Châu Âu rơi và thế khó: Tiếp tục với nhiên liệu của Nga hay dựa vào năng lượng tái tạo của Trung Quốc?
Kế hoạch đầy tham vọng của EU
Tờ Euronews cho biết sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu EU đã phần nào nhận ra rằng mình đang lệ thuộc quá lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga và họ đã bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sử dụng sang nguồn năng lượng tái tạo.
Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 18/5/2022, đã hé lộ một kế hoạch mang tên REPowerEU. Bản kế hoạch này có mục đích kết thúc sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu EU vào nguồn năng lượng của Nga tới năm 2030. Như một phần của kế hoạch, để chiến lược năng lượng mặt trời của EU hướng đến mục tiêu lắp đặt 320 GW pin điện vào năm 2025 và 600 GW vào năm 2030. Vào năm 2027, công suất điện tăng lên có thể thay cho khoảng 9 tỷ m3 khí đốt.
Công suất điện năng lượng mặt trời của EU vào cuối năm 2020 đạt 136 GW, tăng thêm 18 GW. Trong tổng điện năng sản xuất của khối EU, con số này tương đương với khoảng 5%.
Hướng đến mục tiêu về năng lượng tái tạo đến năm 2030 trong thập kỷ này, Liên minh châu Âu sẽ cần phải lắp đặt trung bình khoảng 45 GW tấm pin hàng năm.
Theo Viện Hệ thống Năng lượng Mặt trời Fraunhofer, hơn 80% tấm pin trên thế giới được sản xuất ở châu Á kể từ năm 2010. Trong số đó, 67% số lượng tấm pin năng lượng mặt trời vào năm 2020 đến từ Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, có 8 trong số 10 nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất toàn cầu đến từ Trung Quốc. Chiếm vị trí thứ 8 và thứ 10 thuộc về hai công ty của Canada và Mỹ.
Châu Âu vẫn có lợi thế về năng lượng gió. Điển hình là doanh nghiệp Vestas của Đan Mạch và Siemens Gamesa của liên doanh Tây Ban Nha-Đức đang xếp ở hai vị trí hàng đầu. Xét về năng lượng gió thì công ty Nordex của Đức cũng đứng thứ 8 trên thế giới.
Thế nhưng ở lĩnh vực này, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng chiếm được vị thế với 6 công ty thuộc danh sách top 10.
“Không thể lệ thuộc vào Trung Quốc”
Toàn bộ chuỗi cung ứng đã nói lên phần nào về sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trung Quốc sản xuất tới khoảng 80% các thành phần cần thiết để chế tạo tuabin gió. Quốc gia này cũng cung cấp 97% các tấm silicon dùng trong tấm pin mặt trời. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn sản xuất 45% sản lượng polysilicone của toàn cầu. Đây là một nguyên liệu thô quan trọng trong nguồn cung quang điện mặt trời.
Ngoài ra, vai trò của Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với các nguyên liệu thô khác, chẳng hạn như đất hiếm dùng trong công nghệ tái tạo. Nước này cũng đã sản xuất hơn 70% pin lithium-ion trên thị trường vào năm 2021.
Euronews trích dẫn lời của Tiến sĩ Janka Oertel, Giám đốc chương trình châu Á và thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) rằng: “Sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang tạo nên những rủi ro thật sự trong bối cảnh môi trường địa chính trị thay đổi”.
Bà nói thêm rằng: “Đối với các ngành công nghiệp như viễn thông và cơ sở hạ tầng năng lượng, châu Âu không được để bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Những căng thẳng trong lĩnh vực thương mại
Sau đơn kiện của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu vào năm 2012, một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã được EC khởi động. Dường như EU luôn có xu hướng tránh bất kỳ căng thẳng thương mại lớn nào đối với Trung Quốc.
Thời gian trước đó chứng kiến thị trường châu Âu ngập tràn với các sản phẩm Trung Quốc được bán với giá chiết khấu đáng kể so với những tấm pin tương đương được sản xuất nội địa.
Về phía Trung Quốc, họ đã đáp trả bằng cách thực hiện một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với rượu nhập khẩu của thị trường châu Âu. Một báo hiệu trong cuộc điều tra tương tự đối với lĩnh vực ôtô hạng sang cũng đã được Bắc Kinh ra thông báo.
Vào năm 2013, EU và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận nhằm thiết lập mức giá sàn đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Theo nhận định từ các chuyên gia, thỏa thuận này là sự đầu hàng và thất bại trong việc bảo vệ ngành công nghiệp của khối EU.
Nhiều trường hợp tống tiền chính trị đã xảy ra khi Trung Quốc đang tận dụng những tác động của kinh tế để gây sức ép đối với các nước khác, theo bà Maria Pastukhova, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức tư vấn khí hậu E3G.
Châu Âu đã lắp đặt khoảng hơn 1/5 tổng số pin năng lượng mặt trời vào năm 2020. Với kế hoạch REPowerEU, tỷ lệ này được cho là sẽ còn tăng cao hơn nữa, đặc biệt là khi khu vực châu Âu hướng đến mục tiêu trở thành lục địa của carbon trung tính đầu tiên vào năm 2050.
REPowerEU cho biết khối EU dự kiến sẽ cắt giảm ít nhất 55% phát thải nhà kính so với năm 1990 và cũng nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo kên ít nhất 45%. Trong khi mục tiêu trước đây là 40%.
Để thành công với kế hoạch trên, tất nhiên sẽ cần rất nhiều công nghệ tái tạo được sản xuất tại thị trường Trung Quốc. Cả hai trang trại điện có gió lớn là Taranto ở Italy và Senji ở Croatia đều cấp điện từ tuabin của Trung Quốc trong suốt những tháng qua.
Trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Trung Quốc đang có những lợi thế lớn nhờ giá cả. Theo nhận định của bà Pastukhova, tính kinh tế theo quy mô và chi phí sản xuất sẽ thúc đẩy thách thức còn lớn hơn rất nhiều.
Tại thị trường quê nhà, các doanh nghiệp Trung Quốc đều độc chiếm khi không có đối thủ và nhanh chóng phát triển. Trong khi đó, châu Âu đang phải sản xuất với mức chi phí vô cùng đắt đỏ vì tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường cũng như mức lương cao hơn đối thủ của họ.
Châu Âu có những lợi thế về công nghệ
“Mỹ, Nhật Bản và châu Âu vẫn liên tục đưa ra những phát kiến mới, đặt biệt là khi nói đến các tấm pin dẻo có hiệu năng cao”, theo khẳng định từ bà Pastukhova.
“Khu vực châu Âu vẫn có nhiều lợi thế về năng lượng gió”, ông Luke Patey, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách đối ngoại và ngoại giao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch đã đưa ra nhận định.
Theo sự giải thích của ông, sự đổi mới có thể được đo lường bằng cách thông qua sản xuất bằng sáng chế. Mỹ và Đức mỗi nước chiếm khoảng 10% trong khi Trung Quốc nắm giữ 1/3 số bằng sáng chế về công nghệ gió.
Thế nhưng, nếu xem xét các bằng sáng chế mang tính đẳng cấp toàn cầu - thứ thực sự có thể đẩy mạnh công nghệ phát triển thì Đức đã nộp khoảng một nửa trong số những bằng sáng chế đó. Ở một mặt khác, Trung Quốc chỉ có khoảng 2% bằng sáng chế thuộc loại này.
Bên cạnh đó, sản xuất chỉ là một phần nhỏ của dự án năng lượng tái tạo. Các yếu tố quan trọng khác chính là bảo dưỡng và vận hành các trang trại tuabin gió.
Ông Paty nói thêm: “Cho đến nay, người Trung Quốc vẫn dồn lực vào việc sản xuất mà không biết cách kiểm soát và quản lý các trang trại điện gió một cách hiệu quả hơn. Do đó, các nhà quản lý không muốn làm việc với những người Trung Quốc bởi mặt kinh nghiệm không giống nhau”.