TS Vũ Đình Ánh: Hệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu ở phía Nam đang gặp vấn đề
BÀI LIÊN QUAN
PVOIL và Lọc hoá dầu Bình Sơn chịu áp lực gia tăng vì tình trạng xăng dầu khan hiếm6,5 triệu tấn xăng dầu được nhập vào thị trường Việt NamPV OIL ước tính doanh thu quý 3/2022 tăng 81% so với cùng kỳ bất chấp giá xăng dầu chạm đáy từ đầu nămHệ thống phân phối, kinh doanh xăng dầu ở phía Nam đang gặp vấn đề
Những ngày gần đây, hiện tượng người dân tại TP.HCM phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ để chờ đợi đổ xăng, hoặc quay đầu không mua được xăng vì cửa hàng hết hàng đã diễn ra vô cùng thường xuyên. Dù đã được bổ sung thêm 80 xe bồn ngay trong đêm hôm trước, số lượng cửa hàng bán xăng tại khu vực này đã tăng lên con số 121.
Liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh cho biết: “Đây là một hiện tượng bất ổn, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và cả xã hội, khi có đến hơn 100 cây xăng trong tổng số khoảng 500 cây xăng ở trên địa bàn TP.HCM đã ngừng bán hoặc bán theo kiểu nhỏ giọt, gây tổn thất nhất định về kinh tế, tài chính, xáo trộn đời sống người dân”.
Vị chuyên gia này cho rằng, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở phía Nam, trong khi cơ chế và chính sách được áp dụng chung cả nước và những khó khăn gặp phải đều ở mức tương đồng. Chính vì thế, điều đầu tiên có thể thấy được, hệ thống phân phối cùng với kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam đang gặp vấn đề.
Theo những gì được ghi nhận tại thị trường xăng dầu TP.HCM, tình hình khan hàng đã xảy ra liên tục trong hai ngày cuối và kéo dài cho đến nay. Tối ngày 9/10, tại TP.HCM có khoảng 54 cây xăng báo hết xăng để bán. Ngay trong đêm, Petrolimex TPHCM đã bổ sung 80 xe bồn (con số này tương đương khoảng 1,6 đến 2 triệu lít xăng dầu) từ kho về cho hệ thống bán lẻ. Thế nhưng, tình trạng khan hàng cũng như chờ đợi mua xăng dầu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Cập nhật từ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho thấy, tính đến chiều 10/10 đã có tổng cộng 121 trên tổng số 550 cửa hàng trên địa bàn hết xăng, tình trạng lượng xe ùn ùn chờ đổ xăng cũng vẫn tiếp diễn. Đến ngày 11/10, tình hình mua xăng của người dân vẫn không có gì thay đổi, dòng xe vẫn tiếp tục chờ đợi trong tình trạng tương tự như hôm trước.
Thế nhưng, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nhận định, tình hình người dân gặp khó khăn về vấn đề mua xăng vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Đồng thời, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là các đại lý dù đã đặt hàng nhưng nhà cung cấp lại không có đủ. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong khi xe vận chuyển lại không kịp cộng với các cửa hàng nhỏ lẻ có lượng dự trữ thấp, dẫn đến việc hết hàng là điều dễ hiểu.
Cụ thể, ông Phương cho biết: “Trong tình trạng một số cửa hàng tạm ngưng bán xăng và người dân sẽ đổ xô vào mua, cửa hàng hoạt động bình thường cũng sẽ gặp khó khăn vào những lúc cao điểm. Hiện tại, số lượng cửa hàng hết xăng còn dầu chiếm hơn 10% trong tổng số 550 cửa hàng trên địa bàn, vì vậy vẫn còn 90% cửa hàng đang hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm mua hàng”.
