Ba sắc thái thị trường bán lẻ dược phẩm quý 1/2023: Pharmacity hụt hơi, Long Châu tiếp tục thăng tiến
BÀI LIÊN QUAN
Quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp dược phẩm "ăn nên làm ra": Liệu năm 2023 có giữ được phong độ?Cuộc rượt đuổi của những "ông lớn" bán lẻ dược phẩm: Số lượng Long Châu nhiều gấp đôi, doanh thu cao gấp 5 lần"Á quân World Cup 2022" kinh doanh từ thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, truyền hình tới game… tại Việt Nam với số vốn đầu tư gần 4 tỷ USDDoanhnhan.vn thông tin, nghiên cứu vừa mới xuất bản của Q&Me vào tháng 3/2023 cho thấy, số cửa hàng thuộc các chuỗi dược phẩm đã tăng 34% so với năm trước. Báo cáo của Q&Me tính đến cuối tháng 3 ghi nhận, con số dẫn đầu thị phần là nhà thuốc Long Châu với 1.016 cửa hàng. Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc An Khanh với sự hậu thuẫn của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam ghi nhận con số 524 cửa hàng.
Điều đáng nói, dù thương hiệu Pharmacity không được liệt kê con số cửa hàng thế nhưng Q&Me lại nêu ra cái tên SK Pharmacy đi kèm với 937 số lượng cửa hàng. Ở Việt Nam hiện tại chưa có chuỗi dược phẩm nào mang tên SK Pharmacy.
Ba sắc thái của bán lẻ dược phẩm Việt Nam
Với sự hậu thuẫn của SK Group - Tập đoàn đầu tư của Hàn Quốc - đã giúp chuỗi Pharmacity có được nền tảng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bộ máy thượng tầng của Pharmacity trong năm ngoái đã ghi nhận nhiều biến động. Cụ thể, ông Christopher Randy Stroud (Chris Blank) - nhà sáng lập chuỗi nhà thuốc Pharmacity - không còn là người đại diện pháp luật của chuỗi dược phẩm này. Thay vào đó, ông Nguyễn Như Nam, một nhân sự cấp cao của SK Group đã thay thế vị trí này. Đến tháng 9 cùng năm, Pharmacity cũng có thêm lãnh đạo mới, đó là CEO Trần Tuệ Tri.
Đáng chú ý, Pharmacity ghi nhận quy mô cửa hàng sụt giảm liên tục trong thời điểm nhân sự tại cấp lãnh đạo có sự thay đổi. Tính đến ngày 30/6/2022, số lượng cửa hàng của chuỗi dược phẩm này là 1.118, nhưng đến quý 3/2022 giảm xuống chỉ còn 1.073 và 1.017 cửa hàng trên toàn quốc tính đến ngày 31/12/2022. Trước đó, Pharmacity từng đặt mục tiêu đầy tham vọng, đó là chạm mốc 5.000 cửa hàng năm 2025 cùng 1,5 tỷ USD doanh thu.
Trong một diễn biến khác, An Khang - chuỗi nhà thuốc của “ông lớn” bán lẻ Thế Giới Di Động vừa mới thông báo về kế hoạch ngừng mở rộng trong năm nay. Quy mô nhà thuốc An Khang hiện tại đang dừng ở mức 504. Ban lãnh đạo nhận định, An Khang vẫn là một ẩn số, tuy nhiên những bài học trong quá khứ về việc mở rộng ồ ạt đã khiến Thế Giới Di Động càng thêm cẩn trọng với An Khang.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết: “Bây giờ mở cửa hàng nào thắng cửa hàng đó chúng tôi mới mở, không thì chúng tôi không mở”. MWG năm 2022 từng kỳ vọng mở 800 cửa hàng tính đến cuối năm cho An Khang, đến cuối năm 2023 đạt 2.000 cửa hàng, mục tiêu dẫn đầu thị trường bán lẻ thuốc hiện đại về cả quy mô lẫn số lượng.
Xét trong cuộc đua, Long Châu thuộc quyền sở hữu của đại gia bán lẻ FPT Retail (Mã chứng khoán: FRT) đang ghi nhận những bước tiến thần tốc và dẫn đầu về quy mô cửa hàng trên thị trường. Tháng 11 năm ngoái, chuỗi dược phẩm này tuyên bố đã hoàn thành 1.000 nhà thuốc để có thể đuổi kịp Pharmacity, trong đó có đến 937 cửa hàng ghi nhận doanh thu.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, Long Châu cũng tuyên bố đã trở thành chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam. Theo kế hoạch, Long Châu trong năm nay vẫn tiếp tục gia tăng độ nhận diện về vùng phủ thông qua việc mở thêm tối thiểu 400 nhà thuốc, nâng tổng số cửa hàng lên mức 1.400 đến 1.500 vào cuối năm nay.
Giải mã thành công của Long Châu trong việc mở rộng quy mô
Thị trường bán lẻ dược phẩm hậu Covid-19 chứng kiến nguồn lực mạnh mẽ đến từ nhiều ông lớn như MWG, FRT… Các công ty này đều nhận ra, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang chuyển mình, trở thành một trong những xu hướng mới.
Hãng phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết, doanh thu dược phẩm Việt Nam năm 2021 là 5,9 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,6%. Doanh thu dược phẩm trong giai đoạn 2017-2021 tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép là 7,4%. Theo dự báo của EIU, tốc độ tăng trưởng này trong 5 năm tới sẽ tăng lên 9,5% nhờ việc chi tiêu cho các sản phẩm sức khỏe tăng cao cùng với mức tăng về thu nhập của người dân.
