Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI chất lượng cao
BÀI LIÊN QUAN
Bình Dương dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư FDI trong 4 tháng đầu năm 2022Gần 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào “Đất cảng” Hải Phòng, cơ hội hay thách thức mới?Địa phương nào sẽ "hút" vốn FDI nhất trong năm 2022?Thu hút vốn FDI
Theo Kinh tế Đô thị, báo cáo của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2022 đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiến 18,2% và tăng 7,9%. Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức vốn đầu tư trực tiếp cao nhất của quý I trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong quý I/2022, số dự án cấp mới tăng 37,6%; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41,6%; số lượt dự án góp vốn, mua phần tương đương quý I/2021. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến an toàn và có những dự định tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt trong trạng thái bình thường mới, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp đang từng bước đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm khôi phục nền kinh tế.
Theo nhận định của quỹ ngoại Dragon Capital về bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam: "Các diễn biến bất ổn trên thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư trong xu thế khu vực hóa".
Nguyên nhân là do Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là cầu nối giữa hai khu vực kinh tế đông dân và năng động của thế giới là Trung Quốc và Đông Nam Á. Cùng với đó, việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do trong các năm qua đã giúp Việt Nam có những lợi thế khi thu hút dịch chuyển đầu tư, sản xuất. Quỹ ngoại này cho rằng nếu những lợi thế trên tiếp tục được duy trì thì trong vài năm tới mức tăng trưởng hàng năm của Việt Nam sẽ giao động từ 6,5% - 7%.
Bên cạnh đó, thời điểm này tiền đồng là một trong những đồng tiền mạnh nhất trong khu vực. Nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào 110 tỷ USD giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa để duy trì chính sách ổn định tỷ giá, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Đây đều là những nhân tố quyết định tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Dòng vốn FDI chất lượng cao
Theo Cục Đầu tư nước ngoài chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng. Theo đó, thực hiện loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng.
Tỷ lệ vốn FDI vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Dòng vốn FDI vào Việt Nam còn xuất hiện dự án chất lượng cao, xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
Vào cuối tuần qua, Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam của Samsung có giá trị 220 triệu USD đã hoàn thành xây dựng phần thô, tương ứng với tiến độ 70%.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết: "Samsung sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển R&D cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên người Việt dự kiến làm việc tại đây, đồng thời phát triển mở rộng sang lĩnh vực công nghệ cao là trọng tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo AI, cơ sở dữ liệu lớn Big Data, mạng 5G… Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển nói chung của Việt Nam".
Việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới của Samsung được coi là minh chứng cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam của công ty công nghệ hàng đầu Hàn Quốc này. Đồng thời thể hiện quyết tâm đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của Samsung tại khu vực Đông Nam Á.
Gần đây là dự án xây dựng nhà máy của công ty LEGO trị giá 1 tỷ USD cũng lựa chọn Việt Nam là “bến đỗ”. Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành LEGO cho biết, doanh nghiệp đã mất 2 năm để nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng các quốc gia trong khu vực trước khi đưa ra quyết định chọn Việt Nam.
“Tiêu chí đầu tiên, chúng tôi cho rằng kỹ năng tay nghề, tư duy và thái độ làm việc của người Việt Nam giúp chúng tôi gây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp. Việt Nam dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng từ 5 - 6% trong năm nay, với vị trí địa lý chiến lược cũng giúp chúng tôi chuyển các món đồ chơi của mình tới tay các em nhỏ trong khu vực một cách nhanh nhất”, ông Carsten Rasmussen.
Ngoài ra, sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô Việt Nam trở thành những yếu tố để LEGO truyền tải những thông điệp của doanh nghiệp này tới trẻ em thế hệ mai sau.
Giám đốc Vận hành, LEGO, nhận định: "Chắc chắn các bạn sẽ thấy một mạng lưới cung ứng ngay tại Việt Nam. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng nhà máy này sẽ đi vào vận hành trong năm 2024 và sẽ còn tiếp tục vận hành tại Việt Nam trong 50 - 100 năm nữa. Dù khi đó tôi chắc cũng chẳng còn, nhưng gia đình LEGO vẫn sẽ ở Việt Nam".
Trong thời gian tới nếu môi trường đầu tư tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài dự báo nguồn vốn FDI tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng ít nhất là 10% so với năm 2021.
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao về tăng trưởng của Việt Nam
Dòng vốn FDI được coi là một chỉ báo cho thấy mức độ hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đồng thời còn cho thấy khả năng phục hồi kinh tế ngoạn mục của nước ta sau “cơn bão” mang tên Covid-19 đã càn quét nền kinh tế cả thế giới phải chao đảo.
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam đã tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi Covid-19. Việt Nam có có vị trí tương đương với Nhật Bản, Singapore, Canada và Italy. Dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, thứ hạng này cho thấy động lực tăng trưởng đáng chú ý của Việt Nam.
"Nhìn chung khi xếp hạng tăng lên, có nghĩa là tình hình dịch bệnh dần vào tầm kiểm soát và đất nước có khả năng hồi phục kinh tế tốt hơn. Tỷ lệ tiêm chủng càng cao, càng có thể mở cửa kinh tế nhiều hơn. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 23 trên 121 nước về tỷ lệ tiêm chủng, điều đó khá là tốt và chúng tôi đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực kinh tế. Ví dụ, ngành vận tải hàng không Việt Nam vẫn mở rộng nhanh chóng trong bối cảnh dịch bệnh, mang lại vị thế quan trọng cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng hiện nay", chuyên gia báo chí dữ liệu của Nikkei Asia Review cho hay.
Theo các chuyên gia, một trong những điểm khiến Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến thu hút FDI chính là nhờ khả năng quản trị tốt của Chính phủ Việt Nam. Với việc Việt Nam thăng hạng 33 bậc trong bảng xếp hạng quản trị Chandler Index của Singapore.
“Việc hợp lý hóa quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tôi vẫn nhớ những ngày chúng tôi phải mang một xe tải giấy tờ cho hải quan mỗi khi chúng tôi cần xuất khẩu từ Việt Nam, giờ thì đã đơn giản hơn rất nhiều", ông Thomas Bo Pedersen, Giám đốc điều hành, Công ty Mascot tại Việt Nam và Lào, đánh giá.