“Cần thu hẹp số lượng trong hệ thống kinh doanh xăng dầu”
Từ khoảng đầu tháng 10, đại diện 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại phía Nam đã có văn bản gửi đến Thủ tướng, chỉ rõ việc nhiều doanh nghiệp phân phối đã tìm cách “lách” quy định hòng bán ra cho những doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn so với giá bán lẻ quy định bằng việc thu thêm phí vận chuyển, điều này khiến chiết khấu bằng 0 đồng hoặc ở mức âm. Thông thường, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ nhận được chiết khấu trên mỗi lít, sau đó đầu mối sẽ chi trả phí vận chuyển. Thế nhưng thời gian qua, trong bối cảnh thị trường bất ổn, các doanh nghiệp bán lẻ đã phải tự chi trả phí vận chuyển, không có chiết khấu hoặc chiết khấu quá thấp dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng nề.
Chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu H.Petro từng thông tin với VTC News rằng, chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối với đại lý đã tăng lên ở mức 400 đồng/lít với xăng và 700 đồng/lít với dầu. Trước đó, có thời điểm mức chiết khấu đã giảm còn 50 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng/lít xăng. Với mức chiết khấu này, các cửa hàng bán lẻ gồng gánh thua lỗ vì phải chịu thêm tiền điện, khấu hao máy móc, tiền mặt bằng, nhân công… Nếu như đầu mối tính cả cước xe bồn, giá nhập trở nên cao hơn giá bán, tình trạng thua lỗ càng thêm trầm trọng.
Chính vì thế, Bộ Công Thương và Hiệp hội Xăng dầu đã nhiều lần gửi văn bản sang Bộ Tài chính đề nghị phải tính đúng và tính đủ chi phí giá xăng dầu. Đến chiều ngày 7/10, Liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã quyết định tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng cùng với mức premium trong nước vào kỳ điều hành hôm nay 11/10. Cụ thể, Bộ Tài Chính cũng đã xin ý kiến đối với các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan, sau đó thống nhất tăng chi phí định mức lên 350 đồng/lít. Thời điểm hiện tại, chi phí định mức với 1 lít xăng A92 là 1.320 đồng, RON 95 là 1.340 đồng/lít.
Đồng thời, Bộ Tài Chính cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu phương án điều hành giá, làm sao để điều chỉnh premium trong nước cũng như chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng sẽ không tác động đến giá cơ sở xăng dầu.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, việc điều chỉnh mức tăng chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và điều chỉnh mức premium trong nước sẽ khiến cho giá cơ sở thay đổi bởi đây chính là hai yếu tố cấu thành mức giá cơ sở. Nếu như muốn tăng chi phí định mức mà không muốn tăng giá cơ sở, Bộ Tài chính cần phải chỉ rõ các yếu tố trong giá cơ sở cần điều chỉnh. Trong khi đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc điều chỉnh tăng đối với chi phí vận chuyển ở trên chỉ giải quyết được khó khăn tạm thời. Nếu muốn giải quyết được lâu dài, Bộ Tài Chính cần phải xem lại công thức tính giá cơ sở, nguyên nhân bởi có nhiều định mức trong giá cơ sở xăng dầu đã thay đổi. Thế nhưng, công thức tính giá cơ sở xăng dầu, chi phí định mức và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu đã được quy định từ 8 năm trước, đến nay đã không còn phù hợp.
Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, bên cạnh việc giải quyết vấn đề chiết khấu thì cây xăng bán lẻ chính là mắt xích cuối cùng của chuỗi. Hệ thống kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam đang có 36 doanh nghiệp đầu mối cùng với 500 công ty phân phối, điều này khiến cho thị trường dễ trở nên rối loạn. Nếu như có một doanh nghiệp đầu mối hoặc đơn vị phân phối gặp vấn đề, điều này ngay lập tức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả chuỗi hệ thống. Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần phải tổ chức và sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng dầu. Không chỉ đặt điều kiện kinh doanh mà còn phải thu hẹp số lượng, chỉ cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh và phát triển có thể hoạt động; loại bỏ những doanh nghiệp nhỏ và không đủ năng lực; đồng thời thiết kế lại thị trường để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.