Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện như thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Người dân có dễ mua nhà hơn nhờ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng? Hé lộ thời điểm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân Làm sao để gói tín dụng "bơm" vào thị trường bất động sản được hiệu quả?Hoàn thiện đề án 1 triệu nhà ở xã hội
Theo Dân trí, Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội.
Những nội dung trong Luật Nhà ở sửa đổi nhằm tháo gỡ tổng thể, đồng bộ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng hiện đang được Quốc hội xem xét. Trong thời gian đó, Chính phủ đã xây dựng và trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để nhanh chóng tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Hiện những vướng mắc đang cần được tháo gỡ gồm vấn đề giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội…
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện và ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” nhằm tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội và tăng nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người có thu nhập thấp nhưng có mong muốn mua nhà ở xã hội.
Việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một trong những hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.
Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 12% nhu cầu vốn đề thúc đẩy mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Nghị quyết 33, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng này để chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Trong đó, chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank.
Gói tín dụng này sẽ dành cho chủ đầu tư, người mua nhà cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng thương mại nêu trên và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xác định danh mục dự án, đối tượng và điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này.
Về phía Bộ Xây dựng, được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể cho vay dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo và xây dựng chung cư cũ với lãi suất ưu đãi so với lãi suất thị trường.
Các chuyên gia nhận định việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai gói tín dụng trên là một nỗ lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dư nợ cho vay bất động sản trong năm 2022 ghi nhận tăng trưởng lên tới 24% - gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Ước tính dư nợ cho vay bất động sản hiện chiếm tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế. Như vậy, cứ 5 đồng bỏ ra thì đã có 1 đồng vào bất động sản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, chủ trương đưa gói 120.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết vào Nghị quyết là rất tốt. Gói hỗ trợ này là giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ và các ngân hàng có thể thực hiện ngay để giúp đỡ thị trường bất động sản đang gặp khó.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là “liều thuốc bổ” có giá trị đối với thị trường. Tuy nhiên, cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
Bởi nếu gói tín dụng này nhanh chóng triển khai, triển khai thực chất và đúng đối tượng sẽ giúp thị trường bất động sản "ấm" lên, giảm bớt phần nào thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản trên thị trường khi tham gia xây dựng các dự án thuộc phân khúc này. Từ đó, sẽ kéo vực dậy các phân khúc bất động sản khác.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lãi suất cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không cố định mà chỉ thấp hơn lãi suất thị trường. Do đó các doanh nghiệp cần lưu ý, nếu lựa chọn nhà ở xã hội thì cần lưu ý đến nhiều vấn đề còn tồn tại khi phát triển phân khúc này vẫn chưa được tháo gỡ.