sapo-1694163166.jpg
 

Áp lực tỷ giá gia tăng mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8. Tuy nhiên, theo cập nhật của các đơn vị nghiên cứu, tính từ đầu năm đến 31/8, VND giảm 2,2% so với USD. Đây là mức giảm khá thấp trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ.

Các chuyên gia của BVSC cho rằng, lạm phát thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, khiến lo ngại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn, thậm chí có thể thực hiện thêm 1 lần tăng lãi suất. Dù vậy, diễn biến tăng của USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022.

Để làm rõ hơn diễn biến và tác động của tỷ giá đến động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu xoay quanh vấn đề này.

 

11-1694163505.jpg
 

 

sub-1-1694163166.jpg
 

Ông bình luận thế nào về việc tỷ giá đã tăng nóng trong thời gian gần đây? Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tỷ giá đang có xu hướng tăng do một số nguyên nhân. Trong đó, có việc NHNN đã giảm lãi suất 4 lần trong năm nay, đi ngược với xu hướng chung của thế giới. Việc giảm lãi suất khiến giá trị tiền đồng giảm xuống, tỷ giá tăng lên. Nếu tỷ giá tăng quá mạnh sẽ gây bất ổn thị trường ngoại hối và ảnh hưởng đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Việc giảm lãi suất của NHNN thời gian qua rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Có những doanh nghiệp muốn vay nhưng không vay được, một mặt vì lãi suất vẫn còn cao và doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện của phía ngân hàng.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay thì không ít doanh nghiệp “không muốn vay” vốn, bởi vì tình hình kinh doanh khó khăn, lượng đơn hàng (đặc biệt đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu) giảm mạnh thời gian qua.

 

a1-1694163877.jpg
 

 

Tăng trưởng tín dụng 7 tháng vừa qua rất thấp, nhưng khi nhu cầu hàng hoá giảm thì doanh nghiệp sản xuất càng nhiều thì họ đối mặt với rủi ro tồn kho càng lớn, nếu vay vốn ngân hàng nữa thì áp lực trả lãi lại càng đè nặng.

Thêm nữa, nền kinh tế của Việt Nam đang trầm lắng với rất nhiều khó khăn bủa vây. Khi sức phục hồi của nền kinh tế của một quốc gia yếu thì giá trị đồng tiền của quốc gia đó cũng bị ảnh hưởng.

Nhu cầu về các hàng hoá tiêu dùng như quần áo, may mặc, hàng điện tử… đang suy giảm toàn cầu. Tôi vừa ở Mỹ về, thấy kinh tế Mỹ cũng đang khá khó khăn khi đối mặt với lạm phát. Lạm phát năm ngoái tăng lên tới 9%, tháng 7 năm nay đã giảm xuống 3% nhưng vẫn còn cao hơn lạm phát mục tiêu của Ngân hàng trung ương Mỹ là 2%. Do đó, FED vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất từ nay đến cuối năm để kiềm chế lạm phát.

 

113-1694164199.jpg
 

 

Với áp lực tỷ giá như vậy, ông đánh giá dư địa giảm lãi suất thời gian tới thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Mỗi lần FED tăng lãi suất đều có tác động tới Việt Nam, ảnh hưởng tới tỷ giá. Việc áp lực tỷ giá tăng có thể khiến đảo chiều chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ nới lỏng trong thời gian vừa qua chuyển sang chặt chẽ hơn.

Ngân hàng Nhà nước đang đứng ở ngã 3 đường, hoặc phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá hay phải giảm lãi suất để cứu các doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất, nhưng nếu cứ giảm lãi suất thì có thể tăng tỷ giá, tạo sự bất ổn trong thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước giữ sự cân bằng.

Khi tỷ giá tăng lên thì NHNN bán USD ra để hạ nhiệt thị trường. Nhưng việc bán USD cũng có giới hạn, lượng dự trữ ngoại hối phải tương đương giá trị 3 tháng nhập khẩu.

 

a2-1694164658.jpg
 

 

Những tháng cuối năm của năm ngoái tỷ giá tăng rất mạnh, hơn 25.000 đồng/USD. Khi đó, trước những căng thẳng kéo dài về tỷ giá hối đoái, NHNN đã bán một lượng USD đáng kể được từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong nước. Theo ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 giảm mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức hơn 80 tỉ USD, chạm ngưỡng 3 tháng nhập khẩu.

Việc bán ngoại hối là công cụ luôn luôn được NHNN dùng để ổn định tỷ giá, nhưng rõ ràng nó có giới hạn và lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng không còn quá thoải mái.

 

financial356-1694164954.jpg
 

 

Nếu đồng tiền việt Nam mất giá thì vốn đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất giảm mạnh lại thổi bùng lên nguy cơ lạm phát và đây là điều mà NHNN không mong muốn.

Do đó, tôi cho rằng dư địa giảm lãi suất không còn nhiều và NHNN không nên giảm thêm lãi suất. Điều này để ổn định tỷ giá và ngăn chặn việc dòng tiền rút ra khỏi thị trường Việt Nam và ngăn chặn lạm phát. Dù cho điều này là một nỗi đau với doanh nghiệp khi họ phải chịu lãi suất cao.

