Vừa nói "chào chú", nạn nhân bị hàng xóm đâm chém liên tiếp: Nguyên nhân chỉ vì tranh chấp ngõ đi chung
BÀI LIÊN QUAN
Bị hàng xóm lên MXH nói xấu, tức mình xây tường bịt kín cổng và lối điCầm búa đập hàng xóm vì tranh chấp rãnh nước sát nhà: Nên xử lý thế nào?Sát hại hàng xóm vì 0,3m đất: Tranh chấp đất ranh giới giữa hai gia đình nên giải quyết thế nào?Truy sát hàng xóm vì tranh chấp ngõ đi chung
Ngày 22/2, ông Chỉnh (61 tuổi, huyện Thanh Trì) đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 19 năm tù về tội Giết người. Được biết, bị cáo có nhân thân xấu, từng 4 lần chịu án tù liên quan đến ma túy và trộm cắp trong giai đoạn 1995-2004.
Được biết, ông Chỉnh từng cắt một phần đất của mình cho người khác để cùng dùng chung ngõ đi. Đến năm 2020, anh Hà (30 tuổi) mua lại phần đất này, sau đó dọn về đây ở. Anh Hà được cấp sổ đỏ với diện tích là 56 m2. Cho rằng anh Hà đã lấn ngõ đi chung, ông Chỉnh đã sang nói chuyện nhưng không có kết quả.
Theo cáo trạng nêu rõ, đến trưa ngày 6/4/2021, bị cáo Chỉnh cầm một dao bầu, sau đó đứng ở đầu xóm để chờ anh Hà đi làm về. Khi vừa nhìn thấy nhau, anh Hà mới chỉ nói được câu “chào chú” đã bị ông Chỉnh đâm chém liên tiếp vào mạn sườn và tay phải. Hậu quả, nạn nhân bị tổn hại 75% sức khỏe.
Tuy nhiên, trong lời khai tại tòa, ông Chỉnh cho biết chính anh Hà là người thách thức và đe dọa. Cho rằng bản thân sớm muộn cũng bị anh Hà đánh nên ông Chỉnh thủ dao bầu ở trong người để phòng thân. Ngày xảy ra sự việc, ông Chỉnh bị anh Hà va xe vào người nên mới phản ứng và rút dao tấn công.
Bị cáo cũng phản đối cáo trạng, cho rằng bản thân chỉ “vung dao loạn, không cố ý giết ai” nên không phạm tội Giết người mà chỉ là tội Cố ý gây thương tích mà thôi. Thế nhưng theo anh Hà, bản thân anh chưa bao giờ đe dọa ông Chính. Ngày hôm đó, anh không va xe vào ông nhưng đối tượng vẫn tấn công, hô lớn “tao giết mày” đến khi anh được đưa đi cấp cứu mới thôi.
Theo HĐXX, hành vi của ông Chỉnh đã cố ý tước đi tính mạng người khác. Bên cạnh đó, việc nạn nhân không tử vong nằm ngoài mong muốn của bị cáo nên tuyên bị cáo Chỉnh phạm tội Giết người.
Hàng xóm lấn chiếm ngõ đi chung giải quyết thế nào?
Rất nhiều gia đình hiện nay đang thắc mắc về vấn đề: Hàng xóm lấn chiếm ngõ đi chung nên giải quyết thế nào? Thông thường, ngõ đi chung sẽ được các hộ gia đình liền kề sử dụng để kết nối với đường chính. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại lấn chiếm đất và tường rào, ảnh hưởng đến những người sử dụng ngõ đi chung đó.
Những quy định về ngõ đi chung giữa các hộ gia đình
Điều 254 BLDS 2015 có quy định về ngõ đi chung như sau:
Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc có thể yêu cầu chủ sở hữu khác dành cho mình một lối đi sao cho lối đi đó thuận tiện nhất, ít gây bất tiện, ít gây thiệt hại cho chủ bất động sản cho mở lối đi đó. Bên cạnh đó phải bồi thường cho chủ sở hữu có lối đi đó một số tiền về việc đã cho phép mở lối đi trên đất của họ.
Các bên tự thỏa thuận về việc mở lối đi chung. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai 2013 có đưa ra những hạn chế quyền sử dụng lối đi chung. Vì thế, để đảm bảo tốt nhất về quyền đối với lối đi chung, chủ sở hữu bất động sản nên thỏa thuận với chủ sở hữu bất động sản có lối đi về việc đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề.
Khi sử dụng lối đi qua bất động sản liền kề, người người sử dụng phải thực hiện thủ tục Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau khi xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề theo quy định tại (dựa theo Điểm i, khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013).
Làm gì khi hàng xóm lấn chiếm ngõ đi chung?
Trong trường hợp hàng xóm lấn chiếm ngõ, lối đi chung thì người dùng chung lối đi đó có thể thương lượng với người có hành vi lấn chiếm. Nếu thỏa thuận không thành, họ có thể nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
Tố cáo hành vi lấn chiếm
Khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định rõ:
Người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất thuộc lối đi chung, chúng ta có thể thực hiện thủ tục tố các hành vi nói trên tại UBND cấp xã giải quyết.
Hành vi trên đã vi phạm những quy định trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Yêu cầu UBND cấp xã giải quyết
Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định, với những tranh chấp về đất đai thì nhà nước khuyến khích việc các bên hòa giải. Nếu tranh chấp liên quan đến lấn chiếm ngõ đi chung, có thể nộp đơn yêu cầu UBND cấp xã tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, UBND xã phải tiến hành hòa giải và làm biên bản kết quả hòa giải theo quy định tại Điều 201 Luật Đất đai 2013.
Nếu hòa giải không thành, có thể lựa chọn các phương án sau:
Khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục TTDS;
Yêu cầu UBND cấp huyện nơi có tranh chấp giải quyết theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai.
Khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lấn chiếm đất thuộc phần ngõ đi chung
Theo quy định tại Nghị quyết 04/2017, với tranh chấp về người có quyền sử dụng đất và việc lấn chiếm ngõ đi chung phải tiến hành thủ tục hòa giải tại UBND mới đủ điều kiện để khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Theo quy định tại Điều 35, Điều 39 BLTTDS 2015 Đối với tranh chấp liên quan đến lấn chiếm lối đi chung, tòa án có thẩm quyền giải quyết vấn đề này là Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi có đất đang xảy ra tranh chấp.
Nếu việc lấn chiếm gây ra thiệt hại và chứng minh được thiệt hại, có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.
Trình tự thủ tục khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết được thực hiện như sau:
Nộp đơn khởi kiện
Tòa án thụ lý giải quyết
Tòa án xét xử sơ thẩm
Tòa án xét xử phúc thẩm nếu có kháng cáo kháng nghị.
Trên đây là những điều cần biết về tranh chấp ngõ đi chung. Hi vọng bài viết giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề, biết cách giải quyết phù hợp khi rơi vào trường hợp tương tự.