Bất động sản sân golf: Xu hướng mới đón sóng thị trường bắc miền Trung
Giới thượng lưu đổ về miền Trung chơi golf
Theo VNF, để đi cùng sự phát triển của nền kinh tế và theo đuổi tốc độ tăng trưởng về số lượng của tầng lớp giàu và siêu giàu, môn thể thao cao cấp gắn liền với sự sang trọng của giới thượng lưu đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Golf luôn là trò chơi được các “đại gia” săn đón và sẵn sàng chi trả số tiền lớn để trải nghiệm. Có thể thấy, trải dài dọc các tỉnh bắc miền Trung là hàng loạt địa điểm du lịch quen thuộc như Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Xuân Thành (Hà Tĩnh), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Đồng Hới (Quảng Bình),... đã chứng kiến nhiều chủ đầu tư lớn đổ về đầu tư các siêu tổ hợp kết hợp quần thể nghỉ dưỡng và sân golf tầm cỡ.
Năm 2014, Tập đoàn FLC đã về Thanh Hóa để đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với tổng vốn đầu tư hơn 12.088 tỷ đồng trên diện tích gần 300ha, phát triển trên địa phận thị xã Sầm Sơn. Dự án này bao gồm khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao cao cấp FLC Luxury Resort Samson, sân golf 18 hố dạng links, bể nước mặn lớn nhất Việt Nam. Tại Nghệ An, Công ty Cổ phần Golf Biển Cửa Lò đã đầu tư xây dựng và phát triển quần thể du lịch nghỉ dưỡng The Golf Village Cửa Lò có quy mô 133ha nằm dọc bãi biển Cửa Lò. Đây là dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí với một sân golf Cửa Lò có quy mô 18 hố.
Năm 2019, tập đoàn Vabis đã đầu tư vào Hà Tĩnh hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng quần thể sân golf nghỉ dưỡng có quy mô hơn 121ha tại Bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân. Dự án có tên gọi Hoa Tiên PARADISE, chủ đầu tư Vabis Group đã triển khai một sân golf 18 hố với tổng diện tích khoảng 100ha. Còn tại Quảng Bình, chủ đầu tư FLC Group cũng xây dựng sân golf FLC Quảng Bình Golf Links với số vốn khoảng 20.000 tỷ đồng có diện tích 1.000ha, nằm trên địa phận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Trên các tỉnh bắc miền Trung không chỉ đã có những sân golf được đầu tư và đi vào hoạt động thì hiện tại lại có thêm những dự án sân golf khác cũng được Chính phủ đồng ý chủ trương đưa vào quy hoạch đầu tư sân golf của toàn quốc. Nổi bật là dự án sân golf Apec Madala của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group, được xây dựng tại vùng ven biển thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án có diện tích khoảng 115ha với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một dự án khác cũng nổi bật không kém là sân golf quốc tế Vinh Xuân thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án được Công ty Cổ phần Sân golf BRG đầu tư với số vốn hơn 3.164 tỷ đồng với quy mô sử dụng đất hơn 127,68ha. Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện dự án tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf phát triển xung quanh khu vực hồ Nghĩa Hy thuộc xã Cam Thành, thị trấn Cam Lộ với quy mô hơn 614ha. Dự án này do Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư.
Xu hướng tạo ra sự bùng nổ của bất động sản
Golf không chỉ là bộ môn quý tộc mà còn là một loại hình đang thu hút cả giới đầu tư bất động sản. Bởi, mô hình biệt thự nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf đang là xu hướng đầu tư tạo ra nguồn lợi khổng lồ trên thị trường bất động sản.
Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành – Vabis Group vừa qua đã công bố phân khu mới tại dự án dọc bãi biển Xuân Thành, cung cấp dòng sản phẩm biệt thự nằm trong lòng sân golf 18 hố. Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch tập đoàn Vabis nhấn mạnh về tiềm năng của phân khu này, đơn vị đã lựa chọn phát triển dòng sản phẩm gắn với sân golf vì nhìn nhận được tiềm năng loại hình này còn rất lớn nhưng lại chưa được khai thác xứng tầm ở Việt Nam, đặc biệt là những khu vực có khả năng phát triển tốt như bắc miền Trung. Bãi biển Xuân Thành có nhiều quỹ đất đẹp, lại thuộc vị trí trung tâm kết nối giữa các tỉnh phía Bắc với phía Nam. Do đó, đơn vị quyết định sử dụng hơn 2 nghìn tỷ đồng để đầu tư vào dự án xây dựng sân golf gắn liền với biệt thự nghỉ dưỡng để kinh doanh lâu dài.
Đối với thị trường đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf, trong những năm qua phải nhắc tới những cái tên nổi tiếng như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T,... Hiện tại, FLC Group đã sở hữu hệ thống 29 sân golf đang hoạt động bao gồm: FLC Sam Son Golf Links, FLC Ha Long Golf Club, FLC Quy Nhon Golf Links. Còn Tập đoàn Vingroup cũng đang đầu tư vào hệ thống Vinpearl Golf tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Nhận xét về xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf, ông Nguyễn Trọng Hiếu - Một chuyên gia đầu tư sân golf tại Hà Tĩnh cho biết, bất động sản sân golf bấy lâu nay đã trở thành một kênh đầu tư ưa thích của một bộ phận nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đối tượng được hướng đến là các khách hàng trung và cao cấp. Tại Việt Nam ghi nhận tình trạng thiếu hụt bất động sân golf, thị trường đang tìm kiếm những dự án có đầy đủ tiện nghi và đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và sinh hoạt dài ngày của các “golf thủ” có kỳ nghỉ dài. Hiện tại, các dự án khu đô thị đơn thuần sẽ khó có thể triển khai được đầy đủ các tiện ích sân golf vì loại hình này đòi hỏi phải được đầu tư bài bản, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe. Vì vậy, BĐS sân golf tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển cho các nhà đầu tư.
Giới đầu tư nhấn mạnh, mô hình bất động sản gắn liền với sân golf không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phát triển được. Bằng chứng là, nhiều năm qua tại Việt Nam chỉ có một vài “ông lớn” địa ốc có tiềm lực tài chính vững mạnh, sở hữu những quỹ đất lớn và dày dặn kinh nghiệm mới có thể tiến hành triển khai các dự án về bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng kết hợp sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua loại hình này, các doanh nghiệp cũng có thể gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế trên thương trường.