Giá xăng dầu tăng “phi mã”, dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ
BÀI LIÊN QUAN
Giá xăng tăng cao kỷ lục, chạm mốc gần 27.000 đồng/lítGiá xăng ngày mai sẽ tiếp tục tăng?Giá xăng dầu tăng “chóng mặt” doanh nghiệp lao đaoGiá xăng dầu tăng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, gây nên những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xây dựng. Đặc biệt, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang khiến cho các nhà đầu tư và nhà thầu thi công hết sức đau đầu khi giá vật liệu tăng cao.
“Bão” giá xăng, dầu, vật liệu đổ bộ, các dự án giao thông gặp khó
Giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho giá nguyên vật liệu xây dựng cũng leo thang theo. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công các dự án hạ tầng giao thông đang trong quá trình triển khai. Đặc biệt, việc tăng giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công.
Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 chia sẻ, chưa bao giờ nhà thầu gặp phải “cơn bão giá” mạnh như thời gian vừa qua. Giá xăng, dầu, nguyên vật liệu xây dựng tăng “chóng mặt” khiến các nhà thầu trở tay không kịp, không chuẩn bị được biện pháp để đối phó, xử lý trong thời gian ngắn.
Tiến độ của dự án cao tốc Bắc - Nam phụ thuộc lớn vào xăng, dầu do nhu cầu sử dụng các trang thiết bị, máy móc thi công chiếm phần lớn chi phí vận hành của nhà thầu. Chính vì thế xăng, dầu là những nguyên liệu đầu vào quan trong nhất trong thi công, xây dựng. Việc giá xăng, dầu diesel tăng gấp đôi giá bỏ thầu đã khiến cho chi phí vận hành thiết bị, máy móc cũng tăng gấp đôi, từ 5 tỷ lên 10 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của đại diện nhà thầu Vinaconex, đơn vị đang thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công của dự án. Điều mà nhà thầu lo lắng nhất là tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cố tình găm hàng, bán “nhỏ giọt” vật liệu trong khi nhu cầu thực tế có thể cao gấp 4-6 lần so với lượng xăng dầu được mua.
Nỗi lo về việc giá sắt, thép và xi măng tăng cao dưới sự ảnh hưởng giá xăng, dầu tăng cũng khiến cho các nhà thầu phải chịu nhiều thiệt hại to lớn về kinh tế. Ở thời điểm trúng thầu dự án, giá thép theo công bố của Sở Xây dựng Bình Thuận là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế VAT. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, giá thép mà nhà thầu đang phải mua là 18.000 đồng/kg, mức giá chưa bao gồm thuế VAT. Như vậy giá thép hiện đã tăng tới 60% so với thời điểm thực hiện đấu thầu.
Thực tế, đây là tình cảnh chung của tất cả các nhà thầu tham gia thi công các dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Các đơn vị nhà thầu đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ rất lớn do chịu tác động từ “cơn bão” tăng giá xăng, dầu, sắt, thép…Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cũng khiến cho chi phí đắp đất, đá, cát, sỏi tăng cao, đồng thời khiến cho chi phí vận chuyển nguyên vật liệu từ mỏ đến công trường cũng tăng nhanh chóng.
Bộ Giao thông Vận tải loay hoay tìm hướng tháo gỡ
Theo báo cáo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay có khoảng 40 dự án giao thông đầu tư công đang trong quá trình triển khai. Việc thực hiện, thi công các dự án này dựa vào hợp đồng thi công xây dựng theo đơn giá điều chỉnh bởi phương pháp hệ số giá điều chỉnh. Các yếu tố chi phí tính toán dựa trên công thức điều chỉnh gồm giá nhân công, nhiên liệu, máy thi công, nhựa đường, thép, cát, đá, xi măng…Cách điều chỉnh giá nói trên có thể hỗ trợ phủ từ 70-80% chi phí phát sinh của nhà thầu, nhưng với điều kiện là giá nguyên vật liệu đầu vào phải được kiểm soát hợp lý.
Tuy nhiên với việc giá xăng dầu, sắt, thép tăng “chóng mặt” như hiện tại thì phương pháp điều chỉnh nói trên chỉ bù đắp được khoảng 50 - 60% chi phí bỏ ra trong thực tế. Giữa bối cảnh giá cá biến động quá lớn như thời điểm hiện tại thì nguy cơ các nhà thầu sớm rơi vào cảnh kiệt quệ tài chính là rất lớn, điều này sẽ khiến cho tiến độ thực hiện công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu trước sự càn quét của cơn “bão” giá xăng, dầu, sắt, thép…Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có phương án phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án công khai giá các vật liệu xây dựng đến chân công trình đối với từng gói thầu hoặc dự án thành phần.
Việc công bố giá nguyên vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cần phù hợp với yêu cầu về thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện thực hiện dự án và tiến độ thi công, khả năng cung ứng vật liệu và mặt bằng giá chung trên thị trường. Mức giá công bố phải phản ánh chính xác sự biến động giá xây dựng trên thị trường tại khu vực thực hiện thi công xây dựng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng trực thuộc Trung ương cần có biện pháp kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đồng thời liên tục theo dõi, bám sát diễn biến xảy ra trên thị trường xây dựng, qua đó kịp thời điều chỉnh, cập nhật và công bố giá nguyên vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng đối với từng gói thầu/dự án thành phần. Mức giá công bố phải phù hợp với mặt bằng giá chung trên thị trường, hạn chế tác động tiêu cực của hiện tượng nâng giá, đầu cơ.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm tra, thanh tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn địa phương, tránh trường hợp các cửa hàng lợi dụng biến động thị trường, cố tình “găm hàng”, bán hàng “nhỏ giọt” gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng.
Khi triển khai thực hiện các phương án nói trên nếu gặp vướng mắc, khó khăn Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp quan tâm, phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan, từ đó thực hiện các nhiệm vụ đặt ra hiệu quả, đáp ứng tiến độ thi công dự án theo yêu cầu.