Bất động sản Sóc Trăng hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai
Đón đầu cơ hội
Cho đến bây giờ, giới bất động sản ở tỉnh Sóc Trăng vẫn kháo nhau về câu chuyện đã xảy ra cách đây khoảng vài năm. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 còn chưa đến mức quá nghiêm trọng, một cô gái còn trẻ, từ Hà Nội vào, xuống tiền đầu tư hàng chục lô đất ở một khu đô thị đang trong diện bắt đầu triển khai dự án.
Trên dưới 10 tỷ đồng được bỏ ra, trong sự hoài nghi của nhiều người, bởi thời điểm đó, giá đất ở đây vẫn còn rẻ và so với các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Sóc Trăng bị cho là phát triển chậm hơn so với các địa phương trong vùng như Vĩnh Long, Hậu Giang,… và đặc biệt là TP Cần Thơ. Nguy cơ nhận phải “trái đắng” là có, bởi thời điểm đó, một lô đất giá trên đưới 1 tỷ như vậy dường như sẽ khiến không ít người chùn tay khi đầu tư.
Ấy vậy mà, thời điểm hiện tại, sự “liều lĩnh” đó đã phát huy tác dụng. Cách đây khoảng một năm, giá trị số lô đất đó đã tăng có thời điểm lên đến 2,5 cho đến 3 lần. Bây giờ, khi bất động sản nơi đây đã hạ nhiệt thì khối tài sản đó cũng tăng lên gấp đôi. Câu chuyện mở đầu bài viết này nhằm cho thấy, Sóc Trăng đã vươn lên là mảnh đất có nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư. Và những người biết “đón đầu cơ hội” thì đến nay đã được gặt những trái ngọt đầu tiên.
TP Sóc Trăng vốn yên bình, thậm chí có phần hơi buồn đối với những người vốn thích một cuộc sống nhanh và sôi động. Ấy vậy mà, mấy năm gần đây, nội đô thành phố trở nên nhộn nhịp hơn. Một phần, nhiều nhà đầu tư kéo đến đây để thay đổi diện mạo đô thị. Phần khác, trong những câu chuyện từ trong nhà đến ngoài ngõ, bên bàn nhậu hay các quán cà phê, người ta nói nhiều về vấn đề đất đai. Đất ở đây được nhiều người từ khắp nơi săn đón, tìm mua. Cánh môi giới bất động sản ở địa phương cũng có, từ nơi khác đến cũng có, hoạt động không biết mệt mỏi.
Dọc theo các tuyến đường lớn rất nhiều áp phích, tờ quảng cáo bất động sản được dán nhan nhản ở trụ điện, cây xanh. Có những dự án đất ở khu dân cư, chỉ vài năm trước chủ đầu tư rao bán khoảng 600 triệu/n
n thì bây giờ, để sở hữu, người mua phải bỏ ra từ 1,2 đến 1,8 tỷ đồng. Cách đây khoảng 10 năm, có khi bỏ ra chưa đến 300 triệu đồng đã sở hữu được một ô đất đủ xây nhà trên các tuyến đường lớn, thì này ô đất đó được rao bán với giá có khi lên đến vài tỷ đồng.
Ở đô thị là vậy, còn ở nông thôn, giá đất cũng được thổi lên chóng mặt. Ví dụ, đất theo trục đường phát triển tôm - lúa bắt đầu từ phường 9, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), qua các xã của huyện Mỹ Xuyên đến xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên) chủ yếu là đất vuông tôm (ao nuôi tôm). Ở đây, nhà cửa vẫn còn thưa thớt, tuy nhiên, từ khi có dự án xây dựng trục đường dài hơn 28km đi qua đây, giá đất tăng đến mức ngay cả người dân địa phương cũng cảm thấy chóng mặt.
Dân ở đây cho biết, vài năm trước, giá đất ruộng chỉ khoảng 100 triệu đồng/sào(1.000m2) thì nay đã tăng lên gần 1 tỷ đồng/sào. Với đất nằm ở mặt đường, giá thậm chí lên đến 1,2 tỷ đồng/sào và con số này sẽ là 1,5 tỷ đồng nếu nằm gần trung tâm huyện. Giá cao như vậy, tuy nhiên, không phải muốn mua là được, bởi một phần đó là đất “làm ăn” của người dân, phần vì nhiều người vẫn còn “găm hàng” để đợi giá cao hơn.
