Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày bầu cử giữa kỳ, Dow Jones vượt mốc 33.000 điểm
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp, Nasdaq mất 1,7%Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều lao dốc sau phát biểu của Chủ tịch FedChứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm trong lúc chờ quyết định của FedThị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 8/11 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp khi nhà đầu tư chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Việc đảng nào sẽ kiểm soát hai viện Quốc hội sẽ có tác động lớn đến chi tiêu công cũng như các quy định quản lý.
Cụ thể, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 334 điểm, tương đương với 1,02%, lên gần 33.161 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tương ứng 0,56% và 0,49%. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp tăng điểm của cả 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ.
CNBC cho biết, các nhà đầu tư hiện đang mong đợi Đảng Cộng hòa giành lại thế đa số tại Hạ viện và có khả năng chiến thắng tại cả Thượng viện khi kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ bắt đầu được công bố vào tối thứ Ba (8/11).
Tại cuộc bầu cử lần này, các cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm, 35 trong tổng 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm, tròng đó bao gồm 15 ghế hiện do đảng Dân chủ nắm giữ, 20 ghế do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn ra 36 ghế thống đốc bang, 30 ghế tổng chưởng lý và 27 ghế tổng thư ký bang, hàng nghìn nghị sĩ cấp bang và quan chức địa phương.
Nhà đầu tư thường ưa thích việc hệ thống chính trị tại Washington rơi vào bế tắc khi tổng thống và hai viện Quốc hội đến từ các đảng khác nhau, khiến các luật mới khó được ban hành và hoạt động của doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng lớn.
Hiện nay, cả ghế tổng thống lẫn đa số Thượng viện và Hạ viện đều nằm trong tay của Đảng Dân chủ.
Cuộc bầu cử Quốc hội của Mỹ diễn ra 2 năm một lần vào các năm chẵn. Vào những năm chia hết cho 4 (như 2016, 2020, 2024, 2028,…), bầu cử quốc hội sẽ diễn ra trùng với bầu cử tổng thống. Còn những năm chẵn còn lại, bầu cử Quốc hội diễn ra ở giữa nhiệm kỳ của tổng thống. Theo đó, mỗi lần bầu cử sẽ chọn ra tất cả 435 ghế hạ nghị sĩ và 1/3 số ghế thượng nghị sĩ.
Ông Seth Cohan, chuyên gia tư vấn tại The Wealth Alliance, nhận định: “Nếu kết quả bầu cử là sự bế tắc ở Washington, đó có lẽ sẽ là điều tốt nhất đối với thị trường”.
Có thể thấy, trong những năm mà quyền lực bị chia rẽ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, thị trường thường tăng mạnh hơn so với những năm mà một trong hai đảng kiểm soát cả Nhà trắng, Thượng viện và Hạ viện.
Lịch sử cho thấy, thị trường sẽ tăng vào cuối năm và trong vòng 12 tháng sau cuộc bầu cử giữa kỳ bởi nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về chính sách vĩ mô trong tương lai.
Ông Jan Hatzius, Kinh tế trưởng của Goldman Sachs, nhận xét: “Nếu Đảng Cộng hòa giành chiến thắng, phản ứng của thị trường tài chính sẽ rất nhỏ nhẹ vì hầu hết các nhà đầu tư đã dự báo phe Cộng hòa lấy lại Hạ viện; còn nếu như phe Cộng hòa đã nắm Hạ viện thì việc ai kiểm soát Thượng viện cũng không có nhiều ý nghĩa”.
Ông Hatzius cho biết thêm rằng, nếu Đảng Dân chủ giành chiến thắng ở cả Thượng viện và Hạ viện, thị trường cổ phiếu sẽ phải chịu áp lực lớn do nhà đầu tư lo sợ thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên.
Trong cuộc bầu cử lần này, lạm phát là một nỗi lo lớn đối với cử tri. Thị trường tài chính cũng đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm tuần này để xem liệu lạm phát có suy chuyển gì sau 6 lần tăng lãi suất liên tiếp của Fed.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa ở mức cao nhất trong 8 tuần khi giới đầu tư đặt cược vào một kết quả có lợi cho thị trường từ cuộc bầu cử tại Mỹ. Theo đó, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu đã tăng 0,78%, qua đó góp phần đưa chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới đóng cửa ở mức tăng 0,70%.
Giá dầu sụt giảm mạnh, tiền ảo bị bán tháo
Tuy nhiên, không phải tài sản rủi ro nào cũng tăng giá trong phiên vừa qua. Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London sụt 2,6%, chốt phiên ở 95,36 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,14 USD/thùng, đóng cửa ở mức 88,91 USD/thùng.
Tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc căng thẳng hơn đã làm dấy lên mối lo về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu, thậm chí là suy thoái kinh tế. Số ca nhiễm mới tăng mạnh tại Quảng Châu cũng như một số thành phố khác đã làm suy giảm khả năng Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch.
Trước đó, cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng lên khi truyền thông nước này loan tin giới chức có thể sẽ nới lỏng biện pháp kiểm soát Covid-19 sớm hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, giới chức đã nhanh chóng phủ nhận những thông tin đó, niềm hy vọng của các nhà đầu tư theo đó cũng bị dập tắt. Bắc Kinh hiện đang cân nhắc về động thái như vậy nhưng hành động vô cùng thận trọng và đến nay chưa hề đưa ra.
Ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch của BOK Financial nhận định: “Số ca Covid tăng lên ở Trung Quốc là điều khiến các nhà giao dịch lo ngại trong phiên này. Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc cứ trở đi trở lại”
Giá Bitcoin cũng rơi về ngưỡng 18.000 USD, thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Đồng thời nhiều tiền ảo khác cũng bị bán tháo với mức giảm giá 2 con số. Thị trường tiền mã hóa lao dốc sau khi có thông tin hai sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới là Binance và FTX nhất trí sáp nhập để giải quyết tình trạng mà Binance gọi là “thanh khoản thắt chặt”.