1 - 2 ngày nữa sẽ có văn bản chính thức về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Những lực cản “bủa vây” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hộiGói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện như thế nào?Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Cần lưu ý các dự án ở giai đoạn “nước rút”Tín dụng tăng 11,7% so với cùng kỳ
Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến thời điểm ngày 28/3/2023, tín dụng tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 2023, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Trong quý đầu tiên của năm, lãi suất điều hành ổn định.
Ông Đào Minh Tú cho rằng nhu cầu tín dụng của một số doanh nghiệp, lĩnh vực chững lại vì gặp khó khăn. Quý I trùng với thời điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán nên một số dự án và việc giải ngân thường không cao. Tuy nhiên, những con số này đã phản ánh một phần thực trạng khó khăn hiện tại của doanh nghiệp hiện nay.
Về điều hành, trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành kịp thời về lãi suất cũng như hạn mức tín dụng.
“Tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, chúng tôi tính toán tín dụng trong năm nay vẫn tăng khoảng 14-15%. Room tín dụng không còn là vấn đề. Hiện câu chuyện tín dụng lúc này là điều kiện vay vốn, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú nói.
Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các cuộc đối thoại với các ngành, doanh nghiệp tại những hội nghị lớn, nhỏ, có chuyên đề, nhằm tìm ra những khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều địa phương thông qua hội nghị này để xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Dù chưa đạt kỳ vọng nhưng Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai tích cực với trách nhiệm cao nhất. Trong thời gian qua, việc triển khai để đảm bảo an toàn hệ thống rất được quan tâm, nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng lớn trên thế giới rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
1-2 ngày nữa sẽ có văn bản về gói tín dụng 120.000 tỷ
Thông tin thêm tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ có cuộc họp thống nhất giữa 4 ngân hàng thương mại quốc doanh về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 1,5 cho các chủ đầu tư bất động sản thuộc lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và giảm lãi suất 2% cho người mua nhà.
"Mỗi người chỉ được vay 1 lần để đảm bảo sự công bằng và tránh trục lợi. Chậm lắm chỉ 1-2 ngày nữa chúng tôi sẽ có sự thống nhất để triển khai với các Bộ, ngành liên quan", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Trong 1-2 ngày tới sẽ có văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ này, để có hướng dẫn cho vay thống nhất ở cả 4 ngân hàng.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, đối tượng vay gói 120.000 tỷ là người mua nhà, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Khách hàng muốn vay từ gói tín dụng này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại. Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng, nhưng không quá thời hạn 31/12/2023. Dự kiến lãi suất cho vay của gói tín dụng này là 8,2 - 8.7%/năm, thời gian áp dụng đối với chủ đầu tư là 3 năm và đối với người mua nhà là 5 năm.
Liên quan đến nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với bất động sản, các khó khăn, vướng mắc trong tín dụng nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản…
Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất tiền gửi để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Do đó, kể từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, ngân hàng thương mại có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Vào ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay. Giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình.
Ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.