Chứng khoán Mỹ bùng nổ sau dữ liệu lạm phát tháng 10: Dow Jones vọt lên 1.200 điểm, Nasdaq tăng 7,4%
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày bầu cử giữa kỳ, Dow Jones vượt mốc 33.000 điểmChứng khoán Mỹ tăng điểm trước ngày bầu cử giữa kỳ ở MỹChứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp, Nasdaq mất 1,7%Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 10/11 ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giúp các nhà đầu tư củng cố thêm hy vọng rằng lạm phát đã chạm đỉnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm giảm nhịp độ lãi suất.
Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 1.201 điểm, tương đương 3,7%, qua đó kết phiên ở mức 33.715 điểm. CNBC cho biết đây là phiên bứt phá phá mạnh mạnh nhất của chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này kể từ hố sâu đại dịch Covid hồi đầu năm 2020.
Chỉ số S&P 500 bật tăng 5,54% lên 3.956 điểm, ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Diễn biến tương tự, Nasdaq Composite vọt lên 7,35%, kết phiên ở mức 11.114 điểm, đánh dấu phiên tăng điểm tích cực nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong những tháng gần đây, một số tiêu cực với cổ phiếu là đồng USD cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 so với nhóm 6 loại ngoại tệ mạnh khác.
Theo CNBC dẫn lời ông Tim Courtney, Giám đốc Đầu tư tại công ty quản lý tài sản Exencial Wealth Advisors cho rằng, lãi suất hiện vẫn đang quyết định mọi thứ trên thị trường. Với con số lạm phát đã giảm xuống như hiện tại, thị trường đang đánh cược khá rõ rằng giai đoạn lãi suất tăng đang dần đi đến hồi kết, nên những cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất đã đi lên rất mạnh.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi lạm phát cao cũng như lãi suất tăng. Trong phiên ngày 10/11, công nghệ trở thành nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường. Cụ thể, Amazon vọt lên 12,2%, Apple và Microsoft cùng tăng thêm hơn 8%, cổ phiếu Meta hồi phục hơn 10%, Tesla tăng 7%.
Cổ phiếu ngành bán dẫn cũng ghi nhận diễn biến tích cực với Lam Research tăng 12%, Applied Materials thêm 11%, KLA tăng 9%.
Lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt?
Sáng ngày 10/11, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 tăng 0,4% so với tháng liền trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 1/2022 đồng thời thấp hơn đáng kể so với mức 8,2% của tháng 9.
Các số liệu lạm phát tháng 10 nói trên đều thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát đã dự báo CPI tháng 10 tăng tới 0,6% so với tháng trước và 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, chỉ số CPI lõi đã tăng 0,3% so với tháng trước và 6,3% so với một năm trước, đều thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Mặt bằng lợi suất lao dốc sau báo cáo CPI. Lãi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã rơi khoảng 30 điểm cơ bản xuống còn 3,81% sau khi các nhà giao dịch tin rằng Fed sẽ giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ, giảm bớt áp lực với thị trường chứng khoán. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng giảm 30 điểm cơ bản xuống còn 4,32%.
Theo giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton nhận định: “Lạm phát đang thấp hơn nhiều so với Fed nghĩ” và “Làn sóng lạm phát về cơ bản đã kết thúc và Fed không cần phải nâng lãi suất lên cao tới mức như các nhà đầu tư lo sợ”.
Trong khi đó, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Fed bày tỏ cảm xúc vui mừng về số liệu CPI mới nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để hạ áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ. Theo bà Loretta, lạm phát hiện nay vừa cao, vừa lan rộng và dai dẳng. Do đó, chính sách tiền tệ sẽ cần phải thắt chặt hơn cũng như duy trì tính thắt chặt trong một khoảng thời gian nữa để đưa lạm phát vào con đường bền vững về mức mục tiêu 2%.
Ở diễn biến khác, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đã tăng 1,02 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt phiên ở mức 93,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,64 USD/thùng, tương ứng với mức tăng 0,8%, chốt ở 84,67 USD/thùng.
Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá dầu đã hồi phục trở lại khi các nhà đầu tư hy vọng rằng với sự giảm nhiệt của lạm phát, Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại, thậm chí là dừng tăng. Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda nhận định, dữ liệu CPI có thể tạo ra một bước ngoặt cho giá dầu. Mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn phía trước nhưng mọi thứ đã bất ngờ trở nên tích cực hơn.
Bên cạnh đó, việc đồng bạc xanh giảm giá hơn 2% cũng là một nhân tố quan trọng đưa giá dầu thô tăng trong phiên này. Dù vậy, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm tới từ các biện pháp chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Dịch Covid-19 đang bùng phát tại Quảng Châu và những biện pháp nghiêm khắc như xét nghiệm hàng loạt lại đang được áp dụng trở lại.
Trước đó, Dow Jones đã phải hứng chịu mất mát lên tới 646,89 điểm, tương đương 1,95%. Nasdaq và S&P 500 cũng lần lượt giảm 2,5% và 2,1%. Cú sập này diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ chưa thể tìm ra đảng nào sẽ lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện trong 2 năm còn lại nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden.
Bên cạnh đó, cú sập của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/11 dường như cũng liên quan đến thị trường tiền số khi sàn giao dịch Binance cho biết họ sẽ rút lui khỏi kế hoạch mua lại đối thủ FTX. Giá Bitcoin và một loạt tiền số khác theo đó đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Liên minh Cố vấn Độc lập chỉ ra 3 điều không chắc chắn với thị trường hiện nay đó là kết quả bầu cử, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng và báo cáo thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên 1 trong 3 điều không chắc chắn đã được giải tỏa đó là CPI thấp hơn dự kiến.