Vốn ngoại rầm rộ đổ bộ, giá thuê đất công nghiệp cả nước tăng nóng
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Muốn hút vốn FDI phải tạo ra sự khác biệtGiải pháp “đón dòng” vốn mới cho bất động sản công nghiệp Việt NamBất động sản công nghiệp: Tăng tốc để bắt kịp nguồn vốn mớiLàn sóng vốn FDI đổ bộ
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp năm 2022, ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù dịch bệnh khó khăn nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn FDI đến từ các nhà đầu tư ở châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022 đã có 10,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, trong đó, 5,29 tỷ USD là vốn đầu tư tăng thêm. Vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Nhận định về xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI của Việt Nam, bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, 5 năm trở lại đây, dòng vốn FDI đổ vào ngành sản xuất và bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ở Việt Nam tăng mạnh. Riêng lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ước tính hiện đang có 2 tỷ USD dòng vốn ngoại đổ vào các khu công nghiệp, logistics, kho bãi ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư ở châu Á và châu Âu. Vừa qua, Tập đoàn Samsung đã công bố đầu tư lũy kế vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD tính đến hết năm 2021. Quy mô của gói vốn đầu tư này đã tạo dựng niềm tin mạnh mẽ trong mắt các nhà đầu tư thế giới về sự phát điển ổn định, bền vững của thị trường Việt Nam.
Bà Trang cho biết, khi lập bản đồ theo dõi dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam, bà nhận thấy có rất nhiều nguồn vốn đến từ Singapore, Mỹ. Đặc biệt ở châu Á, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc rất yêu thích thị trường Việt Nam. Với Hiệp định thương mại tự do châu Âu, dự kiến sẽ có thêm hàng tỷ USD được đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư đang đóng ở Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để mở rộng diện tích sản xuất và thay đổi môi trường kinh doanh.
Theo bà Trang, Việt Nam đang lọt “tầm ngắm” cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ có môi trường kinh doanh tốt, đồng tiền Việt ổn định hơn các đồng tiền Thái, Indonesia. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại (FTA) đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế, trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất, từ đó sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp phát triển.
Giá thuê đất công nghiệp tăng nóng
Theo thông tin của Cushman Wakefield chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022, nhờ việc đón làn sóng đầu tư FDI mới sau khi mở cửa nền kinh tế, nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh. Điều này kéo mức giá cho thuê đất công nghiệp của cả nước đồng loạt tăng cao.
Tại thị trường miền Nam, đất công nghiệp cho thuê ở TP. Hồ Chí Minh đang giữ mức giá cao nhất khu vực và cả nước, xấp xỉ chạm mức 200 USD/m2. Các tỉnh thủ phủ công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai đạt 135 USD/m2 cho một chu kỳ thuê.
Các tỉnh thủ phủ công nghiệp miền Nam đang đón một nguồn cầu lớn về kho bãi, nhà xưởng xây sẵn để phục vụ cho các khu công nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập. Nơi đây tập trung số lượng lớn các nhóm ngành như dệt may, nhựa, cao su,...
Tại thị trường miền Bắc, mặt bằng giá thuê đất công nghiệp đạt 109 USD/m2 cho một chu kỳ thuê. Hà Nội đang dẫn đầu ở mức giá thuê với 139,9 USD/m2. Các tỉnh thủ phủ công nghiệp như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh có mức giá thuê lần lượt là 90, 95, 110, 118 USD/m2 cho một chu kỳ thuê.
Các tỉnh thủ phủ công nghiệp miền Bắc đang được các nhà sản xuất có nhu cầu mở rộng công xưởng ở bên ngoài Trung Quốc săn đón nhờ vị trí thuận lợi. Hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp miền Bắc trung bình đã đạt mức 80%.
Kém cạnh hơn thị trường miền Bắc và miền Nam nhưng mặt bằng giá thuê đất công nghiệp ở khu vực miền Trung đạt khoảng 34 USD/m2 cho một chu kỳ thuê. Trong đó, Đà Nẵng đang dẫn đầu khu vực về mức giá cho thuê, khoảng 80 USD/m2.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở miền Trung không cao, tại các thủ phủ công nghiệp của khu vực như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định chỉ đạt tỷ lệ lấy đầy 67%. Các nhóm ngành công nghiệp chủ chốt ở khu vực này gồm: chế biến thực phẩm, dầu khí, giày dép, dệt may, kim loại, gỗ và đồ nội thất.
Trước đó, báo cáo cáo quý I/2022 của Colliers Việt Nam cho biết, giá thuê đất công nghiệp ở khu vực miền Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất của nước, luôn đạt mức 8-9% một năm. Trong đó, Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang trở thành điểm nóng thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp nhờ việc còn quỹ đất và tiềm năng tăng trưởng tốt.
Nhận định về giá thuê đất công nghiệp trong thời gian tới, bà Trang Bùi cho biết, Việt Nam đang có sự chuyển đổi và phát triển nhanh về bất động sản công nghiệp. Hiện 60% kho bãi truyền thống đã chuyển sang bất động sản hạng A, ngoài ra còn có sự xuất hiện của bất động sản tích hợp.
Với những xu hướng chuyển dịch tích cực, bà Trang dự báo, giá thuê đất công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hồ Chí Minh, Bình Dương sẽ còn tăng mạnh khi quỹ đất ở những khu vực này không còn nhiều để phát triển các dự án mới. Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 40.000 ha đất khu công nghiệp, các kho bãi mới, chất lượng cao cũng sẽ nhanh chóng được hình thành.