Bất động sản trầm lắng, nhưng văn phòng công chứng nhộn nhịp với các giao dịch
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường bất động sản cuối năm: Nhà thầu xây dựng lao đao, sàn giao dịch vắng bóng ngườiMột năm lao đao vì đầu tư vội vãNghề môi giới lao đao khi thị trường bất động sản “trượt dốc”Các văn phòng công chứng hoạt động tích cực cận Tết
Suốt nhiều tháng qua, thị trường chứng kiến khoảng lặng của lĩnh vực bất động sản khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, hoang mang và thậm chí mất niềm tin vào thị trường. Thế nhưng, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện các giao dịch mua bán đất đai tại một số nơi góp phần cải thiện bầu không khí ảm đảm của thị trường suốt nhiều tháng qua.
Theo khảo sát của PV, thị trường khu vực dọc trục Láng - Hòa Lạc (Hà Nội), là nơi được xem là một trong những số ít khu vực vẫn có giao dịch tại thời điểm hiện nay. Dù giao dịch ít hơn hẳn so với khoảng thời gian đạt đỉnh trước đây, song tại đây một số văn phòng công chứng vẫn tiếp nhận đều đặn hồ sơ giao dịch mua bán của các nhà đầu tư mỗi ngày.
So với khoảng tháng 10, hiện hồ sơ nhà đất cần được công chứng tại một văn phòng công chứng tại huyện Thạch Thất, Hà Nội ước lượng tăng gấp 2 – 3 lần. Thậm chí, càng gần sát Tết, lượng hồ sơ bị dồn càng nhiều hơn khiến nhiều người mua đất không công chứng được trong ngày.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, nhà đầu tư bất động sản cá nhân tại Hà Nội cho biết, tuần trước chị vừa mới giao dịch bán được hai lô đất, mỗi lô có diện tích là 75m2 với giá 2,3 tỷ đồng tại khu vực Hòa Lạc, gần khu tái định cư Đại học quốc gia Hà Nội. Tại văn phòng công chứng trên địa bàn, chị khá bất ngờ trước sự đông đúc của các giao dịch bất động sản ở thời điểm được cho trầm lắng như hiện nay.
“Mọi người cứ đồn đại nhau thị trường bất động sản đóng băng hay không có giao dịch nhưng thực tế chỉ là giảm số lượng giao dịch hơn so với thời đạt đỉnh thôi. Để kiểm chứng, mọi người cứ ra các văn phòng công chứng mà xem, số lượng người đi công chứng hồ sơ giao dịch mua bán đất đai vẫn diễn ra ầm ầm”, chị Huyền nói.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, phòng công chứng tại một số tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang,… cũng đang ghi nhận sự tăng nhiệt hơn hẳn so với tháng 9/2022. Lượng người ra người vào các văn phòng công chứng làm thủ tục đất đai diễn ra khá tấp nập.
Theo chị Ánh Tuyết, nhân viên tại một văn phòng công chứng tại Ninh Bình cho hay, so với cùng kỳ năm ngoái thì số lượng hồ sơ không nhiều bằng tuy nhiên cũng đã tăng lên khoảng 30 – 50% so với 2 tháng trước.
“Văn phòng hiện nay ngày nào cũng tấp nập cả nhà đầu tư và môi giới đi công chứng sang tên. Hàng loạt các ô tô cứ xếp hàng dài trước văn phòng, nhiều hôm đến tối muộn mới công chứng xong cho khách hàng ngày hôm đó. Đa phần các hoạt động mua bán hiện nay tập trung chủ yếu ở các nền đất đã có sổ trên địa bàn với mức giá dao động từ 1,5 tỷ đồng đến trên 3 tỷ đồng/nền, hoặc các căn nhà riêng xây sẵn bán lại cho người mua có nhu cầu ở thực”, chị Tuyết cho hay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, bên cạnh các nhà đầu tư yếu lực từ các kênh đầu tư thì thị trường vẫn luôn tồn tại những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh. Cuối năm bao giờ cũng là lúc họ thu tiền từ các kênh đầu tư hoặc từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, họ muốn gửi gắm tiền vào một thứ gì đó để xem như là thành quả của cả một năm, vì vậy bất động sản vẫn được ưu tiên, là kênh luôn được coi là tương đối an toàn về lâu về dài.
Theo một số chuyên gia, việc các nhà đầu tư đổ xô mua bất động sản cuối năm được coi là điều dễ hiểu bởi nó mang tính mùa vụ. Nhìn từ phòng công chứng đất đai để nhận diện tình hình bất động sản, thực tế là giao dịch đã có dấu hiệu cải thiện hơn về tính thanh khoản tuy nhiên cũng là lúc xuất hiện những đội quân chuyên đi "bắt đáy" bất động sản để đợi thị trường khởi sắc trở lại.
Có phải thời điểm thích hợp để xuống tiền đầu tư?
Dù thị trường vẫn còn đứng trước nhiều thử thách, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, cho rằng thị trường chỉ là đang điều chỉnh để lành mạnh và bền vững hơn chứ không rơi vào khủng hoảng. Giới đầu cơ và nhà đầu tư không muốn lỗ nên đa số hiện nay đều đang nằm chờ. “Chi phí bỏ ra để đầu tư không hề nhỏ, nếu như bây giờ cắt lỗ thì sẽ rất nguy hiểm, tuy nhiên, tôi nghĩ có những lúc chúng ta phải chấp nhận cắt lỗ còn hơn là mất hết”, ông Lực nói.
Có những người đi cắt lỗ thì ắt sẽ có những người đi tìm mua các bất động sản giá tốt. Thực tế là ngay cả khi thị trường trầm lắng thì vẫn đang diễn ra cuộc đi săn của các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài chính tốt. Đây được xem là cơ hội đi “săn” những bất động sản có giá chiết khấu hay giảm giá sâu tại những vị trí đẹp mà trước đây khó tiếp cận, giá quá cao.
Thời điểm này, để tiếp cận được những bất động sản tốt thì người mua nên chuẩn bị sẵn về mặt tài chính cùng với đó theo dõi sát diễn biến của thị trường, sàng lọc sản phẩm lựa chọn những bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực có mức giá thuộc phân khúc vừa tiền, tìm hiểu tình hình pháp lý dự án, năng lực triển khai của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc sử dụng tỷ lệ đòn bẩy phù hợp với mức thu nhập hiện tại và tương lai, xác định tầm nhìn đầu tư trong trung – dài hạn, tránh tâm lý đầu tư lướt sóng trong ngắn hạn.
Đặc biệt thông tin về nới room mới đây cũng phần nào củng cố được tinh thần của thị trường, trước đây thị trường mới chỉ dừng lại ở việc các nhà đầu tư hỏi thăm, còn hiện tại nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với các môi giới để đi xem đất. Tuy nhiên, việc xuống tiền hay không vẫn còn phụ thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo thị trường bất động sản quý 4 và đầu năm 2023 tiếp tục còn gặp khó khăn về thanh khoản nhưng sẽ dần được tháo gỡ khi tín dụng được nới lỏng, các chính sách hỗ trợ người mua nhà, doanh nghiệp được thực thi.
Thị trường sẽ có những khởi sắc bắt đầu từ đầu năm 2024 trở đi, nền kinh tế sẽ ổn định hơn. Khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thì các nút thắt pháp lý cấp phép dự án dần được tháo gỡ giúp cải thiện nguồn cung, tăng tính thanh khoản trên thị trường./.