4 giải pháp gỡ “khó” trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu
BÀI LIÊN QUAN
Xây dựng các phương án giảm tác động tiêu cực khi giá xăng dầu leo thang Doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước bù chi phí xăng dầuGiá xăng dầu tăng “phi mã”, dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độTrong thời gian qua, do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính nên không có chi phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.
Cụ thể, từ tháng 1, nhà máy này giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55 - 60%, khiến việc giao hàng thực tế cho các thương nhân bị giảm 50% so với kế hoạch trong tháng 2 và giảm 20% trong tháng 3. Đến nay, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng trong tháng 4, tháng 5 và chưa rõ kế hoạch vận hành lại sau tháng 5.
Vì vậy, trên cơ sở làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương thống nhất trước mắt kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước sẽ không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu được bộ này giao cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện.
Từ thực tế đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như bảo đảm an ninh kinh tế đất nước cần có các giải pháp giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Diễn biến xăng dầu thế giới vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn”.
Theo đó các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.
Từ góc độ quản lý nhà nước về ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận thấy trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu.
Bộ trưởng cho rằng chúng ta có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN làm chủ đầu tư, là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung cho xăng dầu trong nước.
Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35-40% trong kỳ.
Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ.
Trong tương lai Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường. Muốn giữ được giá thì phải có quỹ bình ổn, còn không có quỹ bình ổn thì phải sử dụng công cụ thuế...
Thứ tư, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Hiện nay lượng dự trữ không lớn, chỉ tính theo ngày. Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay.
Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 11/3/2022, giá xăng RON 95 đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, sau khi điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít.
Tính từ giữa tháng 12/2021 đến nay, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp của giá xăng trong nước. Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát đến ngưỡng 30.000 đồng/lít. Theo đó, giá các mặt hàng dầu đều tăng, cụ thể, dầu hoả là 23.910 đồng một lít, tăng 3.940 đồng. Dầu diesel là 25.260 đồng một lít, tăng 3.950 đồng. Dầu mazut là 20.980 đồng một kg, tăng 2.520 đồng.
Mức giá xăng dầu liên tục “leo thang” đang khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.