Vẫn còn nhiều lo ngại rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Dự báo thị trường vẫn gặp khó dù tín dụng bất động sản tăng mạnhTiếp cận tín dụng bất động sản: Còn lắm gian nan“Thông” tín dụng bất động sản: Cần ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hộiNhu cầu tín dụng tăng cao ở trung và dài hạn
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhiều tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm và cao hơn so với cùng kỳ của các năm 2020 - 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19). Nhìn chung, các tổ chức nhận định trong năm 2022, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng cao hơn so với năm 2021 nhưng chưa đạt mức kỳ vọng.
“Dự báo tiếp tục “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023 đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn; trong đó dự báo nhu cầu tín dụng ngắn hạn “tăng” cao hơn trung và dài hạn; nhu cầu vay vốn VND tăng cao hơn ngoại tệ”, báo cáo kết quả điều tra nêu rõ.
Có 5 lĩnh vực được đánh giá có nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhất trong năm 2022 là Mua nhà để ở; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Đầu tư ngành dịch vụ logistics; Kinh doanh xuất, nhập khẩu; Đầu tư ngành vận tải, kho bãi. Trong đó, nhu cầu tín dụng đầu tư, kinh doanh du lịch được đánh giá đã phục hồi mạnh trở lại trong năm 2022.
Các tổ chức tín dụng dự báo, năm 2023, công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục là lĩnh vực có nhu cầu tăng nhiều nhất. Thứ hai là lĩnh vực xây dựng, trước đó tại kỳ điều tra tháng 6/2022, vị trí thứ 2 này thuộc về lĩnh vực mua nhà để ở. Thứ ba là lĩnh vực đầu tư vận tải kho bãi và kinh doanh xuất nhập khẩu.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm này trong 2022 và cả năm 2023, diễn biến tăng trưởng kinh tế; diễn biến lãi suất; cơ hội đầu tư, xuất, nhập khẩu thay đổi; thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của khách hàng, chất lượng phục vụ cải thiện; thay đổi lãi suất cho vay.
Đối với nhóm khách hàng cá nhân, bên cạnh các nhân tố trên, nhân tố được dự báo có tác động nhiều nhất đến sự gia tăng nhu cầu vay vốn của nhóm này trong năm 2022 và cả năm 2023 là nhân tố cải tiến sản phẩm cho vay của đơn vị.
Trong báo cáo kết quả điều tra chỉ ra, 3-6% tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu tín dụng suy giảm, điều này là do nhân tố diễn biến lãi suất và thị trường bất động sản. Kết quả này khác với năm 2021 khi nhân tố diễn biến tăng trưởng kinh tế và cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu thay đổi được nhiều tổ chức tín dụng nhận định tác động tiêu cực nhất đến nhu cầu tín dụng.
Kiểm soát tín dụng bất động sản
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, các tổ chức tín dụng có đánh giá rủi ro tín dụng đối với các khoản vay ngắn hạn có tốc độ tăng chậm hơn so với rủi ro tín dụng của các khoản vay trung và dài hạn. Dự báo trong 6 tháng tới và cả năm 2023, các tổ chức tín dụng lo ngại bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các lĩnh vực, không bao gồm một số lĩnh vực cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng rủi ro giảm.
Cụ thể, có 67,3 - 71,3% tổ chức tín dụng được khảo sát cho rằng tín dụng “không đổi”; 21,7- 16,1% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt” và 10-12,6% tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng” các điều khoản, điều kiện cho vay tổng thể tương ứng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp (chỉ chủ yếu “thắt chặt” đối với lĩnh vực có rủi ro như cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán) và nhóm khách hàng cá nhân.
Các tổ chức tín dụng nhận định và dự kiến chủ yếu “thắt chặt” đối với yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng để đảm bảo an toàn. Đồng thời, dự báo tiếp tục nỗ lực thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân đối với hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023, bốn lĩnh vực gồm Sản xuất thức ăn và đồ uống; Bán buôn, bán lẻ; Xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tiếp tục có tỷ lệ tổ chức tín dụng dự kiến là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống cao nhất.
Thị trường bất động sản cần huy động nguồn lực qua nhiều kênh vốn để phát triển, như vốn đầu tư trực tiếp, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân... Do đó, vốn tín dụng chỉ là một kênh trong số nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là thời hạn trung và dài hạn, trong khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn). Nếu các tổ chức tài chính không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân, ảnh hưởng tới an toàn hoạt động của bản thân các tổ chức tài chính, gây hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế.
Do đó, mục tiêu điều hành tín dụng là đảm bảo tuân thủ chính sách tiền tệ, trong từng giai đoạn sẽ có những điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.