3 tháng cuối năm, khởi công loạt dự án giao thông đường bộ, hàng không trọng điểm
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh đầu tư loạt dự án vào Việt Nam Hàng loạt dự án truyền tải nhập khẩu điện gặp nhiều khó khănBa dự án giao thông lớn của Hà Nội khởi công dịp cuối nămHoàn thành giải ngân 21.000 tỷ đồng trong quý IV
theo ndh.vn, tại Hội nghị giao ban quý III Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 27/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm nay ngành giao thông được Thủ tướng giao khối lượng vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay là 50.327 tỷ đồng nên khối lượng công việc rất lớn.
Tính đến hết tháng 9, ngành giao thông đã hoàn thành giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, 2.933 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 60,1% và 24.094 tỷ đồng vốn trong nước đạt 53%.
Kết quả giải ngân vốn trong 9 tháng của ngành giao thông vận tải cao hơn so với mức bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung của cả nước (47%).
Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch giải ngân đặt ra từ đầu năm, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải gấp rút tăng tốc tiến độ thi công, khởi công loạt dự án giao thông đường bộ, hàng không trọng điểm trong những tháng còn lại của năm 2022.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng, tương đương 46,3%. Trong quý IV, ngành giao thông phải hoàn thành giải ngân khoảng 21.000 tỷ đồng, tháng 1/2023 phải giải ngân xong 2.300 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải tập trung giải ngân 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với giá trị giải ngân khoảng 8.335 tỷ đồng, chủ yếu vốn giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng.
Các dự án ODA cũng cần giải ngân khoảng 2.780 tỷ đồng, tập trung ở các dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án trọng điểm Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP), dự án Xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP); dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay EDCF (giai đoạn I) và dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1 (Quảng Trị); tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang); tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc
Các dự án trọng điểm khác cũng cần giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng gồm: dự án nâng cấp cải tạo đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất; đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt cấp bách; dự án QL30 tuyến tránh Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Cuối tháng 12, khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đến cuối năm nay phải thông xe 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
“Thời tiết đã chuyển vào mùa khô, tất cả nhà thầu phải quyết tâm vượt khó, tổ chức thi công '3 ca, 4 kíp'. Tăng tốc tiến độ phải song hành với bảo đảm chất lượng dự án, phát huy hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đối với công tác thi công đất dự án sân bay Long Thành hiện đạt 15 - 16 triệu m3, tuy nhiên Bộ trưởng đánh giá vẫn chậm so với tiến độ yêu cầu. Theo đó, từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, các nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ công tác đất gồm 110 triệu m3 đất.
Bộ trưởng chỉ đạo: “Tính đến nay, 1.545 cọc khoan nhồi của toàn bộ nhà ga cũng đã hoàn thành. Các đơn vị cũng cần khẩn trương khởi công nhà ga vào cuối tháng 11. Đường băng sân bay Long Thành cũng phải được khởi công vào cuối năm 2022”.
Đối với công trình nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng yêu cầu không chậm trễ thêm, phải khởi công vào đầu tháng 10 năm nay.
Ban Quản lý dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được đánh giá cao vì bám sát tốt tiến độ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này tiếp tục thực hiện đúng lộ trình đến ngày 31/10 phải xong thiết kế dự án, chậm nhất đến ngày 15/11 phê duyệt toàn bộ dự toán của dự án và sẵn sàng khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần vào cuối tháng 12 theo yêu cầu của Chính phủ.