Tuy nhiên, như tôi đã phân tích, tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dù có lãi suất thấp họ cũng không muốn vay vì đơn hàng không có, nên càng vay thì họ càng lỗ.

quote-1-1694170583.jpg
 

Ông đánh giá thế nào về diễn biến và áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Có khả năng tỷ giá sẽ tăng từ nay đến cuối năm và thị trường chợ đen sẽ trở lại. Ngân hàng Nhà nước muốn điều chỉnh lãi suất một cách thận trọng, trong khi thị trường ngoài kia sẵn sàng trả tỷ giá cao hơn. Do đó, sắp tới cần quan tâm vấn đề đầu cơ, chợ đen. Nhưng dù sao, hiện tại NHNN vẫn kiểm soát tỷ giá khá tốt. Việc tỷ giá cuối năm có tăng nhưng sẽ không tăng quá mạnh.

Tôi cho rằng thời gian qua NHNN đã thực hiện các chính sách trong khả năng của mình và kiểm soát được lạm phát ở mức tốt. Chính sách tỷ giá gần đây có tăng nhưng vẫn khá ổn định.

Về chính sách tiền tệ, NHNN cũng đã cố gắng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất đến cuối cùng không đạt hiệu quả tăng trưởng tín dụng một cách lành mạnh. Các doanh nghiệp vẫn than rằng không tiếp cận được vốn.

 

a3-1694197766.jpg
 
sub-2-1694163167.jpg
 

Như vậy, theo phân tích của ông, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, việc hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy nền kinh tế được trông chờ vào chính sách tài khoá. Theo ông, những yếu tố nào cần chú trọng thúc đẩy?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách tài khoá cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Hiện nay, việc giảm thuế, miễn, hoãn thuế và các chính sách khác đang được Chính phủ tiến hành, nhưng cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Ví dụ, tôi nhiều lần đề nghị Thuế Giá trị gia tăng cần được giảm mạnh hơn nữa, từ 10% xuống 5% thay vì xuống 8% như hiện tại. Ngoài ra, thời hạn giảm thuế cũng cần kéo dài hơn.

Việc giảm Thuế Giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ cho tổng cầu, khiến người dân chi tiêu nhiều hơn. Khi ngừoi ta chi tiêu nhiều hơn thì thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, từ đó nền kinh tế cũng được thúc đẩy phục hồi mạnh mẽ hơn.

 

business-concept-with-calculator-close-up-1694197879.jpg
 

 

Một yếu tố khác cần chú trọng là thúc đẩy đầu tư công. Đầu tư công được xem là một trong cỗ xe tam mã thúc đẩy tăng trưởng. Đầu tư công có liên quan đến rất nhiều ngành nghề. Một đồng vốn đầu tư công có thể kéo thêm nhiều vốn khác vào nền kinh tế.

Đầu tư công cũng là công cụ dẫn dắt, là vốn mồi kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách mạnh mẽ hơn. Tiền thì chúng ta đã có sẵn, vấn đề là tiêu sao cho hợp lý thôi, nhưng thực sự việc thực hiện dự án công cũng không đơn giản.

Dù năm nay việc giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn khá chậm và mục tiêu giải ngân 95% trong số hơn 700 nghìn tỷ đồng của năm nay vẫn là thách thức.

quote-2-1694171521.jpg
 

Những điểm nghẽn trong giải ngân đã được nhiều cơ quan chỉ ra, nhưng ông cho rằng đâu là yếu tố mấu chốt cần giải quyết trong ngắn hạn để thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta đã nói nhiều vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm của công chức, chính quyền địa phương trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Một vấn đề nổi lên gần đây là cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ kỷ luật, điều tra nên không dám làm. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công việc. Việc giải toả tâm lý này hết sức cần thiết.

Một mặt chúng ta phải chống tham nhũng và tôi rất ủng hộ việc chống tham nhũng quyết liệt của Đảng và Nhà nước thời gian vừa qua, nhưng mặt khác cũng cần giải toả được tâm lý lo ngại của các công chức. Điều này cần những chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ rằng nếu công chức làm sai nhưng không xuất phát từ vụ lợi, tham nhũng.

 

laundry-money-change-clean-illegal-dirty-through-washing-machine-laundering-tax-system-it-is-illegal-crime-investigated-by-law-lawyer-authority-concept-laundering-money-studio-copy-space-1694198007.jpg
 

 

Ngoài ra, tâm lý sợ sai còn xuất phát từ hệ thống pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, nhiều khi đúng luật này lại sai luật khác nên cán bộ không dám làm. Việc pháp luật mâu thuẫn thực sự mang đến sự bất an đối với không ít cán bộ.

Do vậy, để công chức yên tâm làm việc thì bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cũng cần có quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, không xử lý hình sự cán bộ làm sai nhưng không xuất phát từ mục đích tham nhũng, trục lợi.

Xin cảm ơn ông!

tac-gia-1694163164.jpg
 
Chia sẻ:

Tin mới cập nhật

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

1 ngày trước

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

1 ngày trước

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

1 ngày trước

Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót thêm 551 triệu USD đầu tư phát triển công nghệ tại Việt Nam

1 ngày trước

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

2 ngày trước