meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Vướng luật, hàng trăm nghìn tỉ đồng đổ vào bất động sản du lịch “mắc kẹt”

Thứ năm, 12/05/2022-07:05
Điểm nghẽn của thị trường bất động sản du lịch là các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ, đã khiến hàng trăm nghìn tỉ đồng đang “mắc kẹt”. Vì vậy, theo giới chuyên gia cần phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên cũng như nên có định danh chính thức các loại hình bất động sản du lịch.

Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2021 nhiều khó khăn khi hứng chịu tác động bất lợi kép của đại dịch Covid-19 cũng như những vướng mắc liên quan đến pháp lý (Ảnh minh họa)
Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2021 nhiều khó khăn khi hứng chịu tác động bất lợi kép của đại dịch Covid-19 cũng như những vướng mắc liên quan đến pháp lý (Ảnh minh họa)

Hàng trăm nghìn tỉ đồng “đóng băng”

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) về thị trường bất động sản du lịch cho thấy, đến tháng 9/2021, có 239 dự án liên quan bất động sản du lịch.

Cụ thể, nhiều dự án này nằm tại  các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà), Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).

Trong đó, căn hộ du lịch (condotel) là hơn 114.097, ước tính giá trị 297.128 tỉ đồng; 24.399 villa, ước tính giá trị 243.990 tỉ đồng; 30.899 shophouse, ước tính giá trị 154.245 tỉ đồng. Tổng số 3 sản phẩm này là gần 170.000 căn với tổng giá trị khoảng 681.886 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thông tin, hiện có hàng trăm dự án dự án bất động sản du lich nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành, hàng trăm nghìn tỉ đồng của du lịch và nhà đầu tư đang “đóng băng”. Hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp (người mua các đơn vị dự án bất động sản du lich nghỉ dưỡng) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).


TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam

Theo ông Đính, nguyên nhân có một phần từ vướng mắc chính sách, đã tạo ra rào cản thu hút đầu tư phát triển. Các chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, đã và đang là điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của thị trường này.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, cần phải sớm có những giải pháp cấp bách và lâu dài để hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tháo gỡ cho nhà đầu tư và khơi thông nguồn lực phát triển cho thị trường này.

Ông Quyền cho rằng, cần phải tạo dựng được một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch Covid -19.

“Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư việc cấp bách trước mắt cần phải làm là sớm có giải pháp gỡ rối cho các dự án đã được đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng đang “mắc kẹt”, đặc biệt phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước”,  Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết thêm.

Cần sớm có khung pháp lý để “minh bạch” thị trường

Bình luận về các  vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật lĩnh vực bất động sản du lịch, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho hay, phân khúc bất động sản này dù mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đã đóng góp tương đương khoảng 21,3% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc.


TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia 
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia 

Vị chuyên gia này cho rằng, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch và các luật liên quan như: Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Du lịch...Việc vận dụng các quy định pháp lý của các lĩnh vực khác nhau dẫn tới việc thiếu nhất quán, đồng bộ trong áp dụng của các cơ quan nhà nước, địa phương đã gây ra sự lúng túng trong quá trình xử lý công việc.

Thế nên, TS. Lực đề xuất cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản du lịch như: Định danh chính thức các loại bất động sản du lịch trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng.

Theo chuyên gia này, cần phải giải quyết cấp bách những vướng mắc đang tồn tại, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thống nhất các địa phương cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản, chuyển nhượng cho nhà đầu tư theo đúng hồ sơ pháp lý mà doanh chủ đầu tư dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cấp trước đó. Trong khi chờ Luật đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản được sửa đổi (dự kiến 2023); cần sớm ban hành nghị định tháo gỡ những vướng mắc hiện nay đang gặp phải để khơi thông dòng chảy của thị trường này.


Vướng mắc pháp lý khiến thị trường bất động sản du lịch "đóng băng"
Vướng mắc pháp lý khiến thị trường bất động sản du lịch "đóng băng"

Còn TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM, cho biết: Mức độ quan tâm về đầu tư bất động sản du lịch giảm liên tiếp từ tháng 5 tới đầu tháng 9/2021, từ mức 100% xuống chỉ còn 30%. Tuy nhiên, đà giảm đã dừng kể từ giữa tháng 9 và có xu hướng tăng nhanh kể từ tuần cuối tháng 9/2021 tới nay, đạt mức 67% so với đỉnh tháng 3 năm 2021.

Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM, những thách thức mà đại dịch Covid -19 đặt ra đó là hành lang pháp lý điều chỉnh chuyên biệt về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.Để kích cầu đầu tư và đảm bảo sự an tâm cho người tiêu dùng trong thị trường vốn đa dạng và khá nhiều vụ việc phức tạp, pháp luật cần có những chính sách “ưu đãi” các doanh nghiệp về bất động sản, có cơ chế minh bạch trong đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch.

TS. Lê Trường Sơn phân tích: “Cần cấp quyền sở hữu cho loại hình BĐSDL nghỉ dưỡng để tạo hành lang pháp lý cụ thể và sự an tâm cho nhà đầu tư với các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình”.

PGS-TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng bộ môn Luật đất đai và kinh doanh bất động sản ĐH Luật Hà Nội nhận định, sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của hàng loạt dự án bất động sản du lịch thời gian qua đã để lại những hệ lụy cho thị trường bất động sản du lịch.

“Trong khi đó, pháp luật điều chỉnh đối với thị trường cũng bộc lộ nhiều khoảng trống. Nhiều vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, đang bị bỏ ngỏ, làm mất niềm tin của khách hàng, sự an toàn của các chủ thể tham gia thị trường không được đảm bảo”, bà Nga nói.

Trang Phan
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cần phải có hệ thống thông tin để minh bạch thị trường bất động sản

Có nên “ôm” bất động sản thanh lý của ngân hàng?

Làm sao để khắc phục lỗi quy hoạch Tố Hữu – Lê Văn Lương?

Luật Thuế đất đai sẽ giảm thiểu chung cư “tối đèn”, biệt thự xây thô “rêu phong cùng tuế nguyệt”

Cần sàng lọc nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản

Bẫy cọc - Người mua bất động sản nhất định phải biết

Thị trường bất động sản Rạch Giá bước vào giai đoạn tăng tốc

Đề xuất cấp sổ hồng căn hộ chung cư 50 năm là không phù hợp

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước