VinaCapital dự báo GDP của Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2024
Theo Cuộc Sống Kinh Doanh, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, tập đoàn VinaCapital - Michael Kokalari đã đề cập về nhận định trên trong báo cáo về những điểm nổi bật về kinh tế Việt Nam.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn cùng sự phát triển kinh tế ngắn hạn được VinaCapital nhận định sẽ gây ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Loạt biến động trong tốc độ tăng trưởng GDP thông thường sẽ là một diễn biến kinh tế ngắn hạn quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán, bởi sự tăng trưởng GDP sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của phía doanh nghiệp.
Chuyên gia của VinaCapital dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại từ 8% năm 2022, xuống 4,7% vào năm 2023 vì 3 nguyên nhân chính.
Một là xuất khẩu và sản xuất giảm mạnh vào năm nay vì nhu cầu về những sản phẩm “Made in Vietnam” giảm. Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023. Nguyên nhân vì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đã giảm gần 20%.
Hai là tăng trưởng tiêu dùng trong nước không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ (không bao gồm chi tiêu của khách du lịch), trong khi tốc độ tăng trưởng thông thường từ 8 - 9% trước dịch Covid. Tâm lý thị trường bị ảnh hưởng vì loạt thách thức đang diễn ra trên thị trường BĐS như được thảo luận dưới đây và do xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh, dẫn tới bối cảnh một số nhà máy FDI phải cắt giảm lao động.
Ba là lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 phục hồi khoảng 70% so với mức trước dịch. Điều này cũng giúp cho sự tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vì du lịch nước ngoài vốn đã góp khoảng 10% GDP trước đây. Tuy nhiên, năm ngoái gần như không có đóng góp gì cho kinh tế Việt Nam.
“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam từ mức không tăng trưởng năm 2023 lên tăng trưởng 8-9% vào năm 2024 – so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước COVID” - Michael Kokalari nói.
Chuyên gia VinaCapital lạc quan về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 nhờ sản xuất là từ việc phân tích nguyên nhân dẫn tới các vấn đề của ngành sản xuất năm 2023: Các nhà bán lẻ và công ty tiêu dùng Mỹ đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022.
Các công ty này đặt hàng nhiều quá mức trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid - 19 vào năm 2021 và kỳ vọng bùng nổ chi tiêu hậu đại dịch đã không diễn ra như kỳ vọng.
Thực tế, người tiêu dùng đã chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Vì vậy, các công ty ở Mỹ phải giải quyết hàng tồn kho vào năm 2023, mức tồn kho sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua.
Đây cũng là yếu tố chính dẫn tới sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam năm 2023. Nhưng theo nhiều dữ liệu, hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn vị sản xuất của Việt Nam dần phục hồi lại.
Bất động sản là một nguyên nhân làm giảm tăng trưởng GDP
Thị trường TP. HCM và Hà Nội ghi nhận lượng rao bán BĐS giảm khoảng 50% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023, trong khi lượng mua nhà mới tại Trung Quốc giảm 10% so với cùng kỳ, sau khi giảm 25% vào năm ngoái.
Nhiều lo ngại về việc Việt Nam đang phải gánh những hậu quả của bong bóng BĐS, điều này sẽ gây cản trở tăng trưởng kinh tế đất nước trong những năm tới.
Nhưng theo ông Michael Kokalari, tình hình thị trường BĐS Việt Nam hiện rất khác so với Trung Quốc - nơi có lượng cung nhà trống quá lớn. Về cơ bản, thị trường địa ốc Việt Nam vẫn đang ở mức bình ổn, dù phải chịu một loạt khó khăn ngắn hạn khá nghiêm trọng.
Vị chuyên gia cũng đề cập rằng, Trung Quốc vừa trải qua một chu kỳ “bùng nổ và vỡ” thường thấy của bất động sản. Cụ thể, các ngân hàng cho vay quá mức vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường, đẩy giá nhà lên cao, dẫn tới dư thừa nguồn cung. Tương tự, Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn bong bóng bùng nổ và khủng hoảng BĐS khiến tình hình kinh tế chạm đáy vào năm 2012. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, Việt Nam chưa phải trải qua bất kỳ một cuộc khủng hoảng vỡ bong bóng BĐS nào nữa.
