meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Bất động sản không bán được, mang đi cầm cố với lãi suất "cắt cổ"

Thứ ba, 06/12/2022-10:12
Để có vốn xoay vòng, nhiều nhà đầu tư phải đem tất cả tài sản đi cầm cố tại các dịch vụ cho vay bên ngoài hay tổ chức "tín dụng đen" để đổi lấy tiền mặt ở thời điểm hiện nay, do các ngân hàng không còn dễ cho vay như trước mà bất động sản thì khó bán.

Cắm nhà, cầm xe "chờ" ngày thoát hàng

Năm nào cũng vậy, bước vào thời điểm cuối năm là các tiệm cầm đồ lại trở nên đắt khách hơn bao giờ hết. Đặc biệt năm nay lại còn là một năm nền kinh tế thị trường nói chung có nhiều biến động, các kênh đầu tư đều gặp khó khăn, bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán tụt dốc và có cả sự góp mặt của mùa World Cup,… khiến nhu cầu về tiền vốn và chi tiêu của người dân càng tăng cao.

Hiện nay, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đang rất khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư phải tìm cách xoay dòng tiền, cầm cố tất cả tài sản để đổi lấy tiền ở thời điểm này. Nhất là khi thị trường bất động sản có những chuyển biến tiêu cực, thanh khoản tụt giảm càng góp phần gia tăng số lượng người tìm đến các dịch vụ cầm cố tài sản.

Sau thời gian dài xoay vòng vốn phục vụ cho việc kinh doanh và đầu tư bất động sản, là nhà đầu tư cá nhân, anh Ngô Mạnh Thắng (Phủ Lý, Hà Nam) vẫn chưa thoát khỏi vòng xoay đó và đang càng ngày càng lún sâu hơn nữa. Đầu năm 2022, do cần vốn để ôm đất "sốt" tại khu vực Thạch Bàn (Quận Long Biên, Hà Nội), anh đã thế chấp tài sản là căn nhà đang ở để vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên do công việc kinh doanh không mấy thuận lợi nên mãi không thanh toán được khoản nợ cho ngân hàng.

“Mặc dù tôi đã rao bán các lô đất mua đợt đầu năm nhưng mãi không thoát được hàng, quá hạn thanh toán nên ngân hàng đã phải siết nhà. Tôi hoang mang không biết sẽ phải "đào" đâu ra tiền trả nợ nên đành liều mình thế chấp tài sản để đi vay nóng bên ngoài với mức lãi suất cao ngất ngưởng nhằm trước mắt lấy lại được nhà ở. Thế nhưng, tôi không ngờ việc làm này lại càng đẩy tôi vào bế tắc hơn bao giờ hết!”, anh Thắng ngậm ngùi chia sẻ.


Không bán được bất động sản, nhiều nhà đầu tư cầm nhà, cầm xe để xoay dòng vốn. (Ảnh minh họa)
Không bán được bất động sản, nhiều nhà đầu tư cầm nhà, cầm xe để xoay dòng vốn. (Ảnh minh họa)

Anh Thắng cho biết, thay vì ký hợp đồng vay nợ có thế chấp nhà đất thì bên "tín dụng đen" yêu cầu anh ký hợp đồng mua bán nhà để đảm bảo nghĩa vụ. Tuy nhiên, số tiền ghi trên hợp đồng mua bán lại chỉ bằng khoản vay nên thấp hơn giá trị thực của căn nhà rất nhiều. Khi hết thời hạn, nếu trả được khoản tiền vay và lãi suất thì bên cho vay sẽ trả lại nhà, còn nếu không trả được thì họ sẽ lấy nhà luôn.

“Lúc vay là lúc đang cần tiền nên chỉ chăm chăm việc thế chấp tài sản để vay vốn lấy lại được nhà mà không đọc kỹ hợp đồng. Dự định sẽ tiếp tục đợi bán được đất để lấy tiền trả khoản vay, thế nhưng đất vẫn chưa bán được mà khoản vay với lãi suất lên đến 265%/năm càng đẩy tôi vào bế tắc. Không biết bao giờ mới dừng được cảnh xoay vòng này, mọi thứ ngày càng rối ren, nhiều khi còn phải đi trốn vì sợ xã hội đen tìm đến nhà, giờ chỉ mong nhanh chóng bán được đất để nhẹ người hơn”, anh Thắng tâm sự.

Tương tự trường hợp trên, do thua lỗ từ kênh đầu tư chứng khoán nên chị Hải Châu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi gia đình có việc gấp đã phải đi vay tiền từ tổ chức tín dụng đen. “Tôi vay số tiền là 740 triệu đồng, chia thành nhiều mã vay từ 100 đến 200 triệu đồng, mỗi mã vay được thực hiện giao dịch cho vay nhiều lần với mức lãi suất thấp nhất là 7.000/1 triệu/1 ngày và mức cao nhất là 26.000/1 triệu/1 ngày, tương ứng với lãi suất từ 252% đến 612%/1 năm. Tuy nhiên, sau khi ký hồ sơ vay tiền, tôi không được giữ một bản nào từ hồ sơ này”, chị Châu chia sẻ.

Chị Châu cho biết thêm, trong quá trình vay tiền, có lần chị đóng tiền lãi chậm hơn so với thỏa thuận của hợp đồng vay, ngay lập tức chị nhận được các cuộc gọi hăm dọa từ các số điện thoại lạ. Quá lo sợ, chị đã phải vội bán xe và vay mượn từ bạn bè, gia đình để trả nợ dứt điểm hẳn.


Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm cách cầm cố hoặc bán để “gồng” bất động sản, đợi thị trường sáng lên. (Ảnh minh họa)
Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm cách cầm cố hoặc bán để “gồng” bất động sản, đợi thị trường sáng lên. (Ảnh minh họa)

Không chỉ các nhà đầu tư bất động sản tìm đến các tổ chức tín dụng đen mà cả những nhà đầu tư thua lỗ tại các kênh đầu tư khác như chứng khoán, kinh doanh,.. cũng đang tìm cách xoay sở dòng tiền dịp cuối năm. Nhiều trường hợp còn phải bán tháo tài sản như ô tô, xe máy xịn,… do đuối sức về dòng tiền nhưng không thể bán được bất động sản. Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm cách cầm cố hoặc bán để “gồng” bất động sản, đợi thị trường sáng lên.

Theo khảo sát của phóng viên trên địa bàn Hà Nội, hiện nay một số cơ sở hoạt động tín dụng, cho vay nặng lãi đã tháo biển quảng cáo, đóng cửa không hoạt động mà chuyển sang hoạt động ngầm, mang tính chất, quy mô hơn trước để tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, số lượng người đi cầm cố tài sản, cho vay lãi cao bằng thế chấp tài sản vẫn đang tăng mạnh.

Cảnh báo "bẫy" tín dụng đen dịp cuối năm

Thời điểm cận tết là lúc người dân cần dòng tiền lớn để thanh toán các khoản vay nợ trong năm cũng như để có tiền “ăn” tết. Nhìn lại một năm qua, nhiều người đã dành hết tiền tích lũy để tham gia các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán theo phong trào và hầu hết đều bị thua lỗ nặng nề, thậm chí nhiều người còn hết sạch tiền tiết kiệm, nợ nần chồng chất thêm. Trong khi đó, các tổ chức tài chính chính thức thường phải mất nhiều thời gian cho quy trình thẩm định, đánh giá nhu cầu vay của người dân. Vì vậy, họ đã tìm đến các tín dụng đen mà không cần thông qua tài sản thế chấp hay kiểm tra nguồn tài chính thu nhập.

Theo L.S. Phạm Văn Luân, thuộc đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, thực tế là dịp cận tết năm nào cũng vậy, các tiệm cầm đồ thời gian này thường hoạt động hết năng suất bởi có cung thì ắt có cầu. Những người đi vay từ các tổ chức tín dụng đen này đều xuất phát từ những khoản tiền nhỏ sau đó bị “độn” dần dần lên thành khoảng tiền khủng lồ lúc nào không hay. Điều hấp dẫn của loại hình dịch vụ vay này là các thủ tục vay tiền rất đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần các bản photo là trong khoảng từ 10 – 20 phút là giải ngân, kèm theo hợp đồng đơn giản với mức lãi suất cao vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố.

“Thời gian qua, có rất nhiều người đang sống trong tâm trạng sợ hãi như ‘ngồi trên đống lửa’ vì nỗi lo mất nhà, mất xe, mất đất. Nhiều gia đình vì những khoản vay mà trở nên tan cửa nát nhà, thậm chí nhiều người còn phải lựa chọn việc tử tự để giải thoát bởi nếu không kịp trả tiền, người đi vay và gia đình sẽ bị giang hồ quấy rầy, rất khó có thể sống yên ổn”, L.S. Phạm Văn Luân cho hay.


Các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng vào các đối tượng cho vay nặng lãi hay ký hợp đồng vay nợ giả dưới dạng hợp đồng mua bán tài sản. (Ảnh minh họa)
Các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng vào các đối tượng cho vay nặng lãi hay ký hợp đồng vay nợ giả dưới dạng hợp đồng mua bán tài sản. (Ảnh minh họa)

Nói về việc xử lý và nhận diện nhóm đối tượng này, theo L.S. Phạm Văn Luân là tương đối khó vì các tổ chức tín dụng này thường sử dụng rất nhiều chiêu trò để đưa nạn nhân vào tròng. Trong đó có nhiều trường hợp biến tướng hợp đồng cho vay thành hình thức hợp đồng ủy quyền thế chấp hay hợp đồng mua bán nhà.

L.S. Phạm Văn Luân cho hay, hiện nay mức độ xử phạt các đối tượng, tổ chức tín dụng đen vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến cho hoạt động của các tổ chức này vẫn “ngang nhiên” lộng hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý chặt chẽ hơn nữa các tổ chức tín dụng đen này. Ngoài ra, nên coi đây là loại hình tội phạm mới và cần có hướng xử lý hình sự để tạo tính răn đe.

Đặc biệt dịp cuối năm, các tổ chức sẽ càng hoạt động mạnh mẽ hơn nữa cho nên các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt những nơi vùng sâu, vùng xa. Bản thân các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng vào các đối tượng cho vay nặng lãi hay ký hợp đồng vay nợ giả dưới dạng hợp đồng mua bán tài sản./.

Châu Sa
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

Thị trường chung cư cuối năm: Môi giới liên tục mời bán giá cao nhưng chủ yếu "hỏi để đấy"

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "nằm im" trong cuộc đua phục hồi

Cho vay mua nhà dự kiến sẽ tăng trưởng 15% trong năm 2025

Hà Nội: Năm 2025 nguồn cung căn hộ bất ngờ giảm nhẹ

4.000 căn nhà ở xã hội sắp “đổ bộ” thị trường: Giá nhà Hà Nội sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2025?

Đề xuất phá sản doanh nghiệp yếu kém: Nguy cơ lớn với các “chúa chổm” bất động sản

Hà Nội: Chung cư chưa có sổ giá cao nhưng không còn hấp dẫn như trước

Tin mới cập nhật

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

13 giờ trước

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

13 giờ trước

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

13 giờ trước

10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024

13 giờ trước

Các quỹ ETF tiền điện tử giảm gần 700 triệu USD do Fed cắt giảm lãi suất

1 ngày trước