WHO lựa chọn Việt Nam là quốc gia tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA
BÀI LIÊN QUAN
F0 khỏi bệnh khi đi khám hậu Covid-19 sẽ được BHYT chi trả bao nhiêu?Những thủ tục cần thiết để nhận tiền hỗ trợ từ Bảo hiểm xã hội dành cho F0 điều trị tại nhà5 sai lầm hầu hết F0 đều mắc phải: Cứ xông nhiều là tốt?Cuộc họp báo ngày 23/2/2022 diễn ra tại Geneva, WHO công bố thêm 5 quốc gia được lựa chọn để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA theo sáng kiến Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA của WHO thành lập tại Nam Phi.
Năm quốc gia được WHO lựa chọn là Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia. Đây là các quốc gia có đủ điều kiện, năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tiếp nhận hỗ trợ đào tạo để chuyển sang giai đoạn sản xuất vắc-xin nhanh chóng.
Trước đó, đã có sáu quốc gia tại châu Phi được tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Đó là Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tunisia. Bên cạnh đó là 2 quốc gia thuộc Mỹ Latinh là Argentina và Brazil.
Cũng tại buổi họp báo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất sinh phẩm toàn cầu đặt tại Hàn Quốc. Trung tâm này có sự hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc và sự phối hợp của Học viện WHO (trụ sở tại Lyon, Pháp).
Trung tâm này sẽ chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn cho các công ty dược phẩm thuộc các nước có thu nhập trung bình và thấp. Nhằm hỗ trợ các quốc gia này tự sản xuất được các loại sinh phẩm trong nước. Trong đó có insulin, kháng thể đơn dòng, các phương pháp điều trị ung thư, vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA, đặc biệt là vắc-xin phòng Covid-19.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tham dự và phát biểu trực tuyến, nhấn mạnh: “Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vắc-xin trong nhiều thập kỷ qua. Hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin quốc gia của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia sáng kiến này Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin mRNA trên quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin”.
Công nghệ vắc-xin mRNA là công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc-xin an toàn và hiệu quả cao phòng Covid-19 như Moderna, Pfizer, đồng thời cho phép cập nhật với các biến chủng mới và sản xuất với số lượng lớn. Vì vậy việc chuyển giao công nghệ từ WHO cho các quốc gia không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch Covid-19 mà còn giúp các nước này chủ động ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh khác trong tương lai.
Việc có tên trong danh sách được nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và khả năng sản xuất vắc-xin với quy mô lớn, chất lượng cao. Từ đó giúp Việt Nam có các điều kiện để được tiếp nhận sự hỗ trợ từ phía WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vắc-xin mRNA phòng Covid-19 và các loại bệnh khác sẽ xuất hiện trong tương lai. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường năng lực sản xuất vắc-xin của Việt Nam cũng như khu vực. Góp phần đảm bảo an ninh y tế của Việt Nam nói riêng và của khu vực nói chung.
Về phía WHO, tổ chức này khẳng định nỗ lực hỗ trợ các nước quan tâm đến trung tâm chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA. Trong đó, sẽ ưu tiên các nước có thu nhập thấp và trung bình không có công nghệ mRNA nhưng có cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất sinh phẩm. Dự kiến từ tháng 3/2022, WHO sẽ bắt đầu hỗ trợ xây dựng kế hoạch, cung cấp đào tạo, tập huấn chuyên môn cho các quốc gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA.