Bất động sản Việt Nam dự báo đón dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thương vụ IPO của các doanh nghiệp ViệtNhà đầu tư nước ngoài đang “ngại” rót vốn qua sàn chứng khoán?GS. TSKH Nguyễn Mại: Việt Nam luôn là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoàiViệt Nam đứng thứ 2 trong số những thị trường mới nổi được săn đón
Mới đây, Tập đoàn CBRE của Mỹ đã công bố kết quả khảo sát "Ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024" cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đứng thứ 2 trong số những thị trường mới nổi được săn đón nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng, chỉ sau Ấn Độ và đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan.
Hãng Statista cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam có giá trị 4,41 nghìn tỷ USD trong năm 2024. Trong khi đó, cùng năm thị trường bất động sản Thái Lan có giá trị 2,51 nghìn tỷ USD.
Ghi nhận thực tế cho thấy, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trước đây chủ yếu đến từ các nhà đầu tư quen thuộc gốc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), còn các quỹ đầu tư từ những thị trường phát triển hơn tại Bắc Mỹ, Châu Âu chưa thâm nhập sâu. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới, các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội mới và bắt đầu xem xét những tài sản ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việt Nam lọt Top 2 thị trường bất động sản mới nổi được săn đón. (Ảnh minh họa) |
Theo ông David Jackson - Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đang có tiềm năng thu hút đầu tư rất lớn so với các khu vực khác trên thế giới. Với lợi thế dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế và thị hiếu tiêu dùng khu vực này cho triển vọng tích cực trong dài hạn cho dòng vốn đang tìm cách chuyển mình giữa một thế giới bị ảnh hưởng bởi các xung đột và gián đoạn kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phạm Anh Duy - Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rất tích cực tìm kiếm cũng như tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian qua cũng giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn.
Các chuyên gia thuộc Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư ngoại chủ yếu đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Malaysia với quy mô vốn cho mỗi giao dịch thường dao động từ 20-50 triệu USD.
Bên cạnh đó, một số lượng lớn nhà đầu tư cũng bắt đầu dành sự quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả người nước ngoài và Việt kiều. Hơn thế, ngày càng có nhiều người nước ngoài có xu hướng muốn mua nhà tại Việt Nam và đây là một tín hiệu tốt, phản ánh tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển tích cực.
Bất động sản Việt Nam sẽ đón dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài
Theo nhận định của Cushman & Wakefield, trong năm 2024, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu bất động sản. Cùng với đó, số lượng nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng phát triển và mở rộng danh mục đầu tư vào nhà đất khi thị trường được dự báo sẽ hồi phục rõ nét hơn.
Trong năm 2024, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu bất động sản. (Ảnh minh họa) |
Tại Việt Nam, chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở bắt đầu được quy định tại Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội. Tiếp sau đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài yên tâm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, qua đó góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Gần đây nhất, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai mới được thông qua cũng đã mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt là với Việt kiều.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, các nhà đầu tư quốc tế thường sẽ chọn sẵn một phân khúc bất động sản vốn là lợi thế, nơi họ có sẵn kiến thức và kinh nghiệm phát triển từ trước để bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Sau thời gian kiểm nghiệm, họ mới dần đa dạng hóa danh mục đầu tư. Do đó, vị chuyên gia dự báo sẽ có một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 khi nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán và có nhiều diễn biến tích cực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng thu hút đầu tư đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tỷ suất sinh lời hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản tận dụng dòng vốn ngoại trong năm 2024.
Bất động sản Việt Nam sẽ đón dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. (Ảnh minh họa) |
Đại diện Tập đoàn Gamuda Malaysia cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam dù còn nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Do đó, đây là thời điểm tốt để tiếp tục gia tăng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở.
Bà Khanh Nguyễn - Phó Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, Tập đoàn Gamuda Malaysia cho biết: "Một dòng vốn FDI của tập đoàn Malaysia sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, tập trung đẩy mạnh vào việc phát triển quỹ đất. Điều này thể hiện thông qua các hoạt động là chúng tôi vẫn đang rất tích cực để làm việc với lại những đối tác địa phương".
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư ở Châu Á - Thái Bình Dương ưa thích tìm kiếm mục tiêu lợi nhuận hai con số. Họ chuyển sang chiến lược đầu tư tập trung vào các tài sản có thể gia tăng giá hoặc tài sản đang có vấn đề trong việc chi trả nợ, buộc phải giảm giá. Cụ thể, hơn 60% nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nâng cấp các tòa nhà đắc địa trong danh mục đầu tư của họ theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong năm 2024. Phần lớn trong đó là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và quỹ tín thác bất động sản (REITs). Đây cũng là xu hướng nhằm theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị tài sản.
CBRE nhận định, nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện còn khá yếu, trong khi nhu cầu bán dự án lại neo mức cao. Với chu kỳ tăng lãi suất đã chững lại ở các thị trường lớn trên toàn cầu, các nhà đầu tư đang chờ những dấu hiệu cho thấy chu kỳ điều chỉnh giá hiện đã kết thúc trước khi “xuống tiền”.
Nhà đầu tư ở hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục giữ động thái chờ đợi và quan sát trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay, đồng thời các Ngân hàng trung ương tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng điều chỉnh theo. Nhờ đó, hoạt động mua bán dự án bất động sản thương mại sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong nước hiện tại, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản sẽ đi vào chu kỳ tăng trưởng từ giữa năm 2024, đón đầu các luật liên quan như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ năm 2025.
Theo vị chuyên gia, nhu cầu nhà ở cũng như đầu tư bất động sản tại Việt Nam vẫn rất lớn và nguồn cung sẽ dần được gia tăng khi những vướng mắc pháp lý về đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội từng bước được tháo gỡ. Sắp tới sẽ có khoảng 1.000 dự án được khơi thông, các chủ đầu tư sẽ có cơ hội thuận lợi tiếp cận với thị trường vốn, tín dụng để tái khởi động dự án.
"Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã hiểu được điểm mạnh, yếu của mình và hiểu thị trường; từ đó đã chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý nhằm kích thích nhu cầu của thị trường quay trở lại", ông Châu cho hay./.