Bất động sản ven “đại dự án” đường vành đai 4 có lột xác sau khi hé lộ nguồn vốn 95.000 tỉ đồng?
Cấp thiết đầu tư dự án hơn 95.000 tỷ đồng
Chiều 25/1, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 23 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô (gọi tắt là dự án đường vành đai 4).
Trong thông báo này, Thủ tướng thống nhất với đánh giá của các cơ quan hữu quan về sự cần thiết và tính cấp bách của dự án. Theo đó, việc triển khai sớm dự án vành đai 4 sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Ngoài ra, đường vành đai 4 sẽ giúp Hà Nội khai thác hiệu quả quỹ đất, kết nối tốt hơn giữa thủ đô với các tỉnh thành, giảm thiểu ùn tắc gia thông, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
Phối cảnh đường vành đai 4. Ảnh internet.
Người đứng đầu Chính phủ cũng hoan nghênh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã tích cực trong việc tổ chức, đánh giá, nghiên cứu, chuẩn bị dự án trong những năm qua. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan tập trung sớm hoàn thành cách thủ tục theo quy định để Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất vào ngày 10/3 và trình Bộ Chính trị, Quốc hội vào thời điểm 20/3/2022.
Để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao UBND TP.Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác dự án đường vành đai 4.
Theo thông tin mà phóng viên có được, dự án xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài gần 113 km với tổng mức đầu tư hơn 95.000 tỷ đồng. Cụ thể, điểu đầu của vành đai 4 nằm trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Điểm cuối nằm trên cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đoạn đi qua huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Nnh.
Theo quy hoạch 3 tỉnh, thành phố sẽ năm dọc và hưởng lợi từ tuyến đường vành đai 4 là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Tại Hà Nội, 7 quận huyện có đường vành đai 4 đi qua là Hà Đông, Thường Tín, Mê Linh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai và Hoài Đức. Trong khi đó, tại Hưng Yên là các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Giang, Văn Lâm, trong khi đó, huyện Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, TP.Bắc Ninh là 4 huyện, TP được đánh giá là hưởng lợi lớn từ dự án hơn 95.000 tỷ đồng đi qua.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng từng có văn bản số 341 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về dự án đường vành đai 4. Sở dĩ dự án này được quan tâm đặc biệt vì việc triển khai Dự án nhằm mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.
“Đại dự án” dài gần 113 km, với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 95.000 tỷ đồng này nhận được rất nhiều sự quan tâm của các “ông lớn” thực thụ trong giới địa ốc cả nước nói chung, Hà Nội nói chung. Từ Vingroup đến T&T, Him Lam, Geleximco… “đại gia” nào cũng muốn có được những dự án chay dọc theo đường vành đai 4.
Những nhà đầu tư “ăn theo” dự án hơn 95.000 tỷ đồng
Có thể nói, thời gian qua, viêc Chính phủ liên tiếp có chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xem xét nghiên cứu, hoàn thiện việc đánh giá đã khiến cho thị trường bất động sản tại các địa phương có đường vành đai 4 chạy qua dần “ấm lên”. Giới đầu tư cho rằng, đây là cơ hội đầu tư bất động sản không thể bỏ qua.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đống, Giám đốc Công ty Bất động sản Minh Phát (huyện Đan Phượng) cho biết, từ giữa tháng 11/2021, nhiều nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ đã tìm đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức để khảo sát. “Tuy nhiên, phải đến giữa tháng 1, một số lô đất nằm dọc tuyến đường vành đai 4 mới nhận được tiền cọc từ các nhà đầu tư. Mặc dù họ đặt cọc nhưng mang tâm lý thận trọng. Bởi các nhà đầu tư bất động sản đều lo ngại khi dự án này có tổng mức đầu tư quá lớn, liệu có doanh nghiệp nào đủ lực để thực hiện”, ông Đống chia sẻ.
Bất động sản ven dự án đường vành đai 4 được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Ảnh internet.
Vị này nói thêm, thời gian qua, bất động sản Đan Phương, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai vốn đã có sự tăng trưởng. Với việc Chính phủ chỉ đạo đây là dự án cấp bách thì thời gian tới, giá đất ở những khu vực này còn tăng cao hơn nữa.
Thực tế cho thấy, hiện nay trên mạng, nhiều người đã rao bán bất động sản ven dự án đường vành đai 4. “Chính chủ bán mảnh đất giá đầu tư, cạnh công viên, đường hai ô tô tránh nhau. Ngay gần quy hoạch đường Vành đai 4 tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Diện tích 209 m2 với giá 31 triệu đồng/m2”.
“Bán đất KCN Gia Bình (Bắc Ninh), mặt đường vành đai 4. Môi trường kinh doanh tốt, cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện với con đường cho 6 làn xe. Lô đất chính chủ, đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, sẵn sàng bàn giao. Giá thỏa thuận”.
Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn quảng cáo rao vặt bán đất ở khu vực ven dự án đường vành đai 4. Điều này cho thấy, bất động sản mà dự án đường vành đai hàng chục ngàn tỷ đồng này được quy hoạch chạy qua đang “hot” như thế nào.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các huyện Quế Võ, Thuận Thành của Bắc Ninh, Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên), các giao dịch đất cũng trở nên sôi động hơn trước. Trong đó có nhiều giao dịch theo kiểu lướt sóng. Các nhà đầu tư chỉ cần tăng 2-4 giá là bán để chốt lời. Tâm lý e ngại vẫn xảy ra ở không ít các cuộc giao dịch.
Trả lời phóng viên dưới góc nhìn kinh tế, Tiến sĩ ngành Kinh tế Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII cho biết: “Với một dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến hơn 95.000 tỷ đồng thì việc đầu tư bằng hình thức PPP là hoàn toàn dễ hiểu, nhất là trong thời điểm ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề là phải tính toán được mức thu phí như thế nào khi dự án này hoàn thành để tránh dẫn đến sự bức xúc, phản đối từ người dân”.
Tiến sĩ ngành Kinh tế Trần Khắc Tâm.
Tiến sĩ ngành kinh tế Trần Khắc Tâm nói rằng, việc phát triển đường vành đai 4 là hoàn toàn hợp lý và đem lại rất nhiều lợi ích cho Hà Nội cũng như Hưng Yên, Bắc Ninh và nhiều tỉnh thành lân cận khác. Giao thông đóng vai trò là mạch máu của nền kinh tế, việc đồng bộ, phát triển hạ tầng sẽ giúp cho Hà Nội và các tỉnh vệ tinh sẽ thuận tiện hơn trong việc giao thương. Hơn nữa, dự án sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản các tỉnh sôi động hơn.
“Qua thông tin báo chí tôi được biết có một số nhà đầu tư lớn như T&T, Vingroup, Geleximco… quan tâm. Đây đều là những doanh nghiệp lớn trong ngành phát triển bất động sản. Tôi tin là họ có đủ tiềm lực, năng lực để thực hiện dự án này. Điều quan trọng là cơ chế họ nhận lại được sau khi đầu tư xây dựng dự án này như thế nào mà thôi”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói.