8 tháng đầu năm, thu thuế chuyển nhượng bất động sản đạt 27.000 tỷ đồng
BÀI LIÊN QUAN
Tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng từ chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sảnTổng cục Thuế yêu cầu không trả hồ sơ khai lại thuế chuyển nhượng bất động sản Đẩy mạnh “tiền phòng-hậu kiểm” với thuế chuyển nhượng bất động sảnTheo baodautu.vn, thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (lĩnh vực tài chính).
Bộ trưởng Phớc cho biết cơ quan này đã có nhiều động thái để tăng thu thuế bất động sản. Nổi bật là yêu cầu các cơ quan thuế không được gây khó khăn cho người nộp thuế, không ngăn chặn, làm tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản; không kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.
Những biện pháp “mạnh tay” của Bộ Tài chính đã mang tới một số kết quả khả quan. Cụ thể, lũy kế 8 tháng, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng là bất động sản đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tức trên 96% so với cùng kỳ 2021. Tính đến ngày 6/9/2022, trên toàn quốc, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND chiếm 72%, trung bình một bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ ra những bất cập khi thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Hiện quy định quản lý thuế này chưa đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ.
Người dân chưa hiểu đầy đủ luật, chưa tự giác nộp thuế và nhận thức hậu quả khi khai thuế không đúng với giá chuyển nhượng trong thực tế. Theo quy định, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. "Tuy nhiên cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn", Bộ Tài chính nhận xét.
Trong thực tế hiện nay, việc ấn định thuế có hiệu quả khi có sự tham gia của các cơ quan liên quan như công an, thanh tra thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng nhận được báo cáo của một số cơ quan thuế địa phương báo cáo việc đã chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra, sau đó cơ quan điều tra chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính. Nguyên nhân là không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế, Bộ trưởng nêu.
Một bất cập nữa được Bộ Tài chính chỉ ra là quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chậm.
Theo quy định hiện hành, Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương sẽ nhận hồ sơ chuyển nhượng, rồi chuyển qua cơ quan thuế. Tuy nhiên quá trình chuyển hồ sơ này diễn ra chậm chạp, gây áp lực tới thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Vấn đề quản lý đất đai hiện nay do nhiều cơ quan cùng quản lý như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… các văn bản quy phạm pháp luật, dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý chưa đồng bộ, liên thông.
Bộ trưởng cho biết thêm, việc thu thập thông tin để triển khai công tác hậu kiểm của cơ quan thuế còn nhiều khó khăn, do người nộp thuế mở nhiều tài khoản ngân hàng, các ngân hàng có phản hồi thông tin xác minh chậm nên ảnh hưởng tới khâu xác minh giá chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn. Đến khi có kết quả xác minh, trong trường hợp có chênh lệch giá chuyển nhượng thì Chi cục Thuế gặp khó khăn trong việc mời người nộp thuế tới làm việc vì có người đã thay đổi địa chỉ thường trú, thậm chí là đi nước ngoài.
Nhằm giải quyết những tồn tại trên, trong thời gian tới, Bộ trưởng đã đề nghị các các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản; bộ tiêu chí rủi ro với chuyển nhượng bất động sản... để minh bạch, chống thất thu loại thuế này.