TP.HCM thí điểm đánh thuế BĐS thứ 2: Thị trường sẽ càng “khó thở”
BÀI LIÊN QUAN
TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lênBản tin BĐS 1/12/2022: Năm 2024 sẽ trình Quốc hội ban hành luật để đánh thuế đối với nhàBản tin BĐS 30/9/2022: Dự thảo đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sảnNgười ủng hộ, kẻ dè dặt
Mấy ngày qua, giới kinh doanh bất động sản và người dân xôn xao trước thông tin TP.HCM xin thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2. Cụ thể, UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội).
Điều đáng lưu ý trong tờ trình này là TP.HCM muốn được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất).
UBND TP.HCM lý giải, việc thí điểm chính sách về thuế bất động sản sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách chung về sau. Bên cạnh đó, việc này sẽ giúp tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách thành phố. Điều đặc biệt, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ hạn chế được tình trạng bỏ hoang nhà ở, đất nền trong các dự án bất động sản.
Anh Phạm Đức Tài - người dân sống và làm việc tại TP.HCM hơn 40 năm nay cho biết, anh đang có kế hoạch mua thêm một ngôi nhà (bất động sản thứ 2) cho con trai. Tuy nhiên, khi nghe thông tin TP.HCM có chủ trương đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi thì anh lại khá băn khoăn.
Theo anh Tài, nếu đề xuất này nếu được thông qua sẽ tác động không nhỏ tới người dân thành phố. Bởi, hiện nay giới trẻ khi lập gia đình sẽ muốn ra ở riêng không muốn sống chung với cha mẹ và khi đó nếu cha mẹ muốn mua một căn nhà cho các con thì sẽ bị đánh thuế là bất động sản thứ 2.
“Cần phải làm rõ bất động sản thứ 2 có quy mô như thế nào sẽ bị đánh thuế. Còn nếu chỉ là một phòng trọ 20-30m2 hoặc một căn hộ 54m2 đang cho con cái sinh sống mà cũng bị đánh thuế thì không hợp lý”- anh Tài cho ý kiến.
Anh Tài cũng đề xuất nên đánh thứ bất động sản thứ 3 trở lên. Vì theo anh Tài, bất động sản thứ 2 tại TP.HCM chưa được gọi là đầu cơ bởi mỗi gia đình có tới 1-2 người con đi học nên họ mua và có nhu cầu ở thực là điều hiển nhiên.
Cũng là người dân sống lâu năm tại TP.HCM, chị Hoàng Thùy Trang lại rất ủng hộ chủ trương này vì thời gian qua việc đầu cơ bất động sản lan rộng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như biến dạng hoạt động bất động sản lành mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn hiện nay là làm thế nào để thống kê một cách chính xác số lượng bất động sản của từng cá nhân, từng hộ gia đình để đánh thuế cho phù hợp. Tránh tình trạng bộ phận dân cư này bị đánh thuế quá cao còn bộ phận cư dân khác lại đánh quá thấp, điều này sẽ tạo ra sự thiếu công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, chị Trang cũng lo lắng việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ làm giá thuê nhà tăng cao. Chính việc này sẽ càng tạo thêm áp lục lớn cho người thuê nhà – số đông dân số đang sinh sống tại thành phố.
Liệu thời điểm này đã thích hợp?
Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính kinh tế cho rằng, chính sách thuế cần được áp dụng đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Bên cạnh đó, cần có khảo sát nghiên cứu khoa học về các mặt đối với người dân và nền kinh tế để đưa ra mức thuế.
Chuyên gia đánh giá, việc đánh thuế bất động sản sẽ giảm thiểu được tình trạng lãng phí đất đai hiện nay nhưng cái khó là phải xác định đối tượng đóng thuế và mức thuế phù hợp.
“Thuế tài sản với nhà đất cần xây dựng định mức cho mỗi người dân được ở bao nhiêu điện tích nhà đất. Người sở hữu vượt định mức phải đóng thuế, còn người sử dụng dưới định mức sẽ không phải đóng thuế bất động sản thứ 2. Trường hợp người dân có hai căn nhà nhưng diện tích nhỏ, giá trị không lớn cũng phải đóng thuế trong khi những người giàu đứng tên một căn nhà nhưng với diện tích hàng nghìn m2 lại không phải đóng thuế thì bất hợp lý” – chuyên gia dẫn chứng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất, nên thu thuế đối với các căn nhà không sử dụng, bỏ hoang mới có thể ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, tránh lãng phí tài nguyên đất.
Còn theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 trong giai đoạn hiện nay là chưa hợp lý. Bởi hiện nay thị trường đang gặp phải không ít khó khăn, nếu thêm việc thực thi thí điểm thì sẽ tác động mạnh đến thị trường.
Ông Quang cũng chỉ ra những điểm chưa hợp lý.
Thứ nhất, tính minh bạch của thị trường. Hiện nay thị trường bất động sản chưa minh bạch. Vì vậy, cần phân loại tài sản bất động sản được đánh thuế, bởi không phải ai sở hữu bất động sản thứ 2 cũng vì mục đích đầu cơ, nhiều trường hợp sử dụng bất động sản thứ 2 để hoạt động kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội.
Thứ hai, khi thị trường đang suy thoái nghiêm trọng việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ không thể ngăn chặn được tình trạng đầu cơ. Ngược lại, việc thí điểm này có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản. Dù để xuất này sẽ không gây hoang mang cho nhà đầu tư nhưng sẽ khiến họ phản ứng ngược về thời điểm áp dụng, nhất là ở giai đoạn hiện nay.
“Để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản thì phải xác định được mức thuế bao nhiêu là hợp lý và chính sách phải được áp dụng trên toàn quốc chứ không chỉ triển khai ở một địa phương. Trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế bất động sản có thể giảm được tình trạng đầu cơ” – ông Quang nói.
Mới đây, trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) Chính phủ gửi đến Quốc hội cũng đã đưa ra quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, bỏ hoang, chậm sử dụng đất.