Vì sao chính sách ưu đãi không thiếu nhưng doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vẫn “kêu trời”?
BÀI LIÊN QUAN
Nhà ở xã hội – phân khúc nhiều tiềm năng nhất năm 2023Cái khó của doanh nghiệp: Làm sao xây nhà ở xã hội khi lãi suất đang 14 - 15%/năm?Đầu năm, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành tập trung phát triển nhà ở xã hộiVướng mắc thủ tục, dòng vốn
Theo baodautu.vn, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành cho biết, lợi nhuận khi đầu tư làm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có sự khác biệt “một trời một vực”.
Mức chi phí và giá thành vật liệu xây dựng như hiện nay, nếu đầu tư làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm hết 5 năm, như vậy lợi nhuận mỗi năm chỉ khoảng 2%, đối với các doanh nghiệp thì “thà để ngân hàng còn lời nhiều hơn”. Với mức lợi nhuận này, nếu không thực sự tâm huyết thì không một doanh nghiệp nào muốn làm nhà ở xã hội.
“Đáng nói là khi chúng tôi đã làm thì lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục. Kiểu như mua dây buộc mình. Các doanh nghiệp khác, họ thấy vậy cũng sợ quá nên thà không làm nhà ở xã hội hoặc là làm rồi từ bỏ”, ông Nghĩa bày tỏ. Bên cạnh đó, vấn đề của nhà ở xã hội hiện nay là vướng mắc về luật. “Các quy định trong Luật do chính con người làm ra sao chúng ta không sửa?”, Giám đốc Công ty Lê Thành đặt câu hỏi.
Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai từ nửa năm nay tuy nhiên chưa có văn bản nào ban hành cụ thể. Cái doanh nghiệp cần là cần có sự cải cách về hành chính, đơn giản hóa thủ tục. Ông Nghĩa lấy ví dụ, cần phải quy định rõ khi doanh nghiệp hỏi nhưng trong 10 - 15 ngày mà không có câu trả lời từ cơ quan chức năng thì được xem như đồng thuận để doanh nghiệp triển khai. Trong thực tế không ít lần chỉ với một văn bản mà doanh nghiệp phải hỏi hết sở này tới sở khác mất 4 - 5 tháng không nhận được câu trả lời cuối cùng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với vướng mắc của doanh nghiệp, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, thể chế hiện nay còn khấp khểnh, thiếu đồng bộ, nặng xin cho… cần nhanh chóng giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vấn đề vốn cho bất động sản cũng là câu chuyện rất nóng hiện nay. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng bất động sản nhưng vẫn khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội. Nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn đang phải vay vốn với mức lãi suất cao tương đương với lãi vay đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Ông Nghĩa nói: “Chúng tôi phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm. Với mức lãi vay này, làm sao có thể khiến giá nhà ở xã hội giảm xuống?”.
Bên cạnh đó, cũng không có quy trình cho vay riêng dành cho dự án nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước quy định, hệ số rủi ro với khoản vay nhà ở xã hội chỉ 50% trong khi hệ số này áp dụng với dự án nhà ở thương mại lên tới 250%. “Mức chênh lệch lớn như vậy tại sao ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho chúng tôi?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Doanh nghiệp cần cơ chế
Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp làm nhà ở xã hội hiện nay là “bên trên trải thảm, bên dưới vẫn gặp khó” không còn là câu chuyện mới, nhưng để giải quyết thì vẫn rất khó. Mặc dù đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương gỡ khó cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khó vẫn hoàn khó. Mới đây, tại hội nghị tổng kết của Sở Xây dựng TP.HCM, trước câu hỏi về chương trình 18 nhà ở xã hội, lưu trú công nhân, 16 chung cư nguy hiểm cấp D (nguy hiểm, hư hỏng nặng)… khởi công khí thế nhưng kết quả lại không như mong đợi, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải thốt lên rằng: “Bị vướng rất nhiều”. Trên cơ sở đó, ông Cường kiến nghị Sở Xây dựng đánh giá lại các khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết, hiện đơn vị này đang có quỹ đất rộng gần 9.000m2, tại đây doanh nghiệp muốn xây dựng khoảng 1.700 căn hộ với mức giá bình quân 12 - 18 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dự án này đã qua hơn 300 ngày chưa chưa được địa phương duyệt chủ trương.
"Chúng tôi bỏ ra hơn 2.400 tỷ đồng đầu tư cho dự án này, đất thì đã có sổ đỏ, chỉ mong muốn xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng gặp muôn vàn khó khăn ngay ở khâu thủ tục. Đếm từng ngày chờ cơ quan chức năng", ông Đường giãi bày.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp làm các dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.
Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, thay vì bắt buộc các doanh nghiệp dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại là nhà ở xã hội thì trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cần xem xét quy định trách nhiệm thuộc về các địa phương. Trong đó có việc trích 10% tiền sử dụng đất để làm nhà ở xã hội cho thuê.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để làm nhà ở xã hội cho thuê.