Đáng chú ý, trong 5 năm qua kênh ETC (thuốc điều trị/thuốc kê đơn, có thể được sử dụng làm đại diện cho kênh bệnh viện) đang đóng góp khoảng 75-76% tổng doanh thu. Ngược lại, kênh OTC (thuốc không kê đơn) đang chiếm khoảng 25% tổng doanh thu.
Thói quen mua thuốc không kê đơn của người Việt sớm trở thành ý tưởng kinh doanh của Pharmacity. Chuỗi này gia nhập thị trường vào năm 2011, đặt mục tiêu trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam. Pharmacity cùng sự hậu thuẫn của Mekong Capital đã nhanh chóng mở rộng thị trường, đồng thời vươn lên dẫn đầu với hơn 1.000 cửa hàng.
Tuy nhiên, Pharmacity không phải là người chơi duy nhất trên thị trường này. Nhiều chuỗi nhà thuốc hiện đại từ năm 2021 đã tăng tốc mở mới nhằm chiếm được thị phần từ những nhà thuốc truyền thống ở kênh OTC. Trước đó, theo chia sẻ của lãnh đạo FRT, Long Châu sẽ không thực hiện việc mở rộng quy mô. Tuy nhiên mọi thứ đã đổi khác, chuỗi này chỉ sau 5 năm đi vào vận hàng đã chính thức vượt Pharmacity về số lượng cửa hàng.
Chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Diệp cho biết, doanh thu của nhà thuốc Long Châu năm 2022 là 9.596 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã tăng 141%. Lợi nhuận sau thuế của chuỗi là 52 tỷ đồng, so với năm 2021 đã tăng hơn 10 lần. Theo kỳ vọng, chuỗi Long Châu năm 2023 sẽ mang về 14.000 tỷ đồng doanh thu, so với năm 2022 tăng 46%. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng, mỗi cửa hàng mở mới sẽ nhanh chóng có lãi trong vòng 6 tháng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 100 tỷ đồng, cao gấp đôi năm trước.
Dù khởi động muộn, đi sau nhưng Long Châu đã đi đúng định hướng từ sớm, đó là bán thuốc với đội ngũ dược sĩ kinh nghiệm, mục tiêu giành thị phần của nhà thuốc truyền thống chứ không thiên về trải nghiệm mua sắm tiện ích như Pharmacity. Theo bà Nguyễn Bạch Diệp, mô hình của chuỗi Pharmacity là của tương lai, không phải của hiện tại. Hiện nay, người dân Việt Nam chưa sẵn sàng vào tiệm thuốc tây để mua các mặt hàng tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ dược phẩm còn nhiều tiềm năng
Những con số thống kê cho thấy, Thế Giới Di Động đang thống trị thị trường bán lẻ đồ điện gia dụng và thiết bị công nghệ Việt. Khảo sát từ Q&Me nêu rõ, chuỗi Thế Giới Di Động đang sở hữu quy mô cửa hàng lên tới 3.385, vượt xa FPT Shop - đối thủ xếp thứ hai - với 985 cửa hàng và Viettel Store với 400 cửa hàng.
Dù là ông lớn dẫn đầu, tuy nhiên ban lãnh đạo MWG từng thừa nhận, thị trường bán lẻ điện thoại đã rơi vào trạng thái bão hòa. Do đó, Thế Giới Di Động sẽ chuyển hướng sang những chuỗi mới thay vì chỉ chú trọng vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. FRT cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Theo đó, công ty này đã sớm dồn sức để đầu tư cho chuỗi nhà thuốc Long Châu cùng tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Trong khi đó, Thế Giới Di Động từ năm ngoái mới bắt đầu dồn lực cho việc phát triển An Khang sau một thời gian dài bỏ bê. Được biết, chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ có 178 cửa hàng sau khi kết thúc năm 2021. Sau đó, Thế Giới Di Động nhanh chóng đặt mục tiêu mở rộng thần tốc cho chuỗi An Khang, lọt vào top 3 nhà bán lẻ dược phẩm trên cả nước. Thế nhưng cho đến nay, quá trình mở rộng của An Khang mới đang dừng lại ở ngưỡng 500 cửa hàng.
Với lợi thế tập trung vào thị trường sớm hơn, các đối thủ lớn chậm chân trong việc mở rộng đã giúp Long Châu mạnh tay thi triển những chiến lược tăng cường nhận diện thương hiệu, từng bước củng cố vị thế và tiếp tục công cuộc mở rộng của mình.
Theo báo cáo mới đây của PwC, khoảng 54% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát đã có ý định cắt giảm chi tiêu cho những món hàng hóa xa xỉ trong vòng 6 tháng tới. Ngoài ra, một số mặt hàng và dịch vụ khác cũng nằm trong danh sách dự kiến cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng gồm có: Du lịch (42%), thiết bị điện tử (38%), thời trang (34%), sửa chữa và cải thiện nhà ở (34%), tiếp theo là giải trí trực tuyến (34%).
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhiều khả năng doanh thu từ mảng kinh doanh ICT khó có thể hồi phục trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, như đã nói ở trên Thế Giới Di Động hiện gần như thống trị thị trường bán lẻ công nghệ của Việt Nam, thế nên việc giành giật miếng bánh này đã khó lại càng thêm khó. Đây cũng là lý do vì sao FRT đã và đang dồn lực cho việc phát triển mảng bán lẻ dược phẩm thông qua chuỗi cửa hàng Long Châu.