40.000 tỷ đồng chảy vào BĐS có khiến thị trường địa ốc bứt phá như năm 2013?
BÀI LIÊN QUAN
Phân khúc đất nền chịu tác động mạnh trong cơn biến động của thị trường, hiện đang dần giao dịch trở lạiThị trường bất động sản đầu năm 2023 và cơ hội cho những người có nhu cầu thựcTP.HCM thí điểm đánh thuế BĐS thứ 2: Thị trường sẽ càng “khó thở”Nhiều kỳ vọng từ con số 40.000 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5-2%. Theo đó, với 1,5-2% từ việc tăng chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng sẽ bơm ra thị trường khoảng 240.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế hiện đang rất khó khăn do nhiều yếu tố tác động.
Trong số 240.000 tỷ đồng này nhiều người dự đoán sẽ có khoảng 20% dành cho thị trường bất động sản, tương đương với hơn 40.000 tỷ đồng. Số tiền này không chỉ tăng niềm tin, ổn định tâm lý các nhà đầu tư, doanh nghiệp mà nó còn được xem là “liều thuốc hồi sức” cực mạnh cho thị trường bất động sản vốn đang lâm cảnh kiệt quệ.
Còn nhớ, cách đây 7-8 năm, vào thời điểm năm 2011-2012, thị trường bất động sản cũng lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn sau đợt “vỡ bong bóng” bất động sản. Làn sóng bán tháo bất động sản diễn ra ở nhiều nơi sau thời kỳ sốt ảo năm 2009. Khi đó, nhiều doanh nghiệp phá sản, các nhà đầu tư vỡ nợ khi cố “ôm” đất bằng mọi giá để hòng kiếm lời. Các doanh nghiệp bất động sản mất tính thanh khoản, hạ giá bán bất động sản kịch sàn để mong có thể thu hồi được vốn. Năm 2012 thị trường bất động sản được gói gọn bằng các cụm từ thua lỗ, nợ nần và bán tháo.
Đơn cử như Bưu điện Liên Việt, PVL chấp nhận hạ 35% giá căn hộ Petro Vietnam Landmark. Chủ đầu tư chấp nhận lỗ khoảng 70 tỷ đồng sau khi bán được hết số căn hộ với giá công bố giảm. Cùng cảnh ngộ, Công ty Sài Gòn Mekong giảm giá 500 căn hộ dự án từ 18 triệu đồng/m2 xuống còn hơn 14 triệu đồng/m2 tại dự án chung cư An Tiến. Dự án này do Công ty xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) làm chủ đầu tư và đã bán toàn bộ căn hộ cho hai nhà đầu tư thứ cấp là Ngân hàng BIDV và Công ty Sài Gòn Mekong vào quý IV/2009.
Đến 2013, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng do 5 ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và MHB triển khai thực hiện.
Ngay lập tức, gói hỗ trợ này giúp thị trường BĐS đã "ấm" lên và có những dấu hiệu hết sức tích cực. Niềm tin thị trường được nâng lên. Thời điểm đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được đưa ra trong bối cảnh thị trường BĐS của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn nhằm góp phần tháo gỡ cho thị trường BĐS.
Cú hích từ gói 30.000 tỷ đồng từ Chính phủ giúp thị trường bất động sản rã băng và có những bước phát triển mạnh ngay sau đó. Mặc dù mãi 3-4 năm sau, gói hỗ trợ này vẫn chưa giải ngân hết nhưng đã khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua khó khăn. Thị trường bất động sản hồi sức và phát triển cực nhanh sau thời gian đó và lấy lại vị thế của mình.
Trao đổi về gói hỗ trợ này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được xem như “một mũi tên trúng hai đích”. Nó vừa là liều thuốc “cấp cứu” cho thị trường bất động sản đang bị đóng băng vừa hỗ trợ người mua nhà. Đây là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân.
Kịch bản năm 2013 có lặp lại?
Đó là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong thời điểm này khi có thông tin về việc 40.000 tỷ đồng sẽ chảy vào bất động sản. Thời điểm này được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng như thị trường bất động sản năm 2013. Bởi cả hai giai đoạn đều cùng trải qua chu kỳ thị trường liên tục sốt nóng và sau đó lại nguội lạnh.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu 40.000 tỷ được đưa ra để hỗ trợ thị trường bất động sản thì nguồn tiền này sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đi vào các hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đang khát vốn. Với 40.000 tỷ đồng vào bất động sản, sẽ có khoẳng hơn 65% dành cho người mua nhà, số còn lại là cho các nhà đầu tư. Đây là lượng tiền khá lớn và cần thiết. Chúng ta đều thấy, năm 2013, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giúp thị trường bất động sản hồi phục và bứt phá như thế nào.
Khi có nguồn vốn lớn, các nhà đầu tư bất động sản sẽ có thêm niềm tin để xuống tiền đầu tư. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại với tính thanh khoản được đẩy lên. Nguồn vốn từ bất động sản sẽ kích thích thêm các dòng tiền từ các ngành khác.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, không lo ngại việc nguồn vốn hỗ trợ bất động sản sẽ chảy “sai hướng”. Bởi hiện nay các hồ sơ giải ngân các ngân hàng kiểm tra và kiểm soát rất kỹ lưỡng. Các dự án phải đủ tính pháp lý, khả thi thì ngân hàng mới giải ngân. Tiếp theo đó, với việc lãi suất cao, sẽ hạn chế được các nhà đầu tư bất động sản cảm thấy rủi ro và không dám bất chấp đầu cơ.
Cùng quan điểm, ông Tô Ngọc Trường Giang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Trần Liên Hưng cho rằng nguồn vốn 40.000 tỷ đồng thời điểm này là vô cùng cần thiết đối với thị trường bất động sản. Chưa cần tính đến số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào nhưng nó giúp thị trường bất động sản khởi sắc hơn về mặt tâm lý.
“Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư và cả doanh nghiệp nước ngoài vẫn coi Việt Nam có đầy đủ tiềm năng, cơ hội để đầu tư và phát triển bất động sản. Tuy nhiên, họ vẫn đang dừng lại quan sát thị trường. Khi có dòng tiền lớn đổ vào bất động sản sẽ giúp thị trường sôi động trở lại. Và đây sẽ là sự kích thích các nguồn vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường địa ốc sẽ bứt phá giống năm 2013 khi có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng”, ông Giang nhận định.
Vị Giám đốc phát triển dự án này nói thêm, thời điểm này, vốn chính là yếu tố quyết định sự phục hồi của thị trường bất động sản. Chắc chắn tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quan tâm thời điểm nào thì 40.000 tỷ đồng sẽ chảy vào thị trường bất động sản. Ông Giang nói: “Tôi cho rằng nguồn vốn này sẽ phát huy hiệu quả ngay lập tức đối với thị trường địa ốc. Một cú hích cực mạnh cho bất động sản. Tính thanh khoản sẽ được đẩy lên trong một thời gian ngắn”.