Ban Chỉ đạo dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh họp định kỳ hằng tháng
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản khu vực phía Nam chờ ngày bùng nổ từ cú hích đường Vành đai 3 TP.HCMDù chưa xây dựng, đường vành đai 3 TP.HCM vẫn khiến thị trường bất động trong khu vực “sôi sục”Chủ đầu tư “tranh thủ” phát triển dự án căn hộ, “ăn theo” tuyến Vành đai 3 TP.HCMTheo zingnews.vn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn, chấp thuận đề xuất mô hình chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải.
Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo dự án về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của thành phố. Đồng thời là cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với Tổ Công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh như kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường… Mỗi tháng Ban Chỉ đạo họp một lần và xây dựng quy chế làm việc.
Bên cạnh đó, thành lập Ban Chỉ huy dự án của thành phố về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ huy dự án có chức năng, nhiệm vụ điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Định kỳ, Ban Chỉ huy dự án họp 2 tuần/lần.
Bên cạnh đó, Tổ Công tác Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ Công tác Chính phủ họp (khi cần thiết) theo nội dung yêu cầu công việc cần phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với bộ, ngành Trung ương theo đề xuất của Ban Chỉ đạo dự án TP Hồ Chí Minh (với vai trò đầu mối) hoặc khi có chỉ đạo của Tổ trưởng.
Văn bản nêu rõ, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các đơn vị liên quan lập Kế hoạch chi tiết hội nghị triển khai Dự án đường Vành đai 3.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ khẩn trương xây dựng Kế hoạch Chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án. Đồng thời, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…).
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết nêu rõ, cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án là UBND TP Hồ Chí Minh.
Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vành đai 3 với tổng chiều dài khoảng 76,34 km, gồm 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha, giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương) đã đầu tư.
Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Năm 2022 chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án. Năm 2025 cơ bản hoàn thành dự án. Năm 2026 đưa vào khai thác.
Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương để thực hiện, trong đó TP Hồ Chí Minh là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại những địa phương có tuyến đường này đi qua là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bởi đường Vành đai 3 có tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị.
Tuyến đường kết nối 2 miền Đông và Tây Nam Bộ, mạch lưu thông Bắc - Nam và trở thành tiền đề để TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng kinh tế phía Nam nói chung để thu hút đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại những khu vực dọc theo hai bên đường.