Giá đất tại Sóc Trăng tăng cao như vậy, cho nên nhiều người đã giàu lên từ bất động sản. Họ là những người biết đón đầu cơ hội, và thậm chí là một chút liều lĩnh.
Tiềm năng vẫn còn
Nhìn xa một chút, dù là địa phương chưa có sự phát triển vượt bậc so với các tỉnh, thành phố ở miền Tây, tuy nhiên Sóc Trăng có nhiều yếu tố tiềm năng. Tỉnh vị trí chiến lược, phù hợp phát triển kinh tế biển với đường bờ biển dài 72km, ba cửa sông lớn đổ ra biển Đông. Đây là những yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh và góp phần đưa Sóc Trăng thu hút mạnh đầu tư nhất là ở lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng sạch, du lịch, logistics, khu đô thị công nghiệp,…
Địa phương cũng có cảng Trần Đề, theo tầm nhìn quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, sẽ kết nối với cảng biển Hòn Khoai (Cà Mau) và vùng Rạch Giá (Kiên Giang) tạo nên tuyến vận tải hàng hải quan trọng của thế giới là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Chưa kể, dự báo thời gian tới, Sóc Trăng sẽ trở nên sôi động hơn khi khi tuyến đường vành đai ven biển phía Nam, nối từ TP Hồ Chí Minh về Rạch Giá, Cà Mau, đi qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, hình thành. Tuyến đường có chiều dài khoảng 740km, kết nối các tỉnh có đường ven biển, tạo hành lang giao thông thủy nội địa liên kết với mạng lưới giao thông bộ liên vùng.
Những năm gần đây, Sóc Trăng rất chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Một số dự án như: Mở rộng nâng cấp quốc lộ 61B; hệ thống đường tỉnh 940, 932, 933, 939, 939B cũng đã được đưa vào sử dụng. Trục đường phát triển kinh tế từ TP Sóc Trăng đi qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm lúa – tôm của tỉnh có quy mô đầu tư 1.200 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối từ cửa khẩu Tịnh Biên đến huyện Trần Đề (Sóc Trăng), có tổng mức đầu tư gần 70.000 tỷ đồng sẽ giúp Sóc Trăng phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đặc biệt là dịch vụ thương mại, vận chuyển hàng hóa trong vùng và xuyên biên giới.
Với những lợi thế đó, nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, FLC, TATA (Ấn Độ), Youngone (Hà Quốc) đã có những bước đi đầu tiên để phát triển các dự án bất động sản tại Sóc Trăng.
Nắm bắt được tiềm năng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã hiện diện tại Sóc Trăng, có thể kể đến Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc), Vingroup, FLC, Tập đoàn TATA (Ấn Độ), Tập đoàn Việt Úc… và chắc chắn trong thời gian tới Sóc Trăng sẽ còn thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước để phát triển những dự án lớn về năng lượng tái tạo và logistics.
Một lợi thế nữa để thị trường bất động sản nơi đây cất cánh đó là tỉnh có 5 khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp lớn. Tỉnh cũng đang tiếp tục đầy nhanh tốc độ đô thị hóa. Yếu tố này giúp hệ thống y tế, giáo dục, dịch vụ thương mại phát triển theo. Sắp tới hứa hẹn sẽ có nhiều lao động, chuyên gia đến với địa phương làm việc, sinh sống, tăng thêm nhu cầu sử dụng bất động sản.
Thời gian qua, khi giá đất tăng chóng mặt, khó kiểm soát, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều công văn, chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng tăng giá đất trên địa bàn. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Sóc Trăng cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay, tăng cường công tác thẩm định, tập trung đánh giá việc đáp ứng các điều kiện vay vốn, việc định giá tài sản bảo đảm là bất động sản tại các địa phương đang có dấu hiệu sốt đất ảo… Cũng từ đó, giá đất ở đây đã phần nào hạ nhiệt. Tình trạng sốt đất, hoạt động đầu cơ bất động sản giảm bớt.
Khi cơn sốt đã qua đi, thị trường bất động sản Sóc Trăng trầm lắng trở lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nơi đây không còn tiềm năng để đầu tư. Trái lại, với những lợi thế vốn có cùng sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Sóc Trăng lại hứa hẹn là một địa điểm hấp dẫn để đầu tư. Quan trọng hơn, khi chính quyền mạnh tay chấn chỉnh tình trạng đầu cơ, tạo sốt đất thì nơi đây sẽ là một nơi để các đầu tư muốn đổ tiền vào một thị trường lành mạnh tìm đến./.