VDSC: Triển vọng xuất khẩu trong năm 2023 tương đối bi quan
BÀI LIÊN QUAN
Ngành xuất khẩu Việt Nam liệu có thực sự hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại?Xuất khẩu cà phê vừa trải qua một năm bùng nổ, liệu năm 2023 có tiếp tục thuận lợi?Xuất khẩu dự báo sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và MỹTheo như báo cáo vừa công bố của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia phân tích tại đây cho biết, tháng 12/2022 đã khép lại bức tranh thương mại Việt Nam cùng với nhiều tín hiệu kém khả quan. Sau khi tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt ghi nhận 371,3 tỷ USD và 358,9 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng tương ứng là 10,5% và 7,8%.
So với năm 2021, mức tăng trưởng này đã thấp hơn đáng kể, tuy nhiên nó vẫn cao hơn mức tăng trưởng thương mại được ghi nhận trong giai đoạn 2019-2020. Theo đó, thặng dư thương mại của cả năm 2022 là 11,6 tỷ USD, con số này đã cao gấp 3 lần so với mức thặng dư thương mại được ghi nhận trong năm 2021. Trong đó, thặng dư thương mại của khối FDI đã ghi nhận mức cao kỷ lục, lên đến 39,7 tỷ USD. Ngoài ra, thâm hụt thương mại của khối doanh nghiệp trong năm qua cũng ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt 28,2 tỷ USD.
Tỷ trọng đóng góp của hàng điện tử trong năm 2022 đã giảm đáng kể
Theo Chứng khoán Rồng Việt, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chính yếu của Việt Nam trong năm 2022 không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, nếu như xét trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng đóng góp của nhóm hàng điện tử cũng đã giảm đáng kể. Bù lại, đóng góp của xuất khẩu máy móc thiết bị và những sản phẩm chế biến chế tạo khác đã gia tăng đáng kể về tỷ trọng.
Trong năm 2022, mặt hàng máy móc và thiết bị đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, so với cùng kỳ năm trước đã tăng trưởng 19,4%. Theo ngay phía sau là nhóm dệt may, giày dép và túi xách khi đã tăng 18,5% so với cùng kỳ. Tiếp đến là những sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo khác, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng 17,7%.
Điều đáng nói, xuất khẩu nhóm hàng điện tử lại ghi nhận mức tăng thấp nhất trong năm qua khi chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như xét về mức độ đóng góp, trụ cột của tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2022 thuộc về nhóm ngành dệt may, giày dép và túi xách; chủ yếu là nhờ sự phục hồi của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này hậu Covid-19.
Tuy nhiên, thực tế có thể thấy được, xuất khẩu của nhóm ngành dệt may, giày dép và túi xách đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong tháng 11 và tháng 12/2022. Đồng thời, sự suy yếu trong hoạt động xuất khẩu thời điểm hiện tại không loại trừ bất kỳ nhóm hàng nào. Thế nhưng, nếu như xét về mức độ sụt giảm phân hóa, sụt giảm mạnh nhất trong năm qua phải kể đến nhóm hàng điện tử và sắt thép. Ngoài ra, nhóm dệt may và máy móc thiết bị ghi nhận mức giảm vừa, trong khi suy giảm thấp nhất là nhóm nông lâm nghiệp thủy sản, gỗ và những sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo khác.
Xét về thị trường, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây đã mở rộng ở thị trường Mỹ cùng với ASEAN, đồng thời thu hẹp mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường phát triển ở Đông Á nha Hàn Quốc và Nhật Bản. Thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm đến 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc cao ở mức thứ hai ở mức 15,5%.
Nếu xét ở khía cạnh tăng trưởng, nhu cầu từ thị trường Nhật Bản trong năm 2022 ghi nhận mức cải thiện đáng kể nhất, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 20,4%. Tiếp đến là khu vực ASEAN với mức tăng 17,8% và EU với mức tăng là 16,5%. Trong năm 2022, 3 thị trường đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chính là Mỹ, EU và ASEAN.
Triển vọng xuất khẩu trong năm 2023 khá ảm đạm
Theo VDSC, năm 2023 chính là sự khởi đầu với nhiều dự cảm về một bức tranh ảm đạm đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Chỉ có một điểm sáng duy nhất đến từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, trở thành điểm tựa của tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn, ở mức 3,2%.
Với mức tăng trưởng được dự báo ở mức thấp cho những thị trường xuất khẩu chính cùng với sự phục hồi của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ Zero Covid và mở cửa trở lại vẫn còn nhiều bất định. Vì thế, các chuyên gia nhận định, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn khá ảm đạm. Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia của VDSC dự báo, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 sẽ ở mức dưới 5%. Thậm chí, VDSC cũng không loại trừ khả năng tăng trưởng âm trong năm 2023.
Dù bức tranh chung của năm 2023 không mấy tích cực, thế nhưng khối phân tích vẫn cho rằng có một số điểm tựa nhất định để có thể kỳ vọng về sự xoay chiều trong dự báo. Yếu tố thứ nhất đến từ việc vốn FDI giải ngân cho năm 2022 vẫn khá tốt và đạt 22,4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 15,1%. Đáng chú ý, FDI giải ngân cũng đã phục hồi sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm trong giai đoạn Covid-19, đồng thời cao hơn đáng kể nếu so sánh với sự tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2019 trước đó.
Yếu tố thứ hai đến từ tình trạng lạm phát trên toàn cầu trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh hơn so với kỳ vọng. Điều này là bước đệm quan trọng, giúp nhu cầu từ bên ngoài có được cơ hội phục hồi trong bối cảnh lạm phát đang giảm về mức thấp hơn so với năm 2022.
Ngoài ra, theo các chuyên gia của VDSC, yếu tố thứ ba là việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại nhanh hơn so với dự báo. Nhiều khả năng, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Đặc biệt, điều này có lẽ sẽ không nằm trong dự liệu của nhiều nhà phân tích. Thế nhưng, nhiều người tỏ ra lo ngại về việc hoạt động xuất khẩu sa sút cùng với việc người dân ngần ngại chi tiêu và các làn sóng Covid-19 hoành hành đã và đang đe dọa công cuộc phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023.
Trước đó, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê đã đưa ra nhiều phân tích về tác động của Trung Quốc mở cửa đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam. "Nếu chúng ta nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc trong khi EU, Mỹ không có nhu cầu mặt hàng dệt da, may mặc và các mặt hàng khác thì liệu chúng ta xuất khẩu được không? Và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại có thực sự mang lại làn gió mới đến nền kinh tế Việt Nam hay không?", ông cho biết.
Theo ông Lâm, năm 2023 sẽ vô cùng khó khăn, xuất khẩu vẫn sẽ là một trong những động lực xuất khẩu chính của tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, mặt hàng nông sản vẫn có nhiều cơ hội, không bị ảnh hưởng nhiều từ suy thoái kinh tế thế giới. Trong khi đó, các mặt hàng như dệt may và sản phẩm linh kiện, điện tử sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn.