Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu
BÀI LIÊN QUAN
Không bị ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, đường bay châu Âu của Việt Nam hoạt động bình thường Chỉ số thị trường chứng khoán Nga lao dốc 45% sau tuyên bố tấn công UkraineBitcoin vuột khỏi "ngôi vương" sau khi mâu thuẫn giữa Nga - Ukraine bùng nổGián đoạn chuỗi cung ứng
Ngày 24/2/2022 đã trở thành một ngày đáng nhớ với người dân Ukraine và châu Âu cũng như toàn thế giới khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự nhắm vào miền Đông của Ukraine. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine mà đằng sau là Mỹ, Nato với Nga đã đẩy khu vực này vào cuộc xung đột lớn nhất trong vòng nhiều năm qua. Quyết định mở chiến dịch quân sự vào Ukraine của Nga diễn ra chỉ sau vài ngày kể từ khi Nga công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk – hai khu vực ly khai khỏi Ukraine.
Ngay lập tức, trong ngày 24/2, thị trường tài chính quốc tế đã có phản ứng với động thái này của Nga. Theo đó, giá dầu Brent lần đầu tiên vượt qua con số 100 USD/ thùng, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Giá dầu WTI cũng vọt lên 97 USD/ thùng. Việc giá dầu tăng cao được nhận định có lợi cho các nhà xuất khẩu dầu, nhưng các nền kinh tế nhỏ và người dân lại chịu ảnh hưởng lớn. Chi tiêu sẽ bị thắt chặt trong từng gia đình hơn.
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, không chỉ năng lượng bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine, các lĩnh vực khác như kim loại và lương thực sẽ nối tiếp giá dầu leo thang. Lý do là bởi hai quốc gia này là nguồn cung chính với châu Âu cũng như thế giới về lúa mì, lúa mạch, đồng, niken…
Chuỗi cung ứng lương thực đang bị đẩy vào tình huống xấu. Bởi bên cạnh xung đột, các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp… đã tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga cũng như các doanh nghiệp của nước này, làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nỗi lo an ninh lương thực
Nỗi lo về việc thiếu hụt lương thực là rất có cơ sở. Hiện nay, Ukraine là đất nước cung cấp lúa mì, lúa mạch cho hầu hết các nước thuộc châu Âu. Đồng thời, Ukraine cũng là nhà cung cấp ngô hàng đầu cho EU. Theo các chuyên gia, hiện còn tới vài tháng nữa mới bắt đầu vụ thu hoạch, nguy cơ về thiếu hụt bánh mì, giá cả hàng hóa tăng cao là rất rõ ràng vào mùa thu tới.
Ngoài Liên minh châu Âu, các nước tại châu Phi, Trung Đông cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine – Nga khi họ phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì, lúa mạch, ngô từ Ukraine.
Chủ tịch Hiệp hội Nguồn cung ứng toàn cầu, Dawn Tiura cho biết, từ năm 2021, Ukraine đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất vào Trung Quốc. Gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực vì thế sẽ còn lan rộng hơn những gì đang xảy ra hiện nay.
Ngay lập tức, giá ngô giao trong tương lai đã tăng 14,5 %, còn giá lúa mì tăng 12% trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ).
Chuyên gia cấp cao tại hãng tư vấn Kearny, Per Hong cho rằng, bên cạnh xung đột tại Ukraine, các chương trình kích cầu sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ khiến giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao trong thời gian tới. “Giá thực phẩm sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các khu vực nông nghiệp quan trọng của Ukraine bị tàn phá bởi cuộc xung đột này”, Per Hong nhận định.
Được biết, Nga và Ukraine đang nắm giữ gần 30% thị trường xuất khẩu lúa mì của thế giới. Đồng thời, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên, dầu lớn nhất cho EU. Do đó, lĩnh vực phân bón cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi các hoạt động sản xuất phân bón của châu Âu đang sử dụng nhiều năng lượng được nhập khẩu từ Nga, góp phần đẩy giá lương thực tăng cao.
Nguồn cung kim loại và nguyên liệu cũng chịu ảnh hưởng
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nguồn cung ứng toàn cầu, ông Tiura, thời gian qua, Ukraine là một nhà cung cấp lớn trong lĩnh vực nguyên liệu thô, hóa mỹ phẩm và máy móc. Đất nước này đã cải thiện được tình hình kinh tế, kim ngạch xuất khẩu tăng dần, bao gồm khoáng chất và các kim loại phục vụ cho công nghiệp chế tạo. Do đó, giá hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng cao khi tỷ giá đồng nội tệ Ukraine sụt giảm do xung đột với Nga.
Ở phía bên kia, Nga nắm giữ tới 10% trữ lượng đồng của toàn thế giới. Đất nước rộng lớn nhất toàn cầu cũng là nhà sản xuất niken, bạch kim hàng đầu. Đây là hai nguyên liệu thô cực kỳ quan trọng trong các lĩnh vực thiết yếu như: pin, sản xuất linh kiện điện tử, động cơ, máy móc, xây dựng…
Các quốc gia chịu tác động từ xung đột Nga – Ukraine
Đầu tiên khi nhắc tới “dư chấn” của cuộc xung đột Nga – Ukraine, Liên minh châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế - chính trị.
Do phải phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của châu Âu được dự báo sẽ khó khăn hơn khi giá năng lượng lao thang, trong khi mùa đông đang đến gần.
Trong Liên minh châu Âu, Đức được xem là quốc gia chịu tác động lớn nhất từ cuộc xung đột này. Hiện nguồn cung khí đốt của Đức hầu hết đều phụ thuộc vào Nga.
Theo CEO của hãng Supply Wisdom, doanh nghiệp về phân tích rủi ro chuỗi cung ứng, ông Atul Vashistha cho rằng các nhà máy tại Đức có thể đối mặt với nguy cơ đóng cửa, tạm dừng sản xuất, hoặc chuyển hoạt động sang các nước có điều kiện chính trị, kinh tế ổn định hơn nếu cuộc xung đột kéo dài. Đức đã tạm dừng chấp thuận Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Đây là biện pháp phản đối việc Nga công nhận độc lập của 2 vùng ly khai tại Ukraine.
Nga không phải là một siêu cường kinh tế, có ảnh hưởng to lớn tới kinh tế toàn cầu, nhưng họ là một “Trạm xăng khổng lồ”. Do đó, những quốc gia phụ thuộc vào nó sẽ chịu ảnh hưởng, mặc dù không đồng đều.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm giữa châu Âu và châu Á sẽ chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực, hiện nước này nhập khẩu tới 70% lúa mì từ Nga, Ukraine. Trong khi đất nước này đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát lên tới 50%. Những người nghèo, người có thu nhập thấp sẽ chịu hậu quả nặng nề - theo giáo sư Ian Goldin tại Đại học Oxford.
Với Mỹ, vòng xoáy “lương tăng – giá tăng theo” cũng sẽ trở nên tiêu cực hơn khi giá năng lượng tăng cao, dẫn tới lạm phát vốn đã trầm trọng nhất trong vòng 40 năm qua lại có nguy cơ trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ dẫn tới các khủng hoảng kinh tế. Điều này khiến các quốc gia cần thiết xem xét lại cấu trúc kinh tế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.