Xây dựng các phương án giảm tác động tiêu cực khi giá xăng dầu leo thang
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia VinaCapital: Giá xăng Việt Nam dự kiến tăng thêm 30% trong vài tháng tới, VNĐ mất giá so với USDChính phủ đã thông qua đề xuất giảm 2.000 đồng/lít thuế môi trường đối với xăng, dầu Giá xăng tăng cao kỷ lục, chạm mốc gần 30.000 đồng/lítĐề nghị xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng
Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu vào chiều ngày 14/3. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn thông tin, trong 2 tuần qua giá dầu trên thế giới đã có thời điểm tăng đột biến. Tuy nhiên, sau 2 tuần giá đã có dấu hiệu chững lại.
Nhưng với những diễn biến khó lường về chính trị trên thế giới, nhiều tổ chức đều nhận định giá dầu có thể tiếp tục giữ mức cao từ 110-130 USD/thùng trong giai đoạn tới, thậm chí không loại trừ khả năng giá dầu tăng cao lên mức 150 USD/thùng.
Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu trong nước đang bị ảnh hưởng bởi nguồn cung nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp.
Đồng thời sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sự thay đổi không tích cực về giá trong thời gian qua diễn ra quá nhanh và nằm ngoài dự đoán. Đặc biệt là tốc độ leo thang về giá của mặt hàng xăng dầu. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các bộ ngành, địa phương trong việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động từ 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động trên 20 - 39%.
Trước đó, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để tăng nguồn cung trong quý II năm nay. Do đó, nếu không có diễn biến quá bất thường thì nguồn cung xăng dầu vẫn được đảm bảo. Đối với nguồn cung trong quý III/2022, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có các biện pháp phù hợp.
Xây dựng các kịch bản ứng phó
Kết thúc buổi họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo về điều hành giá, tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đối với giá cả xăng dầu thế giới và các mặt hàng thiết yếu, qua đó đánh giá các tác động đối với thị trường trong nước để đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
Đối với điều hành giá xăng dầu, đây là mặt hàng thực hiện bình ổn giá, có Quỹ bình ổn, nhưng trong thời gian qua đã chi ra để kìm tốc độ tăng giá xăng dầu nhiều nên dư địa để điều chỉnh không còn.
Trên cơ sở đề xuất của liên bộ Tài chính, Công Thương, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ 1/4.
Như vậy, nếu quyết định này được thông qua, từ nay đến cuối năm giá xăng dầu trong nước sẽ có khả năng thấp hơn giá của các nước xung quanh. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.