Bên cạnh đó, với tình hình hiện tại, đây không phải hậu quả mà bong bóng BĐS để lại. Điều này được chứng minh bởi tỷ lệ nhà đất trông thực tế trên thị trường vẫn còn khiêm tốn và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn không đáp ứng đủ số lượng nhà mới so với nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu. Đối tượng này yêu cầu về những căn hộ không quá đắt tiền, tức là những căn hộ có giá khoảng 1.500 USD/m2 phục vụ nhu cầu ở thực.
Khó khăn trước mắt của các chủ đầu tư khi muốn xây dựng thêm chung cư, nhà ở là quy trình phê duyệt và quy hoạch khắt khe của Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây. Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc cũng cần được hỗ trợ thêm về tài chính cho các hoạt động thu mua đất/quỹ đất và xây dựng dự án. Việc này cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án nhà ở.
Chưa kể, lãi suất tại Việt Nam rất cao, khiến các chủ đầu tư gặp khó trong việc tiếp tục triển khai dự án. Việc các chủ đầu tư khó khăn ở khâu phê duyệt cũng như quy hoạch đã làm ảnh hưởng nhiều tới vấn đề vay vốn, bởi các ngân hàng không hỗ trợ cho vay dự án không có sự phê duyệt của các cơ quan quản lý.
Theo nhìn nhận của ông Michael Kokalari, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong việc giảm bớt trở ngại cho các nhà phát triển BĐS khi xin phê duyệt cần thiết để tiến hành dự án. Sự nỗ lực này một phần xuất phát từ việc hoạt động phát triển BĐS tại Việt Nam chậm lại, làm ảnh hưởng tới tâm lý của người mua nhà, điều này cũng tạo sức ép đến việc chi tiêu của người dân.
Thực tế, phát triển BĐS chỉ đóng góp một phần nhỏ vào GDP của Việt Nam. Do đó, ông Michael Kokalari đánh giá: Lĩnh vực phát triển BĐS chậm không phải yếu tố chính làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023; Lĩnh vực BĐS trì trệ ít tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn so với Trung Quốc, vì phát triển BĐS đã chiếm phần lớn trong nền kinh tế của họ.
Năm 2024, xuất khẩu và sản xuất sẽ trở lại mạnh mẽ
Theo báo cáo của VinaCapital, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có vẻ đang hướng tới việc duy trì tỷ giá USD-VND ở mức ổn định nhằm thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, có lợi cho việc ổn định tăng trưởng GDP và thu hút vốn FDI.
Báo cáo nêu, những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể đang hướng đến việc duy trì tỷ giá USD - VND ở mức ổn định nhằm thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô bình ổn, có lợi cho việc ổn định tăng trưởng GDP và giúp thu hút dòng vốn FDI. Ngân hàng Nhà nước luôn cố giữ tỷ giá USD - VND biến động không quá 2 - 3%/năm. Với sự giám sát chặt về thị trường tiền tệ và ngoại hối như vậy, có thể thấy khi đạt tới ngưỡng nhất định thì NHNN nhiều khả năng đưa ra quyết định duy trì sự ổn định.
Cuối năm ngoái, giá trị USD/DXY Index tăng khoảng 20% so với đầu năm, buộc NHNN tăng lãi suất vào thời điểm đó với mục đích ổn định đồng tiền VND, trong bối cảnh lạm phát chỉ ở ngưỡng 3%. Hành động này của NHNN giúp hạn chế đồng VND mất giá ở mức 3% vào năm 2022.
Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá chậm vì những lý do nêu trên, dẫn tới việc NHNN phải mạnh tay hạ lãi suất. Việc giảm lãi suất liên tục là nhờ tỷ giá USD-VND ổn định trong 6 tháng đầu năm 2023, phần lớn nhờ thặng dư thương mại của Việt Nam tăng cao, đạt khoảng 7% GDP.
Theo ông Michael Kokalari, trong ngắn hạn, một số vấn đề liên quan tới sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của Việt Nam, do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và việc các công ty nước này giảm lượng hàng tồn kho khiến nhu cầu hàng hóa “Made in Vietnam” giảm mạnh. Song, VinaCapital cũng dự báo về về sự phục hồi trở lại của xuất khẩu và sản xuất trong năm tới.