượt mốc 33.000 điểmTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 16/11 giảm điểm sau khi nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh tiêu cực từ tập đoàn bán lẻ Target. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 0,12%, đóng cửa ở mức gần 33.554 điểm. Chỉ số S&P 500 còn giảm sâu hơn khi mất 0,83% và kết phiên ở gần 3.959 điểm. Thiệt hại nặng nề nhất là chỉ số Nasdaq Composite khi giảm 1,54% và dừng ở gần 11.184 điểm.
CNBC cho biết, các chỉ số đồng loạt đi xuống sau khi tập đoàn bán lẻ Target công bố lợi nhuận quý III giảm sút. Cụ thể, Target đạt được nhiều tiến bộ trong việc cắt giảm lượng hàng tồn kho dư thừa, nhưng các nỗ lực này cũng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Lãi ròng của Target trong quý III đã giảm quá nửa so với cùng kỳ năm ngoái, từ 1,49 tỷ USD xuống còn 712 triệu USD.
Bên cạnh đó, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm từ mức 3,04 USD xuống còn 1,54 USD, thấp hơn nhiêu so với mức 2,13 USD mà các nhà phân tích kỳ vọng.
Trước đó, Target từng cam kết với các nhà đầu tư sẽ đạt biên lợi nhuận hoạt động 6% khi cắt giảm mục tiêu lợi nhuận lần thứ 2 trong năm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận hoạt động trong quý III của Target chỉ đạt 3,9%.
Theo nhận định của CNBC, việc các hộ gia đình phải lo lắng và ứng phó với lạm phát cao khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của tập đoàn bán lẻ này.
Giám đốc Tăng trưởng của Target, bà Christina Hennington cho biết, mức độ nhạy cảm về giá của khách hàng đã tăng mạnh trong 2 tuần cuối tháng 10. Doanh số đi xuống khi người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", phải chọn lựa giữa những món đồ mình muốn và mặt hàng mình cần. Bà Hennington cho biết, xu hướng suy giảm doanh số sẽ còn kéo dài sang những ngày đầu của tháng 11.
Trong phiên ngày 16/11, giá cổ phiếu Target đã lao dốc 13%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 5. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bán lẻ khác như Macy’s, Nordstrom, Kohl’s và Gap cũng đều sụt giảm 6-8%. Theo đó, nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu là một trong 2 nhóm cổ phiếu đi xuống mạnh nhất trong phiên vừa qua.
Ông Brian Levitt, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco đánh giá bức tranh ngành bán lẻ hiện nay đang có nhiều mảng màu sáng tối lẫn lộn. Số liệu doanh số bán lẻ toàn quốc công bố vào sáng 16/11 có thông điệp trái ngược với cảnh báo từ Target.
Sáng 16/11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng 10 đạt 694,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng liền trước và nhỉnh hơn mức tăng 1,2% mà các nhà kinh tế Dow Jones dự báo.
Được biết, doanh số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát. Trong tháng 10 vừa qua, mặt bằng giá cả đo lường theo chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 0,4% so với tháng 9.
Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã tăng mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây sau khi số liệu lạm phát yếu hơn dự báo, qua đó làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed có thể tăng lãi suất chậm lại. Chuyên gia George Catrombone của DWS Group nhận định, thị trường đã phục hồi tốt từ mức đáy và sẽ còn tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, đang có nhiều vấn đề để cẩn trọng và nghiền ngẫm trước khi bước vào giai đoạn cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, để khống chế lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã liên tục tăng lãi suất, bao gồm 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp, mức lãi suất chuẩn hiện nay vào khoảng 3,75-4%.
Trong khi các quan chức đang cân nhắc điều chỉnh quy mô tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo, thì Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo vẫn chưa đến lúc các nhà hoạch định nên nghỉ ngơi.
Chia sẻ tại hội nghị của UBS Group tại Sydney, ông Waller cho biết, Fed phải tiếp tục nâng lãi suất và giữ chúng ở mức cao trong một thời gian cho đến khi họ nhận thấy lạm phát hạ xuống gần mục tiêu của mình.
“Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài cần đi. Chu kỳ tăng lãi suất sẽ không kết thúc trong một hoặc hai cuộc họp tiếp theo”, vị thống đốc nhấn mạnh.
Bình luận của ông Waller có phần tương đồng với những chia sẻ hồi đầu tháng của Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số đồng nghiệp khác. Các quan chức này cũng khẳng định chưa thể ngừng tăng lãi suất, nhưng có thể tốc độ sẽ sớm chậm lại.
Giá dầu lao dốc
Ở diễn biến khác, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đã giảm 1 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 92,86 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau trượt 1,33 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 85,59 USD/thùng.
Giá dầu đã không thể duy trì thành quả tăng giá vào đầu phiên sau khi Ngoại trưởng Hungari Peter Szijarto cho biết dòng chảy dầu thô qua đường ốngDruzhba từ Nga đã được nối lại sau một khoảng thời gian ngắn bị gián đoạn.
Giá dầu đã thoát khỏi đáy của phiên sau báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn khi dầu thô giảm mạnh hơn dự báo. Mức giảm được công bố trong tuần trước là 5,4 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 440.000 thùng.
Petro-Logistics, một công ty theo dõi tàu chở dầu cho biết, xuất khẩu dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã giảm mạnh kể từ đầu tháng tới nay.
Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm từ tình hình Covid-19 ở Trung Quốc, nơi có những đợt bùng dịch liên tiếp và rải rác khiến các biện pháp hạn chế được áp dụng rất nhiều lần.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2023 sẽ chỉ tăng 1,6 triệu thùng/ngày, từ mức 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay.